Đối với Xa Văn Đức, cuộc sống là luôn nhìn về phía trước

Đối với Xa Văn Đức, cuộc sống là luôn nhìn về phía trước

(HBĐT) - Mới bước vào tuổi 25, thế nhưng suốt dải từ bến Lanh thuộc xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc đến những nơi dân cư trù phú, đông đúc ai cũng biết đến Xa Văn Đức, một ngư phủ có cái “đầu” và cái “tâm” với sông nước trên hồ Hòa Bình.

 

Bỏ đất, xuống nước đạp thuyền

 

Giữa vùng sông nước mênh mông, Đức kể cho tôi nghe cuộc đời đầy sóng gió của mình: Em mới chỉ học đến lớp 2, bỏ con chữ lâu lắm rồi. Bây giờ chỉ còn nhớ và viết được mỗi cái tên là Xa Văn Đức. Thế nên chuyện gì cũng phải... nhớ trong đầu. Ngày bỏ học là lần đầu tiên em bị bố đánh cho một trận nhớ đời, giờ nghĩ lại vẫn còn thấy hãi những ngọn roi cứ vun vút vào lưng. Nhưng cái chữ không vào, cái đầu không muốn học đã thắng được những trận đòn roi đau đến tê dại. Đức bỏ học từ đó, khi thì theo mẹ lên nương, lúc thì theo bố xuống thuyền. Nhà Đức, chỉ toàn núi cao ngất bị chia cắt bởi sông Đà. Đó cũng là một xóm nghèo heo hút với vài chục nóc nhà nằm chênh vênh giữa núi với sông. Nhà này lại cách xa nhà kia bằng một tiếng hú dài. Sống trong cái cảnh nghèo, sự tù túng của núi rừng của nương rẫy, Đức và những đứa trẻ khác luôn thấy thời gian trôi đi quá chậm. Rồi khi chân tay săn chắc và cuồn cuộn những bó cơ gân guốc, quanh mép lún phún râu tơ, Đức trở thành một con “rái cá” có tiếng ở vùng núi heo hút và xa ngái này.

 

Năm 21 tuổi lấy vợ sau đó Đức xin ra ở riêng: Cuộc sống khó khăn do ruộng đất ít, làm không đủ ăn. Không còn cách nào khác em đành phải bỏ đất, xuống nước đạp thuyền đánh cá nuôi vợ, con. Tính ra, đến nay đã vừa tròn 1 năm vợ chồng Đức mang con xuống nước tìm kế sinh nhai. Cố gắng thì cũng tạm đủ ăn anh ạ! Năm vừa rồi 2 vợ chồng cũng tiết kiệm được 15 triệu đóng được cái thuyền máy làm phương tiện đi lại, kiếm sống và làm thêm được bè cá lồng. Khởi đầu được như vậy, trước đây có lẽ chỉ có trong mơ thôi anh chị ạ! Vợ Đức cho biết. Và từ đây, giấc mơ của vợ chồng gã bắt đầu. Thuyền thì ngoài việc đi lại, đánh bắt cá trên sông còn là phương tiện để Đức chở người qua sông, cũng kiếm được khá. Đôi khi Đức cũng tình nguyện chở giúp những người lỡ độ đường sông nước mà không lấy tiền.

 

Giữ nhịp sống cho sông

 

Kiếm sống bằng nghề sông nước thì chí ít cũng phải biết giữ gìn và bảo vệ sự sống của dòng sông. Cái suy nghĩ đó, có vẻ như ít gặp trong suy nghĩ của phần lớn cư dân sống bằng nghề đánh bắt thủy sản vùng lòng hồ sông Đà và cả những người sống ven  sông Đà. Nhưng tôi lại gặp và thấy suy nghĩ thiết tha ở người ngư phủ bến Lanh này. Đức bảo: Trước đây, người ta lén lút đánh bắt thuỷ sản bằng thuốc nổ và xung điện khá phổ biến trên vùng lòng hồ. Đó là những cách đánh huỷ diệt. Nó tàn phá nguồn lợi thuỷ sản, huỷ hoại môi trường khủng khiếp lắm. Anh cứ tưởng tượng, chỉ một mẩu thuốc nổ bằng cái chén ném xuống hồ, cá chết nổi loang trắng một vùng rộng cả trăm mét vuông. Người ta chỉ vớt lấy cá to, còn lại thì trả cho sông. Nếu cứ như thế mãi thì chẳng mấy mà vùng lòng hồ sẽ trở thành vùng nước chết. Đánh bằng xung điện cũng huỷ diệt môi trường, huỷ diệt nguồn lợi thuỷ sản chẳng kém gì đánh bắt bằng thuốc nổ. Do bị đánh bắt một cách tận diệt như vậy, nên nguồn thuỷ sản ở đây đã bị giảm sút, không còn dồi dào so với trước đây. Nói rồi Đức cười, một nụ cười buồn và đầy tiếc nuối. Bởi bây giờ chẳng khi nào con thuyền nhỏ của vợ chồng Đức đầy ắp cá như con thuyền của hai cha con Đức thủa trước.

 

Kiên quyết chống lại các hành vi đánh bắt thuỷ sản theo cách huỷ diệt, Đức trở thành người đi tuyên truyền. Trước tiên là vận động những người thân, họ hàng, bạn bè, bà con trong bản và cả những người đi nhờ thuyền không sử dụng các phương tiện, cách đánh bắt mang tính huỷ diệt. Nói một lần không ai nghe, thì sẽ nói nhiều lần, nói đến bao giờ cho mọi người nghe, hiểu và không làm nữa. Đức chia sẻ. Với cái suy nghĩ đó, Đức đã kiên trì vận động. Nhiều người đã nghe theo, bỏ đồ nghề, dụng cụ, quay trở lại giăng câu, thả lưới. Trong đó có cả những người “cứng đầu, cứng cổ” nhất. Suốt một dải sông nước từ bến Lanh cho đến hết địa phận xã Tiền Phong giờ đã trở lại bình yên như vốn có. Không còn tiếng nổ lục bục mà cũng chẳng còn mấy ai thiết tha với việc đánh bắt cá bằng xung điện.

 

Năm vừa rồi, ngoài số tiền dành dụm được, Đức đã vay mượn thêm để đầu tư vào bè nuôi cá lồng trị giá khoảng 10 triệu đồng. “Cuộc sống đã tạm ổn, cứ đà này sau 1 đến 2 năm cuộc sống vợ chồng em sẽ ổn định. Có điều kiện em sẽ tiếp tục mở rộng quy mô nuôi cá lồng. Ở bến Lanh này cũng rất phù hợp cho việc nuôi thả cá lồng. Vì nguồn nước rất trong và sạch. Điều kiện tự nhiên thì phù hợp, nhưng quan trọng là mình làm như thế nào thôi anh ạ! Nếu thành công, em sẽ vận động mọi người cùng làm. Chứ không chỉ trông chờ vào việc cây lúa, cây ngô thì cũng chẳng đủ ăn đâu”, Đức bảo. Đó là hướng đi đúng. Chúng tôi tin, nhất định Đức sẽ làm được và thành công với những gì đã tính toán.

 

Rời bến Lanh qua những khúc cua mềm mại, xanh mướt của những rừng cây ven đường, những ghập ghềnh nếp gấp của ruộng bậc thang và những ngọn gió phóng khoáng, trong lành. Từ trên đỉnh dốc cao, nhìn lại bến Lanh chỉ còn là một nhánh sông xanh ngắt đã ở lại tuốt sâu dưới thung núi. Những ngôi nhà nhỏ bên mép nước chỉ như những bao diêm xếp cạnh nhau. Từ giữa mênh mang sông nước, một con thuyền độc mộc khua nhẹ mái chèo lướt về phía ngôi nhà cô đơn bến mép nước đang toả khói lam chiều. Mảnh áo nâu bé xíu trên con thuyền  như chế ngự cả không gian rộng lớn của núi, sông và cái khoảng trời thênh thang mở ra phía trước.

 

Một cuộc sống thật bình yên. 

 

                                                                                   Mạnh Hùng

 

Các tin khác

Nghi lễ tế rước trong lễ hội Xên Mường, huyện Mai Châu năm 2010.
Nhiều hộ gia đình ở Quèn Thị đã hành nghề bốc thuốc nam truyền thống từ nhiều năm nay
Em Hà Thị Thắm (áo hồng) - một tấm gương sáng về tinh thần vượt khó.
Cây gỗ vừa bị chặt hạ ở đỉnh Nước Mọc thuộc khu rừng Phục Trâu, xóm Ké, xã Hiền Lương .

Trở lại “đất nóng” Hang Kia

(HBĐT) - Trở lại vùng “đất nóng” Hang Kia, huyện Mai Châu khi chưa thể quên tiếng súng nổ vang động núi rừng đầy uy hiếp trong ngày 05/2/2010 vừa qua. Mặc dù đã lên tinh thần trước, nhưng trên suốt chặng đường hơn 100km, tôi vẫn luôn mang một cảm giác không mấy bình yên khi trở lại thung lũng Hang Kia...

Cả cuộc đời đam mê ca hát

(HBĐT) - Thời gian đã nhuộm sương trắng mái đầu người nghệ sĩ bước sang tuổi 75, cái tuổi không còn cho người ta sức khoẻ dồi dào để hào sảng câu hát. Nhưng thời gian không làm phai nhạt trong ông niềm say mê, tâm huyết với câu hát chèo. Trong một buổi sáng tháng 5 yên bình ở Tiểu khu 2, Bãi Lạng, Lương Sơn, giọng ca “thổ đồng” của nghệ sĩ Minh Sáng lại vang lên, đưa chúng tôi trở về với oan khiên Nguyễn Trãi…

Nhịp sống mới bên hồ Hòa Bình

(HBĐT) - Tính ra, có 3 cái mốc quan trọng đã cơ bản làm thay đổi cuộc sống ở Tân Dân. Thứ nhất đó là việc kéo điện lưới quốc gia, tiếp đến là đường giao thông được mở đến trung tâm xã và cuối cùng là việc chuyển địa giới hành chính của xã về huyện Mai Châu. Những cái mốc này đã dần “kéo” Tân Dân ra khỏi cái “ốc đảo” của đói nghèo

40 năm bật đài cho dân nghe

(HBĐT) - “A lô… A lô… Đã đến giờ nghe đài, xin mời bà con chú ý! A lô… A lô…” Nói đoạn, ông nhanh nhẹn đặt micrô hướng vào cái đài nhỏ, thành thạo chỉnh tần số sóng FM để bắt chương trình thời sự buổi sáng quen thuộc.

“Thắp lửa” cho người có HIV

(HBĐT) - “Đảng viên phải là những công dân tiên phong và gương mẫu trong sự nghiệp làm kinh tế, làm giàu cho nhà, cho nước và phải có trách nhiệm hướng dẫn, tổ chức người lao động làm giàu…”. Nhưng với ông Cao Thế Kỷ là Bí thư chi bộ xóm Đá Bạc, xã Liên Sơn, huyện Lương Sơn còn có một trách nhiệm khác là giúp đỡ những người có HIV. Ông là người đầu tiên xông vào trận chiến với căn bệnh thế kỷ. Và thắp lên cho bao số phận ngọn lửa của niềm hi vọng.

Vết chân tròn trên rẻo cao

(HBĐT) - Chúng tôi đến Tân Dân, một xã vùng lòng hồ của huyện Mai Châu vào một ngày mưa. Rời bến Lanh, xã Cao Sơn (Đà Bắc) chúng tôi đi thuyền theo lòng hồ sông Đà hơn một tiếng đồng hồ thì cập bến Đá Đỏ, từ đó đi tiếp đường bộ hơn 10 km thì vào đến trung tâm xã. Gặp các anh lãnh đạo xã, chúng tôi ngỏ ý muốn tìm gặp ông Sáo thương binh ở xóm Diềm trước đây đã dạy xóa mù cho người dân trong xã, các anh đã nhiệt tình cử một cán bộ đưa chúng tôi đến nhà ông.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục