Chiều buông trên Sông Đà
(HBĐT) - Không rõ tại sao người Pháp lại dùng cụm từ sông Đen để chỉ sông Đà. Nhưng đó cũng không phải là điều quan trọng. Bởi có gọi như thế nào thì sông Đà vẫn là một dòng sông kỳ vĩ, mạnh mẽ và tràn đầy sinh lực như một dũng sỹ giữa núi rừng miền Tây Bắc hoang sơ và bí ẩn.
Còn với những người - những chiến sỹ cách mạng đã từng băng ghềnh, vượt thác ngược sông đi thắp sáng ngọn lửa cách mạng như cụ Nguyễn Văn Hậu, Nguyễn Thị Tâm thì sông Đà vẫn mãi là một dòng sông đẹp nhất. Với họ, dòng sông Đà gập ghềnh “170 thác, 130 ghềnh” vẫn là dòng chảy bất tận từ trong ký ức...
Quá khứ huy hoàng nơi thác đá
Sông Đà bắt nguồn từ Vân Nam (Trung Quốc) với tổng chiều dài gần 1.000km. Trong đó, hơn một nửa chiều dài của dòng sông chảy trên đất Việt quanh theo các dãy núi hùng vĩ của miền viễn Tây. Trên đất Việt, trong phần lớn chiều dài, sông chỉ len lỏi, âm thầm chảy qua những dãy núi cao vời vợi. Sông chỉ tung mình, hết cô độc khi qua các miền cư dân trù phú. Ở nơi đó, sông đã hòa mình vào những câu chuyện kể đã trở thành bất tử. Nhưng với những người như cụ Hậu, cụ Tâm, vẫn còn một ký ức về con sông Đà hiểm trở thác ghềnh đẹp như một bức tranh thuỷ mặc khi thì gầm gào dữ dội đầy hiểm ác, lúc thì bình yên, chan chứa nghĩa tình nhu một thiếu nữ rạng ngời tuổi trăng bên phố Bờ xưa. Nơi đã từng là trung tâm tỉnh lỵ dưới thời cai trị của thực dân Pháp với những khu buôn bán sầm uất, nhà cửa san sát bên con đường kinh ký lên miền viễn Tây xa xôi mang tên viên công sứ người Pháp, Sanhpulop (tức là tuyến đường Quốc lộ 6 cũ, hay còn gọi là đường 41 thời Pháp thuộc) đã trở thành quá khứ rất xa. Bởi, tất cả giờ đã ở dưới sâu gần 200m nước. Phố Bờ xưa, sông Đà xưa giờ chỉ còn ghi trong ký ức của một lớp người...
Tỉnh Hoà Bình được thành lập ngày 22/6/1886 theo nghị định của Kinh lược Bắc Kỳ với tên gọi là tỉnh Mường. Tỉnh lỵ đặt tại thị trấn Chợ Bờ (thuộc châu Đà Bắc) nên cũng gọi là tỉnh Chợ Bờ. Sau chuyển về Phương Lâm rồi chuyển tên thành tỉnh Phương Lâm. Đến tháng 3 năm 1891 lại đổi tên tỉnh Phương Lâm thành tỉnh Hoà Bình. Sau khi tỉnh lỵ chuyển đi, Chợ Bờ (hay còn gọi là Phố Bờ) đã trở thành huyện lỵ của huyện Đà Bắc. Có thể ít người biết, trong lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp thì ở nơi đây đã diễn ra trận chiến đánh chiếm Chợ Bờ của 500 nghĩa quân Đốc Ngữ ngày 29 - 30/1/1891 đã diệt được đồn Chợ Bờ. Giết phó Công sứ Rugiơni, thu 118 súng trường, 4 súng lục và 40 nghìn viên đạn. Giải phóng thị trấn Chợ Bờ. Đây là trận thắng có ý nghĩa rất lớn, là dấu mốc lần đầu giải phóng một thị trấn.
Sau khi hoàn thành cuộc đánh chiếm Tây Bắc lần thứ nhất vào những năm 30 của thế kỷ XX, người Pháp đã lên kế hoạch khai thác sông Đà. Một dự án xây dựng thuỷ điện ráo riết được thực hiện. Qua nhiều năm nghiên cứu, tính toán, đánh giá hàng nghìn mẫu đất đá, người Pháp đã tập trung sự chú ý của mình vào điểm Chợ Bờ. Nhưng tham vọng đó đã bị chặn lại sau cuộc đảo chính của quân đội Nhật (tháng 3/1945). Trong thời kỳ đổi mới, Thác Bờ cũng được đưa vào là một trong những địa điểm lựa chọn xây dựng nhà máy thuỷ điện.
Nhưng đáng nói hơn cả, trong quá khứ nơi này đã ghi dấu chân vị vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi). Sau khi đem quân lên vùng hoang rậm chinh phạt giặc cỏ Đèo Cát Hãn trở về năm 1432, cảm hứng trước thế núi, dáng sông người anh hùng đã “rút gươm phạt đá đề thơ” ngay bên ghềnh đá Thác Bờ. Thơ đề rằng: “Năm Nhâm Tý 1432, Thuận Thiên thứ 4, tháng 3, ngày tốt. Ta đi đánh Đèo Cát Hãn về qua đây, làm một bài thơ để đời sau được biết về đạo lý đánh giác: Bọn phản ngịch ở Mường Lễ (Sơn La) mặt người, dạ thú, nếu ngang ngạnh không chịu theo đức hoá thì phải dẹp ngay cho dứt. Ta chẳng sợ gì hiểm trở và sơn lam chướng khí. Như thế là vì lo nghĩ đến sinh linh trong thiên hạ. Còn 2 phương lược ra quân thì hai đạo Thao - Đà, đường thủy là đường tiến binh tốt nhất...
Khối đá khắc ghi bài thơ này đã được chuyển về lưu giữ tại Bảo tàng Hoà Bình trước khi Thác Bờ ngập chìm sâu dưới hàng trăm mét nước.
Phần “máu thịt” còn lại
Sông Đà gập ghềnh, hiểm trở và hung dữ giờ chỉ được thấy trong dòng chảy ký ức và trong tâm tưởng. Trong câu chuyện về những năm tháng hoạt động cách mạng của mình, cụ Nguyễn Thị Tâm kể nhiều về những chuyến đi thuyền vượt thác trên sông Đà về với quần chúng cách mạng ở chiến khu Mường Diềm, Suối Rút, Chợ Bờ... Con đường của người chiến sỹ cộng sản về với quần chúng cách mạng “nơi thủy phận cuối cùng” này cũng lắm nỗi gian lao, phải đánh bạn với “thủy quái” sông Đà lởm chởm đá sắc nhọn như nanh, vuốt. Đá núi như những hàm răng sắc nhọn trồi lên hụp xuống trong màu nước đục ngầu tung bọt trắng xóa qua mỗi ghềnh, mỗi thác nước như chực nuốt chửng tất cả những gì qua nó. Cụ Tâm bảo: Dù sông Đà dữ dội là thế, nhưng nó cũng là một dòng sông được chứng kiến nhiều biến cố cách mạng từ thủa trung tâm tỉnh lỵ được đặt ở Chợ Bờ cho đến khi chuyển về Phương Lâm, Đồng Nhân, Phố Đúng. Dù đã có tuổi, sức khỏe, trí nhớ có phần giảm sút nhưng ký ức về những ngày đấu tranh cách mạng vẫn như vẹn nguyên trong tâm trí người cán bộ lão thành này.
Trong thời điểm sục sôi khí thế CM và kỷ niệm thắng lợi của cách mạng Tháng 10 (Nga) có một yêu cầu đặt ra là làm sao phải treo được lá cờ đỏ búa liềm lớn ở giữa trung tâm tỉnh lỵ để cổ vũ tinh thần QCND tích cực tham gia đấu tranh cách mạng. Sau khi bàn bạc, những chiến sỹ cộng sản cốt cán như cụ Tâm đã thống nhất treo lá cờ đỏ búa liềm trên dây diện giăng ngang qua sông Đà. Với trí thông minh, sự sắc bén những chiến sỹ Cộng sản đã làm bọn thực dân và bè lũ tay sai một phen tức tối. Ngay trên dòng nước hiền hòa, lá cờ đỏ búa liềm đã hiên ngang bay phấp phới như một dấu son đánh dấu thắng lợi và sự trưởng thành của phong trào cách mạng trên địa bàn tỉnh thời kỳ đó. Cụ Tâm cười bảo: Đó là lần đầu tiên chúng tôi treo một lá cờ lớn ở giữa trung tâm tỉnh lỵ. Và thành công hơn nữa là lá cờ cách mạng đó tung bay trên sông Đà trong nhiều ngày, gây hoang mang cho thực dân Pháp và tay sai trong việc tháo gỡ. Bởi đi kèm với lá cờ đó là mấy quả lựu đạn giả. Đó là một thành công ngoài mong đợi. Từ đây, bên dòng sông Đà, phong trào cách mạng của QCND đã bước lên một tầm cao mới, để rồi có những đóng góp quan trọng trong thành công chung của cách mạng tháng 8/1945.
Bỏ lại phố xá ồn ào, từ “nơi con sông Đà dừng lại”, chúng tôi đi tìm lại ký ức trên mênh mang sóng nước sông Đà. Nơi chúng tôi đến là xóm Bờ. Đây là nơi quần tụ sinh sống của 24 hộ gia đình. Họ sống chủ yếu bằng nghề bán hàng quán quanh đền chúa Thác Bờ và trồng luồng. Nơi đây trước là đồi, núi cao. Trong số 24 nóc nhà, có nhiều hộ gia đình trước kia vốn sống ở Phố Bờ. Vậy là chúng tôi đã tìm được một phần còn lại của Phố Bờ ở giữa mênh mông nước. May mắn hơn, chúng tôi còn được gặp cả những “người lái đò sông Đà” xưa. Đó là ông Đặng Văn Chung, ông Nguyễn Văn Huynh. Trong ký ức của họ, nơi “thuỷ phận cuối cùng của đá thác sông Đà” xưa “hoang vu và đẹp lắm. Những khối đá nhọn hoắt nhấp nhô giữa dòng sông chảy xiết. Nước sông Đà trong xanh và mát lạnh”. Nhưng sông Đà vô cùng hung dữ và nguy hiểm với nhiều thác nhiều ghềnh. Ngày, đêm mùa lũ hay mùa cạn. Sông Đà luôn giống như một chú ngựa bất kham. Với họ giờ đây, những chuyến vượt ghềnh, vượt thác trên tuyến “Đà giang độc tẩu Bắc lưu” mang hàng hoá nhà nước lên phân phối cho đồng bào ở mạn ngược vẫn còn trong ký ức. Ông Huynh kể: Từ Thác Bờ trở xuôi thì hết ghềnh, hết thác. Còn từ Thác Bờ trở ngược thì ở đâu nước cũng chồm lên đá, tung bọt trắng xoá tạo thành thác, nghềnh. Vậy mà mỗi tháng chúng tôi phải đi thuyền mang hàng lên mạn ngược 4 - 5 chuyến. Cũng phải cứng tay, thông thuộc luống lạch. Nếu không số phận cũng đã chấm dứt như nhiều người không may. “Phố Bờ xưa đông vui, trù phú nhà cửa san sát nhau bên cạnh tuyến đường Quốc lộ 6 cũ. Giờ đây tất cả đã chìm sâu dưới hàng trăm mét nước”, đôi mắt ông lão đượm buồn...
Ở thời kỳ CNH - HĐH sông Đà đã mang một tầm vóc mới, một sứ mệnh lịch sử mới của một “dòng sông ánh sáng”. Nhưng trong ký ức, sông Đà vẫn cuồn cuộn chảy, nước chồm lên đá tung bọt trắng xóa như trận thủy chiến của những chàng trai vạm vỡ miền viễn Tây với con thủy quái khổng lồ. Ký ức là vậy, còn bây giờ, sông Đà thật bình yên và đang đóng góp sức mình cho sự phồn vinh của đất nước.
Mạnh Hùng
(HBĐT) - Lễ hội là biểu hiện sinh động, đầy đủ nhất của một nền văn hoá bởi sự hội tụ các nét đặc trưng như: lễ cúng, ẩm thực, trang phục, trò chơi dân gian, ca múa… . Với 38 lễ hội dân gian truyền thống, tỉnh ta được biết là mảnh đất phong phú, đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc.
(HBĐT) - Nghề thuốc nam ở Quèn Thị, xã Cao Dương, huyện Lương Sơn có từ bao giờ, không ai nhớ nổi, chỉ biết rằng khi người dân gắn với đất, với núi rừng Quèn Thị này thì hầu như ai ai cũng có thể phân biệt được đâu là cây thuốc lẫn trong bạt ngàn cây lá của rừng xanh. Từ thế hệ trước truyền cho thế hệ sau, cứ như vậy, nghề thuốc nam ở Quèn Thị được duy trì đến bây giờ.
(HBĐT) - “Nếu đặt mình vào chỗ của Hà Thị Thắm thì chưa chắc tôi đã có đủ bản lĩnh, nghị lực để vươn lên theo đuổi ước mơ con chữ như em”, cô giáo Lưu Thị Thu Hương, Chủ nhiệm lớp 10A1 trường PTTH Đà Bắc, huyện Đà Bắc đã không ít lần đã dành thái độ cảm phục, trìu mến cho cô học trò nhỏ có khuôn mặt sáng với đôi mắt trong veo đang ngồi ở phía đối diện...
(HBĐT) - Tiếng chặt, tiếng cưa máy rền rít, tiếng cây đổ rào rạo đã làm cho cánh rừng già Phục Trâu, Nước Mọc thuộc xóm Ké, xã Hiền Lương, huyện Đà Bắc trở thành công trường khai thác gỗ. Lần theo những móng trâu hằn sâu trên con đường mòn độc đạo, chúng tôi xâm nhập rừng già sau một ngày mưa tầm tã.
(HBĐT) - Trở lại vùng “đất nóng” Hang Kia, huyện Mai Châu khi chưa thể quên tiếng súng nổ vang động núi rừng đầy uy hiếp trong ngày 05/2/2010 vừa qua. Mặc dù đã lên tinh thần trước, nhưng trên suốt chặng đường hơn 100km, tôi vẫn luôn mang một cảm giác không mấy bình yên khi trở lại thung lũng Hang Kia...
(HBĐT) - Thời gian đã nhuộm sương trắng mái đầu người nghệ sĩ bước sang tuổi 75, cái tuổi không còn cho người ta sức khoẻ dồi dào để hào sảng câu hát. Nhưng thời gian không làm phai nhạt trong ông niềm say mê, tâm huyết với câu hát chèo. Trong một buổi sáng tháng 5 yên bình ở Tiểu khu 2, Bãi Lạng, Lương Sơn, giọng ca “thổ đồng” của nghệ sĩ Minh Sáng lại vang lên, đưa chúng tôi trở về với oan khiên Nguyễn Trãi…