(HBĐT) - Đã có rất nhiều truyền thuyết kể về nguồn gốc và ý nghĩa của Tết Nhảy người Dao quần chẹt nói chung và người Dao quần chẹt Hòa Bình nói riêng.
Theo cuốn gia phả "Quỷ Khoai Tần” đã kể về cuộc vượt Đại Dương của hai dòng họ Đặng và họ Triệu từ Trung Quốc vượt Biển Đông sang Việt Nam tìm đất sinh cư lập nghiệp. Khi đến giữa biển trời mưa to, bão lớn thuyền bị lật, người già, người trẻ bị sóng nhấn chìm chết hết, trước cảnh tượng đó, ông Tặng Sị và ông Piền Ụi đã thay mặt 12 dòng họ Dao cầu khấn xin Trời đất, Long Vương, Bàn Vương cứu giúp những người Dao hiền lành mà khốn khổ thoát ra khỏi cơn hoạn nạn… hai ông đã hứa và thề nguyền nếu người Dao vào được đất liền thì tất cả 12 dòng họ Dao sẽ lập bàn thờ và thực hiện Tết Nhảy để cảm tạ ơn cứu mạng của các vị thần. Tổ chức Tết Nhảy là để thực hiện lời nguyền của người Dao với các vị thần linh, do đó con cháu 12 dòng họ Dao trong cả nước nói chung, người Dao quần chẹt Hòa Bình nói riêng phải thực hiện làm Tết Nhảy vài 3 lần trong một đời người để bày tỏ lòng biết ơn và tạ ơn trời đất, Long Vương, Bàn Vương, thánh thần, tổ tiên người Dao đã cứu giúp và che chở họ tai qua, nạn khỏi. Bên cạnh đó, Tết Nhảy của Người Dao quần chẹt còn cúng cả các thần Thổ Trạch, Táo Quân, thần mưa, thần gió, cầu cho mưa thuận gió hòa, cầu lành, cầu phúc, cầu may…
Người Dao quần chẹt Hòa Bình tổ chức Tết Nhảy thường thực hiện liên tục ba kỳ trong 3 năm, năm thứ nhất tổ chức một ngày - một đêm, năm thứ hai tổ chức hai ngày - hai đêm, năm thứ ba là tết chính nên phải tổ chức trong ba ngày - ba đêm. Tết Nhảy có 3 phần chính đó là Tết Nguyên đán sớm, Tết Nhảy và nghi thức cầu mùa. Người Dao tổ chức ăn Tết Nguyên đán sớm trước một tháng để chúc mừng, khao đãi các thầy và cảm ơn những người đến giúp đỡ thực hiện Tết Nhảy. Họ rất chú trọng khi đặt các mâm cỗ để cúng thờ, thường thì phải chuẩn bị 5 mâm cỗ cúng: Mâm thứ nhất cúng Tổ phụ gia đình, mâm thứ hai cúng Tổ phụ của Thầy cúng, mâm thứ ba cúng ông bà từ đời thứ 9 trở xuống, mâm thứ tư cúng cha mẹ đã mất, mâm thứ năm cúng ở bàn thờ gốc. Mỗi mâm có một thầy cúng riêng hành lễ, các thầy phải mặc lễ phục và thực hành nhiều nghi thức...
Sau lễ mời của gia chủ, khách được sắp xếp theo thứ bậc 4 nhóm: Thứ nhất theo nhóm Thày Cúng; thứ hai theo nhóm tuổi tác; thứ ba theo nhóm tôn giáo; thứ tư theo nhóm dòng họ, huyết thống. Mọi người ngồi vào mâm đều nâng đũa lên chúc đầu đũa vào chén rượu để thể hiện lòng tri ân những lực lượng siêu nhiên đã hỗ trợ tinh thần và khẳng định nhờ sự nỗ lực cố gắng lao động sản xuất, sáng tạo của bản thân mà toàn thể gia đình được bình an, hạnh phúc, cơm no, áo ấm. Thầy Cả - chủ lễ thuật lại tỷ mỉ lịch sử của gia đình và nguồn gốc của Tết Nhảy đã thực hiện được ít nhất từ 100 năm về trước; trình bày các nội dung, hình thức, không gian, thời gian, thành phần tham gia thực hiện Tết Nhảy. Thầy Chính làm nhiệm vụ của mình nhìn lên bàn Thờ Tổ mà mời Tam Thanh - Tứ Đế, tổ tiên nội - ngoại, ông Lồ Tặng và ông Lồ Piền, tổ sư dẫn đường, chỉ lối lên chứng giám và hiển linh phúc phần cho con cháu đời đời ấm no, hạnh phúc… Bữa tiệc thiết đãi khách cũng vừa là chào mừng Tết Nguyên đán vừa là mở đầu Tết Nhảy.
Ngày nay, trong thời đại Công nghệ 4.0, xã hội đã hiện đại và tân tiến, các nghi lễ, nghi thức của Người Dao quần chẹt cũng đã có nhiều cải tiến để phù hợp với thời đại nhưng vẫn giữ nguyên vẹn cái gốc giá trị đặc sắc của Tết Nhảy người Dao quần chẹt Hòa Bình.
PV (ST)