Ông Bùi Văn Sòn tự hào với ngôi trường mới được xây dựng trên nền đất gia đình đã hiến tặng.
(HBĐT) - Nhà nghèo nên ông không được học hành chu đáo. 18 tuổi, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông lên đường nhập ngũ, cống hiến một phần tuổi xuân cho đất nước. Chiến tranh qua đi, ông trở về với cuộc sống bình dị giữa đời thường, nuôi sống gia đình bằng việc cày cuốc trên chính mảnh đất mà cha ông để lại. Cho đến hôm nay, cuộc sống chẳng bằng ai nhưng ông không hề tự ti mà luôn sống lạc quan yêu đời, yêu người, luôn trải lòng mình với nhân tình, thế thái và tự cảm nhận rằng mình là người giàu có.
Tự hào là lính Cụ Hồ
Ông là Bùi Văn Sòn, một người lính cựu hiện đang sống tại xóm Cóc, xã Ngọc Mỹ (Tân Lạc). Ông tích cực tham gia hoạt động của chi hội CCB xóm vì một suy nghĩ giản đơn: Đó là điểm hẹn để ông được gặp lại những đồng đội, cùng ôn lại truyền thống cách mạng, những khoảnh khắc cháy bỏng lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ khi mang trên vai sứ mệnh của người lính Cụ Hồ. 7 năm trong quân ngũ, quãng thời gian chưa dài, nhưng cũng vừa đủ để tôi luyện nên hào khí của một đấng nam nhi khiến ông trở nên rắn rỏi. Nhập ngũ tháng 3/1975, tuy không cầm súng chiến đấu nhưng ông vẫn cảm thấy tự hào vì đã được góp sức vào chiến thắng lịch sử 30/4/1975. Niềm tự hào đó đã tiếp thêm sức mạnh để ông luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của một người lính công binh. Cùng đồng đội đi khắp nơi để rà phá, xử lý bom mìn, công việc nặng nhọc và luôn cận kề hiểm nguy nhưng không một lần ông cảm thấy nao núng và chùn bước. ông tâm sự: Em trai tôi là liệt sỹ, chú ấy cũng là bộ đội và hy sinh khi đất nước đã hoàn toàn giải phóng. Tôi nghĩ công việc của mình thực sự cần thiết góp phần đem lại cuộc sống bình yên cho mọi người, mọi nhà. Tôi tự hào vì công việc mình đã làm và tự hào vì từng là một người lính. Niềm tự hào đó luôn tiếp bước tôi đi cho tới hôm nay, sau 30 năm rời quân ngũ để trở về với cuộc sống đời thường.
Sống cho xứng với niềm tin của Bác Hồ
Đó là chân lý sống của ông Sòn, từ khi ông được giải ngũ trở về nơi “chôn nhau, cắt rốn” để xây dựng cuộc sống mới. Nơi ông sống là một xóm vùng cao heo hút, cho đến nay vẫn chưa có điện, con đường mòn từ trung tâm xã đến xóm dài 8 km mấp mô, khúc khuỷu và thường xuyên bị cách trở khi mùa mưa lũ tới. Cả gia đình ông sống trong ngôi nhà sàn nhỏ, hẹp và cũ kỹ, tiện nghi sinh hoạt hầu như chẳng có gì đáng giá. Bao năm qua ông vẫn sống như vậy, đôi lúc cũng cảm thấy ngột ngạt nhưng nhìn hàng xóm, láng giềng thấy ai cũng vậy, thậm chí nhiều người còn thiếu thốn hơn mình, chẳng tài cán, giỏi giang gì. Trò chuyện với chúng tôi, ông cũng chẳng hề giấu giếm: tuy đã học hết lớp 2 trường làng nhưng cùng với thời gian, tuổi tác nay ông chỉ còn lẩm nhẩm đánh vần được từng chữ, viết một chữ với ông còn khó hơn đi cày cả một ruộng mạ. Nhưng ông không muốn con cháu mình cũng phải chịu thiệt thòi vì thất học. Bởi vậy, ông luôn dành sự quan tâm đặc biệt tới chuyện học hành của con em trong xóm. Hơn ai hết ông luôn thể hiện sự trân trọng, hàm ơn với những thầy, cô giáo cất công lên để truyền đạt, dạy dỗ con em xóm Cóc.
Ông là người luôn chấp hành tốt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Khi Hội CCB xã triển khai nội dung CVĐ “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, được nghe những câu chuyện nói về cuộc đời, sự nghiệp của Bác. ông nghĩ, mình phải học tập Bác dù chỉ là việc nhỏ nhất. ông không chỉ học mà đã làm theo tấm gương đạo đức của Bác bằng việc hiến 3.600m2 đất của gia đình để xã xây chi trường tiểu học. Nhìn ngôi trường được xây 2 tầng kiên cố, khang trang, bề thế, ông vui lắm. Hàng ngày ngắm các cháu nhỏ tung tăng tới trường, ông thấy lòng mình xốn xang niềm hạnh phúc. Trong số 3.600 m2 đất đó, nhà trường chỉ mới xây dựng hết khoảng 2/3 diện tích, phần còn lại ông để các cô giáo trồng hoa màu để cải thiện bữa ăn hàng ngày. Khi được hỏi ông hiến mảnh đất màu mỡ ấy đi rồi, cuộc sống của gia đình sẽ ra sao? ông nở nụ cười hiền: Tôi hiến đất cho trường đã mấy năm rồi, giờ gia đình tôi vẫn sống đàng hoàng đấy thôi. Tôi còn cái nhà sàn rộng chừng 45m2, xung quanh có vườn tược, đồi nương và 2.000m2 ruộng nữa. Năm nào được mùa, thóc lúa đủ ăn cả năm, còn mất mùa thì phải ăn gạo chợ chừng một tháng, con cái lớn rồi, chúng tôi có thể xoay sở được. Nếu để mảnh đất ấy lại, tôi chỉ có thể làm giàu cho gia đình nhỏ của mình thôi, điều tôi muốn là xã hội ngày càng phát triển, con em xóm Cóc được học hành, chăm sóc sức khỏe chu đáo để sáng lòng, sáng dạ, đủ sức vượt đói, thắng nghèo.
“Lời nói, việc làm của người lính cựu ấy đã làm cho nhiều người có cuộc sống dư giả trong xã hội phải nhìn nhận lại mình” - ông Bùi Văn Quang, Bí thư Đảng ủy xã Ngọc Mỹ chia sẻ với chúng tôi như vậy. Ông Quang bộc bạch thêm: Những năm gần đây, đất đai đã trở thành vấn đề nóng không chỉ ở Ngọc Mỹ mà còn xảy ra ở nhiều xã khác trong vùng. Trong khi kiện tụng, tranh chấp nhau từng tấc đất, ông Sòn lại có thể hiến hàng nghìn mét đất để xây trường quả là điều rất đáng trân trọng. Để tôn vinh nghĩa cử cao đẹp của ông Sòn với làng xã, cộng đồng dân cư, chúng tôi đã đề nghị BCĐ CVĐ “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” huyện Tân Lạc biểu dương, khen thưởng. ông Sòn còn được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện CVĐ “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” giai đoạn 2007-2010.
Hiến đất xây trường, giờ đây ông Sòn còn dành trọn công việc bảo vệ trường mà không hề quan tâm tới lương bổng hay trợ cấp. Cuộc sống tuy nghèo nhưng ông luôn cảm thấy vui vì ông đã sống xứng đáng với niềm tin và lời dạy của Bác Hồ kính yêu.
Thúy Hằng
(HBĐT) - Trong suốt nhiều năm, người dân xã Mường Chiềng (Đà Bắc) và cả ngành y tế tỉnh không thể đoán bệnh, đặt tên cho căn bệnh bong tróc da mà gần chục người mắc là căn bệnh gì. Và cũng ngần ấy năm cả đông y lẫn tây y đều bó tay. Cứ vậy những đứa trẻ mắc bệnh cứ âm thầm lớn lên trong nỗi đau đớn tột cùng và sự méo mó về nhân dạng và sự bất lực của ngành y tế các cấp.
(HBĐT) - Trong những lần đi thăm viếng những chiến sĩ công an hy sinh trong cuộc chiến với ma túy, hình ảnh người mẹ nhỏ lệ làm chúng tôi cảm động nhất. Đôi mắt họ đờ đẫn khi nhìn thấy đứa con mang nặng đẻ đau đã ngã xuống vì cuộc chiến chưa có hồi kết này.
(HBĐT) - 10 năm gắn bó với Hòa Bình theo chủ trương thu hút đầu tư của tỉnh. 10 năm kỹ sư Đặng Văn Cương cùng các cộng sự nếm trải vượt qua biết bao chông gai, trắc trở kiên định thực hiện các dự án phát triển công nghiệp trên địa bàn 2 xã Thành Lập, Trung Sơn ( Lương Sơn). Anh quan niệm, may mắn - thành quả sẽ đến với ai biết tìm cách vượt qua khó khăn và nỗ lực không ngừng.
(HBĐT) - Khó kể hết những gian nan mà người dân xóm Rú 4, Rú 5, Rú 6 và xóm Mừng của xã Xuân Phong (Cao Phong) nếm trải khi tuyến đường liên xóm trước đây đơn thuần đường đất, ngày nắng bụi lầm, ngày mưa trơn trượt, lầy lội. Nhiều đoạn dốc đã vậy theo chiều thẳng đứng, đá nhỏ, đá to lổn nhổn, xe đạp, xe máy, ô tô xuôi dốc đã khó, leo ngược càng khó hơn...
(HBĐT) - Anh Đồng Văn Thái ở xóm Trung Thành A, xã Hợp Thịnh (Kỳ Sơn) tâm đắc: Các anh cứ nghĩ tới cảnh nông thôn, đi làm đồng về, nắng nóng mệt mỏi phải vào bếp nhóm lửa để nấu nước, cơm, canh... Còn trường hợp ngược lại, vào bếp, bật gas lên cứ thế mà nấu nướng, còn gì hơn nào! Mấy năm nay, nhờ dự án khí sinh học mà mọi việc của gia đình anh nhàn hơn...
(HBĐT) - Nếu lên bản Nước Ruộng, xã Nam Thượng (Kim Bôi) vài năm trước, chẳng mấy ai khỏi chạnh lòng về một “cổng trời” với những thứ không như: không điện, không đường, không trường… Nước Ruộng ngày đó gần như biệt lập với thế giới bên ngoài. Tưởng như cái đói, nghèo cứ đeo bám lấy người dân nhưng hôm nay khi trở lại, chúng tôi được chứng kiến những bước chuyển mình, người dân Nước Ruộng đã biết vươn lên làm kinh tế để thoát nghèo, thoát dần khỏi cuộc sống lam lũ xưa kia .