Muốn dựng nhà, bà con bản Thung Vòng chỉ có cách vác những tấm lợp trên vai ngược dốc hơn 1 km về bản.
(HBĐT)- Gió đông thổi lồng lộng. Cây rừng xào xạc đung đưa. Bấm từng ngón chân trên hòn đá cuội, khó khăn lắm chúng tôi mới theo được chân mế Bùi Thị Thành vượt qua con suối Vó đến bản Thung Vòng, xã Do Nhân (huyện Tân Lạc).
Đứng trên đỉnh núi Tang nhìn bao quát được cả thị trấn Mường Khến và các xã lân cận, cảm nhận trời, đất như thu hẹp lại, đưa tay lên là có thể với được mây. Con đường dẫn đến chốn thâm cao này cũng chỉ đủ cho hai con trâu tránh nhau. Thế mới hiểu tại sao ngay cả người dân trong xã cũng ngần ngại mỗi khi có công việc phải ngược lên bản Thung Vòng. Nhìn bao quát, Thung Vòng thanh bình, trầm lắng như đứa trẻ thơ đang yên giấc ngủ. Ấy vậy mà qua câu chuyện với trưởng bản Bùi Văn Nhựng mới biết thế nào là xóm 3 không: không đường, không điện, không trường học.
Sinh ra và lớn lên trên Thung Vòng, tuổi thơ gắn bó với dòng suối trong vắt, những vạt nương, thửa ruộng thấm đẫm mồ hôi của 4 đời người Mường tới khai sơn phá thạch, ông Bùi Văn Hị trông có vẻ già hơn cái tuổi ngoài 50. Ngồi trên cửa voóng, hướng tầm mắt xuống con đường đất men theo bờ suối, ông Hị trầm giọng: Gia đình tôi là hộ đầu tiên dọn lên ở nơi cao nhất xã này. Thấm thoắt đến nay đã được 4 đời người. Bà cụ cố nhà tôi năm nay cũng đã ngót trăm tuổi. Làm nghề nông nhưng ruộng cấy ít nên chúng tôi lên đây làm nương rồi dần dà dựng nhà luôn. Ban đầu chỉ có 2 hộ, nay đã tăng lên 12 hộ, chia làm 3 chòm xóm. Đến với Thung Vòng chỉ có hai cách là đi xuyên rừng từ xóm Úi hoặc đi bộ từ xóm Khi. Con đường dài hơn 1.000 m lên bản nhưng cheo leo, nhiều khúc cua tay áo chẳng khác gì con trăn rừng nằm vặn mình. Bản có 4 chiếc xe máy nhưng đến cả đám thanh niên cũng không dám bạo gan phóng lên. Đã có một số người thử đi nhưng khi lên dốc phải đẩy, khi xuống phải có người đi đằng sau kéo lại, không cẩn thận còn ngã xuống vực sâu. Gia đình anh Bùi Văn Hình mua xe đạp cho con cũng chỉ để ngắm vì muốn đi phải mạo hiểm “đổ đèo”. Tất cả đều phải gửi ở dưới xóm Khi và cuốc bộ ngược dốc về nhà. Mùa khô đã khó, khi cơn mưa rừng ập đến, đường trơn như đổ mỡ, nước suối dâng cao, cả bản cô lập hoàn toàn với bên ngoài. Nhưng dù ngày thường hay ngày mưa, mọi sinh hoạt của người dân nơi đây vẫn theo kiểu tự cung, tự cấp. Có nhà một tuần hoặc một tháng mới xuống chợ phiên Lỗ Sơn một lần mua nhu yếu phẩm dự trữ.
Biết chúng tôi đã đi xuyên rừng vào bản, ông Hị không kể nhiều nữa mà nhường lời cho trưởng bản Bùi Văn Nhựng. Bên ấm nước lá cây rừng nghi ngút, ông Nhựng trầm ngâm: Hàng ngày, mọi thông tin liên lạc, văn bản từ xã đều phải nhờ chiếc di động. Nói rồi, ông lấy từ trong túi ra chiếc máy nokia đã sờn cạnh. Ông bảo đó là của một người bạn cảm thông hoàn cảnh của xóm đã cho để chuyển tải tin tức đến người dân. Một số loại báo, tạp chí cũng phải chậm hàng tuần mới đến nơi. Chỉ thương bọn trẻ hàng ngày phải xuôi dốc đi học. Xóm không có trường mầm non, tiểu học. Tôi đã lặn lội xuống tận phòng GD&ĐT huyện đề xuất xây trường nhưng được trả lời là có ít học sinh quá, không đủ mở lớp. Hiện cả bản có 1 cháu học mẫu giáo, 2 cháu học tiểu học, 2 cháu học THCS. Như được cởi tấm lòng, chị Bùi Thị Sơn đang đun ấm nước bên bếp lửa bập bùng cũng giãi bày: Có con nhỏ đi học tiểu học, mẹ cũng phải đi theo đưa, đón, không còn lúc nào mà lên nương nữa. Hôm nào học cả ngày, mẹ, con cùng ở lại nhà người quen và mang cơm nắm ăn trưa. Mùa đông, khi con gà cất tiếng gáy sáng, trẻ con cũng lục tục dậy, ăn qua quít miếng cơm nguội và theo mẹ cùng với bó đuốc xuôi dốc đến trường. Bọn trẻ trong xóm phải xin học nhờ trường TH và THCS xã Lỗ Sơn vì gần được hơn 2 km so với 5 km đến trường xã Do Nhân. Các cháu lớn hơn học THPT cũng phải đi xa hơn 20 km đến học tại trường thị trấn. Bùi Văn Dùng đang học lớp 11, trường THPT Tân Lạc phải dậy từ 4 giờ sáng soi đèn pin xuống núi đến trường. Em tâm sự: Nhiều hôm mệt quá phải ở trọ nhưng do không có điều kiện nên gắng sức đi về. Nhiều lần như vậy, em bỏ học giữa chừng khi ước mơ làm kỹ sư nông nghiệp còn đang dang dở. Đầu tư cho việc học ở xóm vùng cao này gấp đôi, gấp ba so với vùng thấp nhưng nhận thức được việc học chính là cây gậy để tìm hướng vượt dốc đói nghèo, trưởng bản đã đi vận động từng gia đình khắc phục khó khăn cho con đi học cái chữ, cái khôn. Nhiều em đã quay trở lại trường sau những đợt vắng bóng. Khi sương núi còn giăng kín bản làng, từ những nếp nhà sàn đã loang loáng ánh đèn pin, bập bùng bó đuốc của trẻ em đến trường.
“Thung Vòng là tên của bản nhưng mọi người vẫn gọi là Thung Tối. Có lẽ vì nơi đây vẫn chưa có điện!” – Ông Hị buồn rầu cầm chiếc đèn dầu tra lại cái bấc, vừa ngước nhìn tia nắng mặt trời xiên qua góc nhà. Ông kể: Nơi đây quanh năm mát mẻ, đêm mùa hè còn phải đắp chăn, mùa đông sương muối lạnh cóng tay, mây là là trên ngọn cây sau nhà. Một ngày chỉ được nhìn thấy mặt trời mấy giờ. Trời tối nhanh lắm, 5 giờ chiều là phải thắp đèn dầu rồi. Gần 100 năm nay, bà cụ nhà tôi vẫn chưa được ăn cơm dưới ánh điện, quanh năm chỉ làm bạn với ánh trăng, sao đêm. Nhìn ra phía thị trấn thấy ánh điện lấp lóa, mong sao bản Thung Vòng cũng có điện thay sao! Đó không chỉ là mong ước của ông Hị mà của 61 con người đang gắn bó với núi rừng vùng Thung. Trưởng bản Bùi Văn Nhựng, anh Bùi Văn Hiệu… đều mong ước có điện để những chiếc tivi đen trắng không phải để làm cảnh nữa. Gia đình trưởng bản Nhựng tận dụng sức nước từ thác núi Tang chạy máy thủy điện nhỏ nhưng cũng chỉ đủ để thắp 1 bóng đèn và sạc pin điện thoại đảm bảo liên lạc cho cả bản. Ông Nhựng cho biết: Không có đường, điện, trường hạn chế nhiều đến phát triển kinh tế. Xóm còn 6/12 hộ nghèo, thu nhập bình quân chỉ đạt khoảng 4 triệu đồng/người/năm. Bây giờ, giá cả hàng hóa tăng cao, người dân chỉ còn biết trồng được cái gì, nuôi được con gì thì ăn thôi, thú rừng cũng không còn nhiều nữa. Cả bản khai phá được 4,9 ha ruộng lúa, 4 ha đất sườn đồi trồng sắn, ngô nhưng lúa hầu như chỉ cấy được vụ mùa, còn vụ chiêm bị chết rét. Nuôi cả năm được một con lợn 60 kg phải nhờ 4 anh em mới khiêng nổi xuống chợ phiên Lỗ Sơn bán. Theo lệ phải cho họ ăn uống, xách về mỗi người 1 kg thịt, cuối cùng may ra còn đủ tiền mua cá khô về cất lên gác bếp ăn dần. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chương trình 135, 134 đã hỗ trợ cho người dân đường ống nước, mỗi hộ nghèo 1 con lợn, 20 con vịt và tiền giống, phân bón cho 1,5 ha diện tích lúa vụ chiêm-xuân, 2,5 ha lúa vụ mùa. Những sự hỗ trợ đó khá hiệu quả nhưng người dân nơi đây vẫn thiếu cả 3 thứ cơ bản là đường giao thông, trường học, điện và cả cách làm ăn nữa.
Khi chia tay, trưởng bản Bùi Văn Nhựng dặn đi, dặn lại chúng tôi nhớ khi thu hoạch lúa mùa quay lại đây để ăn lễ mừng cơm mới, khi đó sẽ đầy đủ hơn. Tôi gật đầu nhưng ước gì không phải chờ đến vụ thu hoạch mà ngày nào dân bản Thung Vòng cũng no đủ.
Cẩm Lệ
(HBĐT) - Hang xóm Trại là một hang tiêu biểu không chỉ của nền văn hoá Hoà Bình ở Việt Nam mà còn là của cả khu vực Đông Nam Á. Hang nằm trong phạm vi Mường Vang cổ thuộc địa phận xóm Trại, xã Tân Lập, huyện Lạc Sơn.
(HBĐT) - Trong hành trình tìm về vùng đất cổ của người Mường, chúng tôi được anh Lê Quốc Khánh, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh đưa về thăm hang xóm Trại ở xã Tân lập, huyện Lạc Sơn – trung tâm của vùng Mường Vang và là địa điểm mà các nhà khoa học đã tìm thấy dấu vết còn nguyên vẹn của con người sinh sống cách đây gần 21 ngàn năm.
(HBĐT) - Trước năm 1945, thị xã Hoà Bình chỉ là một phố thị vùng cao đìu hiu như một ô cờ nằm lọt thỏm giữa những dãy núi cao sừng sững tạo thành một lòng chảo rộng lớn. Chỉ đều đều một nhịp sống bình yên bên dòng sông Đà loang lở phù sa lấp bồi, cùng những con thuyền êm đềm khua nước đêm trăng... Hình ảnh đó giờ chỉ còn lại trong ký ức. Bởi cái phố thị vùng cao với An Hoà, Đồng Nhân, Phố Đúng, Phương Lâm... xưa cũ đang từng ngày chuyển mình, khoác lên mình một vóc dáng của thành phố trẻ như một chàng trai đang hừng hực sức xuân giữa núi rừng miền Tây Bắc.
Phần II: Một ngày ở đất cổ Mường Bi
(HBĐT) - Khi những tia nắng đầu tiên vượt qua đỉnh núi Cột cờ và tiếng gà gáy rộn đầu làng, cuối xóm thì cũng là lúc người dân xóm Lầm, xã Phong Phú, huyện Tân Lạc bắt đầu một ngày mới của mình.
Phần I: Chuyện lập đất, lập Mường
(HBĐT) - Chiều buông dần trên trên con đường làng. Ánh nắng nhàn nhạt sau rặng tre. Đây đó vương vấn làn khói mảnh mai từ những đụn rơm sau mùa gặt. Tiếng mõ trâu lách cách về chuồng... Đó là những cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi đặt chân đến xóm Lầm, xã Phong Phú, huyện Tân Lạc.
(HBĐT) - Bao lần nhỡ hẹn, cuối cùng tôi với anh Đức Hà, một nhà nghiên cứu sinh vật học mới thu xếp được thời gian để đến với vùng rừng nguyên sinh thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Hang Kia – Pà Cò nằm trên địa bàn huyện Mai Châu.