(HBĐT) - Trong 39 ngày đêm chiến đấu kiên cường, máu, mồ hôi, nước mắt của bộ đội ta thấm đẫm đồi A1. Có những chiến sỹ cả ngày chịu đói vẫn chốt chặt vị trí chiến đấu. Nhiều người vừa đánh địch vừa bảo vệ thương binh. Có chiến sỹ bị thương vẫn gan dạ yểm trợ cho đồng đội tấn công.

Đồi A1 là cứ điểm quan trọng nhất trong hệ thống phòng thủ của thực dân pháp ở Điện Biên Phủ.

 

Đêm đêm đào hầm, đầu người này nối chân người kia và phải lấy quạt nan tự đan quạt không khí vào bên trong mới tiếp tục được công việc, vậy mà bộ đội ta không chùn bước... Những câu chuyện bên ngoài bài giảng năm nào của cô giáo trong những tiết học môn Lịch sử về Chiến dịch Điện Biên Phủ tôi vẫn luôn khắc ghi trong tâm trí và ao ước được một lần đến với Điện Biên, thăm đồi A1 huyền thoại để cảm phục, tự hào hơn ý chí sắt đá của chiến sỹ Điện Biên năm xưa.

 

63 năm đã trôi qua, đồi A1 vẫn sừng sững, hiên ngang trong lòng TP Điện Biên Phủ. Sự khốc liệt của cuộc chiến còn in dấu với đường hầm quanh co, xe tăng, hố bộc phá sâu hoẳm, hầm cố thủ của địch được trưng bày một số manơcanh lính Pháp. Đứng trên đỉnh đồi ôm trọn tầm mắt cánh đồng Mường Thanh, TP Điện Biên Phủ trong lòng chảo, tôi hiểu hơn vì sao nơi này được ví như “chiếc chìa khóa” mở cánh cửa vào Sở Chỉ huy Tập đoàn cứ điểm của quân địch. Chẳng thế mà có lần trò chuyện với ông Bùi Quang Thản, Trưởng Ban liên lạc chiến sỹ Điện Biên Phủ TP Hòa Bình, ông nói rằng, trong toàn chiến dịch, những trận đánh đồi A1 là khốc liệt nhất, ta và địch giằng co từng tấc đất, phần đồi. Cũng chính nơi này, bộ đội ta hy sinh nhiều nhất. Có những Trung đoàn quân số khoảng nghìn người thì có tới trên 800 người thương vong.

 

Sử sách ghi lại, trong hệ thống phòng thủ của thực dân Pháp ở Điện Biên Phủ, đồi A1 là cứ điểm quan trọng bậc nhất. A1 nằm trong hệ thống phòng ngự phía Đông của Mường Thanh cùng với C1, C2, D, E tạo thành bức tường thành vững chắc, “cánh cửa” then chốt che chở cho trung tâm Tập đoàn cứ điểm. Ngoài ra, A1 lại là cao điểm cuối cùng về phía Nam khu Đông gần đường sang Sở Chỉ huy của tướng Đờ cát-xtơ-ri. Do vậy, nếu quân ta chiếm được A1 thì các cứ điểm C1, C2 bị uy hiếp mạnh, đồng thời ngăn chặn được quân Pháp cơ động từ trung tâm ra phản kích, tạo điều kiện để quân ta triển khai tiếp cận làm bàn đạp phát triển vào trung tâm.

 

Với vị trí đặc biệt quan trọng nên Bộ Chỉ huy chiến dịch của ta ngay từ đầu đã xác định bằng mọi giá phải đánh chiếm bằng được A1 và đây chính là một trong những mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu của đợt tiến công thứ 2 quân ta bắt đầu vào 18g30 ngày 30/3/1954. Trong cuộc tấn công này, quân giải phóng nhanh chóng giành chiến thắng ở các cứ điểm C1, D1, D2, E1. Tuy vậy, quân ta không thể giành thắng lợi ở A1 vì hỏa lực địch quá mạnh. Cuộc chiến đấu giữa ta và địch luôn ở thế giằng co, khốc liệt.

 

Trên con đường tìm về sự hào hùng của lịch sử, tôi mang theo vốn kiến thức về chiến dịch Điện Biên Phủ được học khi ngồi trên ghế nhà trường và tìm hiểu qua sử sách. Đến Điện Biên, đặt chân lên đồi A1 mới thấy sự hiểu biết của mình quá nhỏ bé. Tại nơi này, tôi may mắn được gặp gỡ, trò chuyện với những người lính cựu trở lại chiến trường xưa. Hơn 60 năm đã trôi qua nhưng ký ức chiến tranh chưa một lần xóa nhòa trong những con người đã góp phần viết nên trang vàng lịch sử dân tộc. Tôi đã khắc sâu hình ảnh một người lính tóc bạc phơ đứng trên miệng hố bộc phá mà đôi mắt ông ngấn lệ nhớ về đồng đội viễn vĩnh nằm lại mảnh đất này.

 

Nghe tôi hỏi về chiếc xe tăng còn đứng giữa đỉnh đồi và về hố bộc phá, ông đã kể: Sau đợt tấn công đầu tiên vào A1, suốt ngày 31/3/1954, quân địch phản kích hòng ngăn chặn, đẩy lui các đợt tiến công của ta. Cũng ngay chiều hôm đó, quân ta tiếp tục tấn công lần thứ hai nhằm tiêu diệt cứ điểm A1. Trận đánh vô cùng ác liệt, ta đã phát hiện trên đỉnh đồi có một hầm ngầm, hỏa lực bắn ra không ngớt. Rồi đến trận tấn công thứ ba đêm 1/4 và những ngày sau đó, quân giải phóng và giặc Pháp vẫn giằng nhau từng tấc đất, thương vong lớn, lực lượng của ta mỏng dần.

 

Với quyết tâm tiêu diệt bằng được Tập đoàn cứ điểm, cách tốt nhất phải tìm ra phương án tác chiến tối ưu. Bộ Chỉ huy chiến dịch đã lên kế hoạch “lấy hầm trị hầm”. Sáng kiến đào đường hầm để đưa bộc phá nghìn cân vào phá sào huyệt địch được đề xuất bởi Trung đoàn 174. Đất đồi A1 rất cứng, việc đào hầm tốn rất nhiều công sức và đổ máu vì đạn địch. Thế rồi, bằng sự kiên trì, vững chí của quân ta, số thuốc nổ 960 kg đã được đưa vào hầm với kế hoạch vào 20g30 phút ngày 6/5 sẽ cho nổ khối bộc phá. Đúng như kế hoạch, 20g30 hôm đó, một tiếng nổ trầm phát ra từ phía A1. Cột khói lớn bốc lên cao cách hầm ngầm không xa. Khối bộc phá tiêu diệt được nhiều quân địch và làm nhiều lính Pháp bị thương. Ta đã tạo được lợi thế trên tuyến ngang đồi, tạo thời cơ cho các chiến sỹ tiến lên đánh chiếm hầm chỉ huy cứ điểm. Địch liên tiếp tăng viện cho A1 nhưng con đường lên đồi đã bị ta chốt chặt với việc triệt hạ lô cốt “cây đa cụt”. Cuộc chiến kéo dài thêm 3 giờ và quân ta đã làm chủ cứ điểm A1.

 

Trong 39 ngày đêm kiên cường chiến đấu, quân giải phóng đã loại 4 tiểu đoàn, đánh thiệt hại nặng 3 tiểu đoàn cơ động, tiêu diệt 825 tên địch. Quân ta đã mở được “chiếc chìa khóa” của Tập đoàn cứ điểm, góp phần quyết định kết thúc thắng lợi chiến dịch Điện Biên Phủ.

 

Chiến thắng đồi A1 có người đã gọi là chiến thắng của máu và hoa. Hôm nay, đứng giữa đỉnh đồi A1, tôi nghẹn ngào được nghe vần thơ: Tấm bia trắng không dòng tên họ/Không năm sinh, không để dấu thôn làng/Như tất cả cuộn thành tiếng nổ/Ném vào hầm ngầm, ụ súng, xe tăng/Như tất cả anh gửi vào cho đất/Tôi lặng nhìn đồi A1 thấy hình anh...

 

                                                                           

                                                                   Bình Giang

 

 

Các tin khác

Không có hình ảnh

Kỷ niệm 65 năm giải phóng tỉnh Hòa Bình (23/2/1952 - 23/2/2017)

(HBĐT) - Thực hiện chủ trương của T.ư Đảng và Bác Hồ về việc mở Chiến dịch Hòa Bình (1951 - 1952), khi đó, cùng với các tầng lớp nhân dân, cán bộ, đảng viên từ vùng thấp lên vùng cao nô nức, tích cực cùng toàn dân tham gia chiến đấu, đánh địch giữ đất, giữ làng.

Về nơi mở đầu chiến dịch giải phóng Hòa Bình

(HBĐT) - “Đây là chiến thắng đầu tiên của quân đội ta đánh địch trong công sự vững chắc. Với chiến thắng Tu Vũ, chúng ta đã phá tan được phòng tuyến sông Đà, mở màn cho chiến thắng của Chiến dịch Hòa Bình, góp phần mở rộng vùng giải phóng” - đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá về ý nghĩa của chiến thắng ở Tu Vũ (12/1951), nay là xã Tu Vũ, huyện Thanh Thủy (Phú Thọ).

Chiến dịch Hòa Bình - mốc son trong lịch sử chống thực dân Pháp

(HBĐT) - Ngày 18/11/1951, Tổng quân ủy quyết định mở Chiến dịch Hòa Bình trên cơ sở phân tích: Địch tập trung lực lượng đánh lên Hòa Bình là thời cơ để ta tiêu diệt một bộ phận sinh lực quan trọng của chúng. Vì lực lượng của chúng phải trải ra trên một địa bàn rộng, công sự chưa được củng cố, địa hình không thuận lợi cho sự tác chiến của địch. Đồng thời tập trung quân cơ động cho mặt trận Hòa Bình, lực lượng của chúng ở đồng bằng sẽ bị dàn mỏng và có nhiều sơ hở, là thời cơ thuận lợi để đẩy mạnh chiến tranh du kích ở đồng bằng.

Âm mưu đánh chiếm Hòa Bình của tực dân Pháp

(HBĐT) - Để bảo vệ khu vực đã đánh chiếm, địch giải quân chốt giữ trên 50 vị trí và điểm canh ở dọc đường 6, triền sông Đà, TX Hòa Bình. Nhiều vị trí địch bố trí lực lượng từ một đại đội trở lên trang bị hỏa lực rất mạnh, có cả đại bác. Từ Gò Bùi đến Đồng Bến, địch đã đóng 2 tiểu đoàn ở nhiều điểm: Ao Trạch, đồi Dốc Mận, xóm Đồng Giang, xóm Đễnh, Hang Nước… ở khu vực thị xã, địch bố trí GM3 là đơn vị từng chiếm đóng Hòa Bình trước đây và 2 tiểu đoàn lính Mường.

Nhà sàn của người Mường

(HBĐT) - Kỷ niệm 130 năm thành lập tỉnh, 25 năm tái lập tỉnh Hòa Bình, quãng thời gian thực chất đã trải qua 3 thế kỷ, từ thế kỷ XIX – XX bước vào thế kỷ XXI. Từ đó đến nay người Mường Hòa Bình vẫn lưu giữ khá trọn vẹn nếp ăn, nếp ở, bản sắc văn hóa của mình. Thể hiện dễ nhận biết nhất đó là ngôi nhà sàn vẫn còn đa số người Mường yêu mến, sử dụng trong lựa chọn nhà ở cho gia đình mình. Tuy nhiên cuộc sống luôn biến đổi, nhà sàn của người Mường cùng chung trong dòng chảy đó đã có những biến đổi nhất định

Cái viếng trong đời sống gia đình người Mường xưa

(HBĐT) - Làm chín thức ăn bằng hơi nước nóng người Mường gọi là đồ, đây là một trong những cách chế biến thức ăn truyền thống, phổ biến, nhất trong đời sống người Mường xưa. Ngày nay được gọi là cách đồ, hấp. Cách thức đồ có ưu điểm làm thức ăn chín vì hơi nước rất nóng, chất dinh dưỡng hầu như rất ít mất đi trong quá trình chế biến nó được lưu giữ lại trong món ăn, do đó đảm bảo nguyên vị khi ăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục