Người dân ngậm ngùi bán mía với giá rẻ. ảnh chụp tại xóm Chuông, xã Mỹ Hòa (Tân Lạc).
(HBĐT) - Thời tiết đang ấm dần, tạo thuận lợi cho việc thu hoạch mía tím. Tuy nhiên, trong những ngày vừa qua, việc tiêu thụ mía trên địa bàn tỉnh vẫn diễn ra hết sức ảm đạm, người trồng mía vẫn ngậm ngùi bán đi những ruộng mía tím mơn mởn với giá rẻ, nhiều diện tích vẫn không có người hỏi mua khiến người trồng mía hoang mang, lo lắng.
Theo thống kê, năm 2011, toàn tỉnh trồng hơn 4.000 ha mía tím, tập trung nhiều ở các huyện: Cao Phong khoảng 2.000 ha, Tân Lạc 1.200 ha, Lạc Sơn hơn 780 ha...Vài năm lại đây, cây mía tím đã trở thành một trong những cây trồng chủ lực, góp phần XĐ -GN cho người dân trong tỉnh. Nhưng năm nay, đã vào cuối vụ thu hoạch mía, toàn tỉnh mới chỉ thu hoạch được khoảng 70% diện tích, nhiều ruộng mía chưa bán được. Trong khi ở thời điểm này năm ngoái hầu như đã thu hoạch hết.
Anh Bùi Văn Niên, người trồng và cũng là người thu mua mía ở xóm Ngay, xã Mỹ Hòa, (Tân Lạc) than phiền, ngày nào anh cũng bị các cuộc điện thoại của nhiều người gọi đến giục anh đến mua mía cho họ. Anh Niên cho biết: Mía tím thời điểm này bán rất chậm, mặc dù nhiều vườn anh đã đặt tiền, các chủ vườn giục suốt ngày, nhiều ruộng mía đã có hiện tượng trổ cờ, chuyển màu sắc nhưng vì không tiêu thụ được nên anh không dám chặt mía ra. Như thời điểm này năm ngoái, ngày nào anh cũng cho thợ chặt và chở đi bán, kể cả những vườn mía xấu, cây còi cọc cũng bán được hết, giá vẫn cao, từ 6.000 đồng /cây, năm nay giá cao nhất chỉ có 3.000 đồng /cây với loại mía đẹp và mua chọn, còn mía bình thường giá chỉ giao động từ 2.000 - 2.5000 đồng /cây. Anh Niên cho biết thêm, hồi đầu vụ, vườn mía của anh có người trả 70 triệu đồng anh không bán, khi thấy giá càng xuống thấp anh phải ngậm ngùi bán với giá hơn 40 triệu đồng.
Anh Đinh Văn Thọ ở xóm Đon, xã Mỹ Hòa (Tân Lạc) cho biết: Tôi có hơn 4 ha mía tím, hồi đầu vụ bán được một nửa với giá 6.000 đồng /cây, nửa còn lại định chờ cho giá lên hơn sẽ bán nhưng không ngờ giá lại càng xuống thấp. Như mọi năm, cánh thương mía tranh nhau mua không có để bán. Với giá thấp như hiện nay, nhiều gia đình không muốn bán bởi nếu có bán với giá 2.500 đồng /cây họ vẫn lỗ, tính ra mỗi 1 ha mía cũng đầu tư mất 40 triệu đồng.
Chỉ tay về phía ruộng mía của gia đình, anh Đinh Văn Nam ở xóm Kè, xã Phú Vinh (Tân Lạc) ngán ngẩm nói: tôi vay ngân hàng 15 triệu đồng để đầu tư trồng như hiện nay, nhiều gia đình không muốn bán bởi nếu có bán với giá 2.500 đồng /cây, họ vẫn lỗ, bình thường thì chỉ cuối tháng 11 là bán mía để trả nợ ngân hàng nhưng năm nay vẫn chưa bán được, vừa rồi gia đình đã phải bán đi con trâu để trả nợ ngân hàng vì đã quá hạn. Thời điểm đầu vụ cũng có vài người hỏi mua nhưng giá chỉ có 3.000 đồng /cây, thấp hơn năm ngoái nhiều quá nên anh không bán. Anh Nam cho hay, hồi đầu vụ, anh và những người trồng mía ở Phú Vinh, Mỹ Hòa không biết nghề thông tin ở đâu rằng mía sẽ lên đến 10.000 đồng/cây nên nhiều người không bán, giờ có bán rẻ cũng không ai mua.
Cũng như ở Tân Lạc, nhiều người trồng mía ở Cao Phong, Lạc Sơn, Lạc Thủy cũng lao đao vì mía không bán được. Anh Bùi Văn Thực ở xã Bình Chân (Lạc Sơn) cũng đang dở khóc, dở cười khi 1,7 ha mía của anh đang có nguy cơ trổ cờ. Anh Thực nói, gia đình đã trồng mía hàng chục năm nay nhưng chưa bao giờ thấy tình trạng mía ế ẩm như năm nay.
Theo như nhiều người trồng mía cũng như các thương mía, chưa năm nào mía tím lại khó tiêu thụ như năm nay, thời tiết không được thuận lợi, mưa nhiều, ảnh hưởng đến thu hoạch và tiêu thụ mía. Mía nếu chặt ra mà không tiêu thụ ngay sẽ hỏng hết, trời rét kéo dài nên ít người muốn ăn. Bên cạnh đó, việc mở rộng diện tích mía tím ở các tỉnh như Thanh Hóa, Nghệ An và việc đưa cơ giới hóa nông nghiệp, dùng phân bón hóa học vào trồng mía khiến giá thành giảm nhiều. Mía ở Thanh Hóa, Nghệ An chỉ cần bán với giá 2.000 đồng /cây là họ đã có lãi, trong khi thổ nhưỡng của tỉnh ta cần phân chuồng, giá rẻ nhưng phải dùng hàng trăm tấn cho mỗi ha mía và phải bán với giá từ 4.000 - 5.000 đồng /cây mới có lãi. Nếu tình trạng không có người hỏi mua như hiện nay, nhiều người đang tính sẽ tìm cách trực tiếp đưa mía về xuôi bán để mong gỡ gạc chút vốn.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, nguyên nhân dẫn tới tình trạng sụt giá của cây mía tím như hiện nay là do chất lượng giảm sút, mía ở nhiều địa phương không được ngọt và chắc như những năm trước đây. Thời gian qua, do ảnh hưởng thời tiết nên chất lượng của cây mía tím cũng bị giảm, tỷ lệ những cây mía đẹp ít dần. Mặt khác, tác động của giá cả phân bón, chi phí vận chuyển, công chăm sóc đều tăng cao nên người dân ít có sự đầu tư, khiến cây mía tím có chất lượng thấp. Giao thông đi lại khó khăn cũng là một trong những nguyên nhân chính ảnh hưởng đến giá mía và việc tiêu thụ mía của tỉnh.
Theo tính toán của người dân trồng mía, mỗi 1ha mía được khoảng 3, 5 vạn cây, bán được khoảng từ 150 - 180 triệu đồng, vì vậy, cây mía đã góp phần làm thay đổi cuộc sống của người dân nhưng năm nay không được giá cao nữa, có thời điểm người dân bán 1 sào mía chỉ với giá 1, 5 triệu đồng. Nói về nguyên nhân tiêu thụ chậm, thạc sỹ Nguyễn Hồng Yến, Chi cục Phó Chi cục BVTV cho biết: chủ yếu do thời tiết không thuận lợi, mưa rét kéo dài từ trong tết khiến cho việc thu hoạch gặp khó khăn. Giao thông một số địa bàn như Lạc Sơn, Lạc Thủy không thuận lợi cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc vận chuyển. Về giải pháp để tiêu thụ cây mía tím trong thời gian tới, thạc sỹ Yến khuyên bà con nên bình tĩnh, thời tiết đang ấm dần lên và nhu cầu sẽ tăng lên, chắc chắn việc tiêu thụ mía sẽ khả quan hơn. Ngoài ra, để cây mía phát triển bền vững, lâu dài, có đầu ra ổn định, các địa phương cần quyết liệt thực hiện theo quy hoạch về phát triển cây mía đến năm 2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt, trong đó có cơ cấu hợp lý cho 3 loại mía là mía đường, mía trắng, mía tím. Đến thời điểm này, khả năng thu hoạch để giải phóng đất cho vụ mới là tương đối khó. Đối với những vườn mía xấu, không bán được, bà con nên chọn những cây mía tốt để làm giống, khi chặt bỏ xong tiến hành đảo đất, lấy mía gốc cũ làm vụ mới và nên xác định một diện tích nhất định để xuống giống vụ mới.
Thanh Tuyền
(T.T.V)
(HBĐT) - Trở lại thăm Đá Bạc - xã Liên Sơn (Lương Sơn) lần này không phải để nắm thêm thông tin về “miền đất dữ” với 26/34 người từng bị nhiễm HIV /AIDS được phát hiện vào năm 2003 bởi những thông tin đó từng làm rung động báo giới và cái tên “Đá Bạc” trở nên “nổi tiếng” không ngờ (nếu vào dịch vụ tìm kiếm trên In -tơ-nét, sẽ dễ dàng thấy được). Trở lại, để hiểu và thấu hiểu hơn tâm tư những người trong cuộc hôm nay: họ vẫn còn nhiều tâm trạng nhưng đã thực sự gột rửa được nỗi chán chường mà đã có niềm vui sống. Bên cạnh họ, cộng đồng đã mở lòng, sẻ chia.
(HBĐT) - Tạm xa nơi thành thị náo nhiệt, chúng tôi ngược dốc lên đón xuân, vui tết nơi vùng cao Đà Bắc. Khi chúng tôi đến bến Hiền Lương, trời còn lất phất mưa. Mặt hồ sương mù dày đặc. Những đám mây trên núi nặng trịch cộng với cái rét khô khô như mảnh cật nứa cứa vào da thịt đến khó chịu. Thế mà đến 19h, trời khô ráo. Thời tiết dường như biết chiều lòng người đón giao thừa.
(HBĐT) - Khi những nụ đào rừng chớm nở, báo hiệu mùa xuân mới đang về trên khắp các bản làng, cũng là lúc cán bộ và nhân dân bản Nước Ruộng, xã Nam Thượng (Kim Bôi) vui mừng được đón nguồn điện lưới quốc gia kéo về thắp sáng đến từng nhà trong bản.
(HBĐT) - Dù đã khá lâu, chúng tôi mới có dịp trở lại Đồi Thung nhưng thật bất ngờ khi vừa gặp mặt cả Bí thư chi bộ xóm Bùi Văn Dích, Trưởng xóm Thung I Bạch Công Nghiu và Trưởng xóm Thung II Bùi Văn Dẩn đều nhớ lời hẹn ước khi Đồi Thung tròn 100 năm khai phá tôi sẽ trở lại, vậy nhưng ngày đấy cũng đã trôi xa. Tuy thế, ở nơi cao nhất xứ Mường với đỉnh núi Cốt Ca cao 1.073 m so với mực nước biển vẫn còn nguyên cái tình người ấm áp dù cho sự xa cách đã được tính bằng những năm tháng dài.
(HBĐT) - Bẵng đi mấy thập kỷ, người ta không còn nhắc nhiều tới cuộc thi “Hoa hậu xứ Mường” hay những cái tên Quách Thị Tẻo, Đinh Thị Nụ, những bông hoa của núi rừng đã được vinh danh là hoa hậu xứ Mường của những năm Pháp thuộc. Cho đến khi đời sống vật chất, tinh thần được nâng cao, cùng với trào lưu của xã hội, Hòa Bình cũng đã tổ chức nhiều cuộc thi người đẹp với những tên gọi khác nhau. Hơn 10 năm qua, đã có thêm khá nhiều người con gái đẹp của đất mường được vinh danh. Điều đáng mừng là sau cuộc thi, những bông hoa rừng ấy đã luôn nỗ lực hết mình giữ gìn danh tiếng để sắc đẹp của mình mãi mãi được tôn vinh.
(HBĐT) - Đã từ rất lâu, đối với không ít gia đình người Mường ở Hoà Bình, nhắc đến ngày Tết dường như không thể thiếu hương vị của rượu cần. Được làm từ men say của đại ngàn và gửi gắm vào đó sự khéo léo của người phụ nữ Mường, nên rượu cần luôn có một hương vị thật đặc biệt. Đó là một thức uống tâm linh không thể thiếu trong những ngày Tết. Những người con của đất Mường hôm nay không chỉ gìn giữ mà luôn ấp ủ một ước vọng mang men say lòng hiếu khách ấy đến với bạn bè cả nước.