Tư thương vào tận bản Cang để thu mua ngô.
(HBĐT) - Bao đời nay, nhiều hộ đồng bào Mông ở những xóm xa trung tâm xã Pà Cò (Mai Châu) sống lầm lũi trên núi cao. Họ trồng ngô, sắn và dựa vào rừng mà sống. Đất trồng không lên ngô, sắn thì tìm chỗ đất khác canh tác. Mấy năm nay, cuộc sống của họ đã đổi thay. Họ đã về sống thành bản biết đến điện, tivi, xe máy, đường bê tông, nước sạch...
Sau hơn một năm, chúng tôi mới có dịp trở lại bản Cang ở xã Pà Cò. Đây là bản mới của đồng bào Mông sống du canh, du cư không có đất sản xuất, không đường, không điện, xa KDC được Nhà nước hỗ trợ chuyển về đây. Lần trước chúng tôi đến bản Cang ngổn ngang như công trường lớn. Con đường từ quốc lộ 6 vào bản chỗ đào, bới, chỗ rải cấp phối đi tạm, nhà lớp học đang xây dở dang, mấy cô, trò vẫn phải học ở căn nhà gỗ lợp gianh. Cả bản chỉ có vài hộ mới chuyển về đang dựng lại nhà chuẩn bị cho cuộc sống mới. Lần này trở lại, con đường đã rải nhựa phẳng lì vào trong bản, nhà lớp học đã được dựng lên khang trang, có đầy đủ trang thiết bị học tập. Đang là mùa thu hoạch ngô, thỉnh thoảng lại có xe tải vào tận bản thu mua chở đầy ắp xe. Đội thi công đang hoàn thiện những khâu cuối cùng của khu nhà sinh hoạt cộng đồng của bản. Hơn 50 hộ về đây đã dựng xong nhà, cuộc sống của bà con dần ổn định và quen với nơi ở mới.
Gặp chúng tôi khi đi nhận tiền hỗ trợ của Nhà nước để mua đất sản xuất về nơi ở mới, anh Sùng A Sớ ở bản Cang vui lắm. Anh bảo: Mình về đây vui lắm, có bạn bè, anh em, hàng xóm gần nhau, mình cám ơn Nhà nước nhiều lắm. Về đây, mình được xem tivi, đi xe máy. Mình ở đây hết đời thôi. Anh Sớ kể: Trước, nhà mình ở xóm Trà Đáy 2 của xã Pà Cò. Tuy cách UBND xã vài cây số thôi nhưng bao đời nay mình không biết đến điện là gì, đường đi chợ, ra xã toàn đi bộ. Làm ra cái gì mang ra chợ bán cũng thấy ngại. Mình có 2 đứa con, một đứa học lớp 2, một đứa học mầm non mà hàng ngày cũng phải đi bộ. Thương chúng nó lắm nhưng không biết làm sao được. Nghe có chủ trương của Nhà nước chuyển những hộ có cuộc sống khó khăn về đây nên mình nghe theo ngay. Cả nhà mình về đây được hơn 4 tháng rồi. Hôm nay, mình mua đất trồng ngô, Nhà nước lên trả tiền cho mình. Mình không phải mất tiền. Căn nhà của mình làm được Nhà nước cho 9 triệu đồng. Khung nhà gỗ từ trên kia mình thuê xe chuyển về đây. Cái gỗ nào hỏng mình thay. Dân bản thấy mình ai cũng giúp làm nhà chỉ vài ngày là xong. Căn nhà này mình dựng hết 30 triệu đồng đấy. Anh chỉ cho chúng tôi căn nhà gần giữa bản và bảo nhà mình đấy.
Hơn 50 hộ dân sống du canh - du cư đã được về bản Cang sống tập trung với điều kiện hạ tầng tốt nhất.
Dựng xong nhà, không có đất trồng ngô, dự án ĐC-ĐC hỗ trợ gia đình anh 20 triệu đồng để mua đất. Thấy anh không có đất, ông Sùng A Cao nhượng lại đất cho anh. Nhận tiền từ Nhà nước hỗ trợ anh Sớ mua đất, ông Sùng A Cao ngồi cạnh chúng tôi tâm sự: Nhà nó xuống đây tao thấy khổ quá, tao bán đất để vợ chồng nó làm. Ngày trước, nhà tao cũng sống ở xóm Trà Đáy 1 hơn mười năm. Thấy khổ quá tao chuyển về đây từ mấy năm trước. Ngày trước, ở đây chẳng ai ở nên đất rộng lắm. Giờ già rồi chẳng làm được, thấy nó cần tao bán cho nó. Chỗ đất đó trồng được hơn 5 cân ngô giống.
Ngồi trong căn nhà gỗ 3 gian ở bản Cang vừa mới dựng, anh Sùng A Sa kể: Nhà anh có 5 người, thu nhập chủ yếu làm nương trồng ngô. Mỗi vụ, anh trồng từ 6-7 cân ngô giống, thu được khoảng 2 tấn ngô. Với nguồn thu đó, cả nhà không đủ mua gạo cho cả năm nên bữa đói, bữa no. Bao nhiêu năm nay, nhà anh sống ở bản Trà Đáy trong cảnh không có điện, xa người trong bản nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Sau mỗi trận mưa, đường sá lầy lội, chòm xóm tách biệt hẳn với bên ngoài. Hai đứa con anh đi học xa, hôm nào anh cũng phải đưa đi, đón về. Về đây, mình sướng hơn nhiều có nhà ở, được Nhà nước hỗ trợ anh mua thêm đất trồng ngô, con cái đi học gần nhà lại được gần hàng xóm nên ai cũng vui.
Về bản mới, ngoài hỗ trợ dựng lại nhà ổn định chỗ ở, các hộ được Nhà nước hỗ trợ tiền mua đất. Có chủ trương này, các hộ có đất trồng ngô ở bản Cang nhưng không sinh sống ở đây nhượng lại đất cho các hộ mới đến. Anh Mùa A Danh ở bản Trà Đáy cho biết: Thấy các hộ mới về không có đất, Nhà nước lại cho tiền mua đất nên mình bàn với gia đình bán lại cho họ. Tuy mảnh đất này bao năm nay trồng ngô tiếc lắm nhưng người Mông mình phải giúp nhau chứ. Có tiền, mình mua đất chỗ khác hay làm việc khác để giúp người khó khăn hơn mình.
Khi chúng tôi đến thăm, anh Phàng A Thông đang dọn dẹp cái sân. Anh bảo, vợ mình lên nương thu ngô rồi, mình ở nhà láng cái sân bê tông cho sạch để phơi ngô. Nhà anh là một trong những nhà đầu tiên chuyển về đây theo dự án ĐC-ĐC. Trước nhà anh ở xóm Pà Cò sống không có điện, không có đường đi. Nhà nào ở xóm có điều kiện mua xe máy cũng không đi được vì toàn đường mòn. Được Nhà nước hỗ trợ, anh vay thêm làm được căn nhà gần 20 triệu đồng. Làm nhà xong, nhà nước hỗ trợ anh một bình đựng nước sạch và 20 triệu đồng mua đất trị giá 28 triệu đồng. Từ ngày về bản mới, nguồn thu nhập ổn định, cuộc sống đỡ vất vả. Ngoài diện tích ngô anh mua được đất, anh còn thuê đất ở xã bên cạnh trồng ngô. Mỗi vụ ngô anh thu từ 4-5 tấn ngô.
ông Phạm Tiến Dũng, Chi cục Phó Chi cục ĐC-ĐC cho biết: Lúc đầu triển khai dự án vất vả lắm, nhiều hộ ở bao nhiêu năm nay trên núi cao quen rồi, không muốn về. Cán bộ phải đi vận động mãi. Đất ở bản Cang là đất canh tác bao nhiêu năm nay của những người xóm khác cũng phải vận động mãi họ mới nhường lại. Sau 3 năm dự án ĐC-ĐC tập trung ở bản Cang thực hiện theo Quyết định 33/2007 QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã chuyển hơn 50 hộ đồng bào dân tộc Mông ở những xóm vùng sâu, xa của xã Pà Cò về nơi bản mới. Đến nay, cơ bản hoàn thành xong đường giao thông, xây dựng nhà lớp học, lắp xong điện lưới, xây nhà sinh hoạt cộng đồng, công trình nước sinh hoạt. Mỗi hộ khi về đây được hỗ trợ làm nhà, mua đất sản xuất lâu dài. Thấy Nhà nước giúp được nên nhiều hộ vui lắm. Mỗi lần lên đây, nhà nào cũng mời ở lại uống chén rượu mừng với họ. Mình cũng thấy vui.
Việt Lâm
(HBĐT) - Trong cộng đồng các dân tộc tỉnh ta, về dân số, dân tộc Dao xếp sau các dân tộc Mường, Kinh, Thái, Tày. Vào những năm 60, 70 của thế kỷ trước, một bộ phận người Dao xa lạ với cụm từ ĐC-ĐC mà lang thang, trôi dạt từ đỉnh núi cao này tới cánh rừng khác. Để ổn định cuộc sống cho đồng bào dân tộc Dao, Đảng và Nhà nước ta đã có chính sách, giải pháp phù hợp để cộng đồng này an cư, lạc nghiệp; tạo điều kiện để họ tiếp cận với KH-KT, vươn lên xây dựng cuộc sống mới. Sau 20 năm tái lập tỉnh, trong ngôi nhà Hoà Bình, trên 40 thôn, bản người Dao trên địa bàn tỉnh cũng đã khẳng định được mình trong công cuộc xoá đói, giảm nghèo, vươn lên xây dựng cuộc sống mới.
(HBĐT) - Rộn ràng tiếng cười nói trong xúng xính váy Thái, các thiếu nữ xóm Chiềng Châu, xã Chiềng Châu (Mai Châu) đang lựa chọn những sản phẩm thổ cẩm truyền thống nhất, tinh tế nhất và độc đáo nhất để tham gia “Triển lãm xúc tiến thương mại - đầu tư nông nghiệp khu vực trung du, miền núi phía Bắc” sắp được tổ chức tại thành phố Lào Cai. Giữ gìn bản sắc văn hoá truyền thống gắn với quảng bá, xúc tiến thương mại, phát triển làng nghề thủ công là hướng đi đúng đắn mà HTX thổ cẩm Chiềng Châu đang hướng tới.
(HBĐT) - Trong ký ức của một lão nông đã ngoài 60 tuổi, quê ông xưa nghèo xơ xác như chính cái tên xóm Xơ, xã Vũ Lâm hay như cái tên xa lắc xóm Cành của xã Bình Chân. Nhưng giờ đây, xóm, làng đã đổi thay nhiều. Bên cạnh những nương ngô, sắn, mía xanh ngút mắt, con đường nhựa mới trải dài tít tắp, những con đường bê tông mới hoàn thành nối làng trên, xóm dưới đã thỏa niềm mong ước của nhân dân hai xã Vũ Lâm, Bình Chân (Lạc Sơn).
(HBĐT) - Thay cho ánh mắt đờ đẫn, vô hồn là sự tinh nhanh hoạt bát. Lấp đầy những cơn ngáp vặt là nụ cười trẻ trung, mãn nguyện. Quả thực, nếu không được ông Trần Trọng Viên, Chủ tịch Hội CCB, kiêm đội trưởng đội hoạt động xã hội tình nguyện xã Tử Nê (Tân Lạc) nói trước thì chắc chắn chúng tôi không thể biết rằng người đàn ông ngồi trước mặt đã từng là một con nghiện “có số có má” không chỉ ở xóm Chùa mà còn là một trong những con nghiện có thâm niên nhất của huyện Tân Lạc.
(HBĐT) - Trong suốt nhiều năm, người dân xã Mường Chiềng (Đà Bắc) và cả ngành y tế tỉnh không thể đoán bệnh, đặt tên cho căn bệnh bong tróc da mà gần chục người mắc là căn bệnh gì. Và cũng ngần ấy năm cả đông y lẫn tây y đều bó tay. Cứ vậy những đứa trẻ mắc bệnh cứ âm thầm lớn lên trong nỗi đau đớn tột cùng và sự méo mó về nhân dạng và sự bất lực của ngành y tế các cấp.
(HBĐT) - Trong những lần đi thăm viếng những chiến sĩ công an hy sinh trong cuộc chiến với ma túy, hình ảnh người mẹ nhỏ lệ làm chúng tôi cảm động nhất. Đôi mắt họ đờ đẫn khi nhìn thấy đứa con mang nặng đẻ đau đã ngã xuống vì cuộc chiến chưa có hồi kết này.