Thương binh Nguyễn Văn Tún chăm sóc đàn ngỗng
(HBĐT) - Hơn 4 năm chiến đấu tại mặt trận miền Tây Nam Bộ, 3 lần bị thương vào chân, cột sống, đầu với thương tật 65%, nhưng thương binh Nguyễn Văn Tún ở xóm Dụ, xã Mông Hóa (Kỳ Sơn) đã vươn lên làm giàu chính đáng đạt thu nhập 110 triệu đồng/năm. “Có được thành quả đó là do lúc nào tôi cũng thấm nhuần lời căn dặn của Bác Hồ - thương binh tàn nhưng không phế.” – ông Tún tâm sự.
Khởi nghiệp từ 7 quả trứng vịt
Mang trên đầu mảnh đạn từ chiến trường, năm 1976, ông Tún trở về quê nhà, công tác tại huyện đoàn và lập gia đình. Đến năm 1980 do vết thương cũ tái phát, ông xin nghỉ việc về địa phương. “Hoàn cảnh gia đình tôi lúc đó vô cùng khó khăn. Không ruộng cấy lúa, không tài sản ngoài ngôi nhà tranh vách đất. Đến bát ăn cơm cho vợ, con cũng không đủ. Đau ốm nằm trên giường, nhìn vợ, con nheo nhóc, khi đó chính lời dạy của Bác Hồ đã giúp tôi nung nấu ý chí làm giàu. Ngay khi sức khỏe vừa tạm ổn, tôi đã lao vào công việc, ngày đi làm việc Nhà nước, đêm động viên vợ, con cùng đào ruộng ven suối cấy lúa và ao thả cá. Dần dần đến 7 tháng mới đào xong một cái ao rộng 2 sào. Để duy trì cuộc sống, tôi không từ một việc nào từ mò cua, bắt ốc đến vào rừng tìm măng để bán. Chắt chiu, tiết kiệm, tôi mua được 7 quả trứng vịt rồi cho ấp nhờ vịt hàng xóm được 7 vịt con.” – ông Tún nhớ lại những năm tháng khó khăn lúc khởi nghiệp. Được thả ao, có thức ăn, đàn vịt lớn nhanh, chẳng mấy chốc ông đã có hơn 100 vịt đẻ trứng. Từ tiền bán trứng, ông mua 2 con lợn nái. Lợn con một số đem bán, còn lại đổi thóc, gạo. Lúc đã đào được ruộng cấy, có ít vốn từ bán lợn, ông tiếp tục đào thêm ao cá và mua 1 con bê. Chăn nuôi cũng có nhiều rủi ro nên ông luôn tự mày mò và liên hệ với cán bộ khuyến nông để học kỹ thuật phòng bệnh. Khi có phong trào xóa đói, giảm nghèo, ông vay gân hàng 5 triệu đồng để tu sửa chuồng trâu, bò, kè ao cá. Chuồng trại của ông lúc nào cũng sạch sẽ, thoáng mát về mùa đông, ấm về mùa hè. Mô hình trồng trọt, chăn nuôi tổng hợp dần hình thành.
Đi chăm cá bằng ô tô
Nhờ chăm chỉ tìm tòi, việc chăn nuôi của ông không ngừng phát triển. Đàn trâu, bò có thời điểm lên đến 50 con. Ao cá mỗi năm thu 2 lứa, trừ chi phí còn thu lãi 7 – 8 triệu đồng. Bên cạnh đó, ông kết hợp trồng 1 ha keo, dưới chân đồi trồng mía, chuối. Đồi keo của gia đình sau 5 năm đến kỳ thu hoạch cũng cho thu nhập 40 triệu đồng. Năm 2001, ông đã xây được ngôi nhà 3 tầng khang trang ngay mặt đường QL6. Mấy năm gần đây, do đồi cỏ bị thu hẹp, ông chỉ để lại 14 con trâu, bò và chuyển sang nuôi ngan, ngỗng, lợn cỏ thả đồi. Ông cho rằng, phải nghiên cứu thị trường và thị hiếu của khách hàng để chọn nuôi con gì cho phù hợp từng thời điểm mới đem lại lợi nhuận. Tết năm 2009, ông bán trên 20 con lợn cỏ, 30 con ngỗng thu về gần 60 triệu đồng. Ngoài ra, ông còn lên tận TP Hòa Bình nhận thầu ao thả cá ở khu vực thủy sản. Ông nói vanh vách kinh nghiệm nuôi cá của mình: “Vào ngày nắng nóng phải che bạt trên từng góc ao và bơm nước giếng vào để làm mát. Về mùa đông dùng rơm và cây xanh trên rừng bó thành từng bó lớn thả xuống làm chỗ trú ấm cho cá.” Hàng ngày, ông vẫn cần mẫn tự đi cắt cỏ và chở lên thành phố cho cá ăn bằng ô tô - chiếc Sutfacs màu xanh trên 300 triệu đồng ông mua đầu năm 2008 từ tiền làm nông nghiệp.
Hết lòng với công việc xã hội
Không chỉ làm giàu chính đáng cho gia đình, ông Tún còn tận tâm giúp đỡ những hộ nghèo trong xóm bằng việc cho nuôi rẽ 5 con bò. Đồng thời, cho các CCB trong chi hội vay vốn không tính lãi và đứng tên giúp họ vay ngân hàng phát triển kinh tế. “Người ta nghèo cũng khó khăn như mình đã từng nghèo, họ cần sự giúp đỡ về vốn và cách làm kinh tế”. – ông Tún tâm sự. Ngoài việc giúp đỡ hàng xóm, người thương binh này còn tích cực tham gia Hội CCB xã với vai trò là chi hội trưởng, ủy viên. Được bà con tín nhiệm, ông cũng từng làm bí thư chi bộ và trưởng ban công tác mặt trận xóm. Chúng tôi tìm gặp ông mấy hôm trước ngày TB-LS 27/7 nhưng phải đến tận nghĩa trang Kỳ Sơn mới gặp được khi ông đang cặm cụi cùng hàng chục thanh niên tu sửa, dọn vệ sinh. Với sự cố gắng vươn lên, ông được nhận nhiều huân, huy chương, bằng khen, giấy khen từ T.Ư đến cơ sở. Vào cuối tháng 7/2010, ông là một trong ba người tiêu biểu đại diện cho tỉnh đi dự Hội nghị biểu dương NCC tiêu biểu làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh toàn quốc. Khi hỏi về điều này, ông cười khiêm tốn: “Mình là thương binh nhưng không được trông chờ, ỷ lại hay đòi hỏi chế độ của Nhà nước. Phải tự lực vươn lên để chiến thắng đói nghèo, làm giàu cho gia đình, quê hương, đất nước. Thế mới là yêu nước trong thời bình. Lời dặn của Bác tôi ghi nhớ suốt đời.”
Cẩm Lệ
(HBĐT) - Mới bước vào tuổi 25, thế nhưng suốt dải từ bến Lanh thuộc xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc đến những nơi dân cư trù phú, đông đúc ai cũng biết đến Xa Văn Đức, một ngư phủ có cái “đầu” và cái “tâm” với sông nước trên hồ Hòa Bình.
(HBĐT) - Lễ hội là biểu hiện sinh động, đầy đủ nhất của một nền văn hoá bởi sự hội tụ các nét đặc trưng như: lễ cúng, ẩm thực, trang phục, trò chơi dân gian, ca múa… . Với 38 lễ hội dân gian truyền thống, tỉnh ta được biết là mảnh đất phong phú, đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc.
(HBĐT) - Nghề thuốc nam ở Quèn Thị, xã Cao Dương, huyện Lương Sơn có từ bao giờ, không ai nhớ nổi, chỉ biết rằng khi người dân gắn với đất, với núi rừng Quèn Thị này thì hầu như ai ai cũng có thể phân biệt được đâu là cây thuốc lẫn trong bạt ngàn cây lá của rừng xanh. Từ thế hệ trước truyền cho thế hệ sau, cứ như vậy, nghề thuốc nam ở Quèn Thị được duy trì đến bây giờ.
(HBĐT) - “Nếu đặt mình vào chỗ của Hà Thị Thắm thì chưa chắc tôi đã có đủ bản lĩnh, nghị lực để vươn lên theo đuổi ước mơ con chữ như em”, cô giáo Lưu Thị Thu Hương, Chủ nhiệm lớp 10A1 trường PTTH Đà Bắc, huyện Đà Bắc đã không ít lần đã dành thái độ cảm phục, trìu mến cho cô học trò nhỏ có khuôn mặt sáng với đôi mắt trong veo đang ngồi ở phía đối diện...
(HBĐT) - Tiếng chặt, tiếng cưa máy rền rít, tiếng cây đổ rào rạo đã làm cho cánh rừng già Phục Trâu, Nước Mọc thuộc xóm Ké, xã Hiền Lương, huyện Đà Bắc trở thành công trường khai thác gỗ. Lần theo những móng trâu hằn sâu trên con đường mòn độc đạo, chúng tôi xâm nhập rừng già sau một ngày mưa tầm tã.
(HBĐT) - Trở lại vùng “đất nóng” Hang Kia, huyện Mai Châu khi chưa thể quên tiếng súng nổ vang động núi rừng đầy uy hiếp trong ngày 05/2/2010 vừa qua. Mặc dù đã lên tinh thần trước, nhưng trên suốt chặng đường hơn 100km, tôi vẫn luôn mang một cảm giác không mấy bình yên khi trở lại thung lũng Hang Kia...