Chị Nguyễn Thị Hạnh, xóm Mỹ Tân, xã Tân Thành (Lương Sơn) chăm sóc vườn bưởi Diễn.
Đó là câu chuyện cách đây 20 năm, khi đó, chị Hạnh vừa lập gia đình. Người dân xã Tân Thành thời đó chọn thâm canh chè làm kế sinh nhai. Tuy nhiên, nhiều diện tích đất trũng bỏ đấy không trồng cấy gì dần trở thành "đất chết” vì bà con nghĩ có trồng lên cũng để nước lũ ngập, không được thu hoạch. Bản thân chị Hạnh lại nghĩ khác, thay vì bỏ đấy, chị tìm cách cải tạo, khắc phục... Quy hoạch lại hệ thống tường bao để ngăn lũ tràn vào khu vườn. Tôn đất vườn cao lên, kết hợp đào ao thả cá là cách chị Hạnh đã tìm ra để xử lý tình trạng đất trũng.
Những năm 1991 - 1992, trên khu đất vườn rộng hơn 7.000 m2 đã quy hoạch, cải tạo, chị Hạnh trồng táo giống Gia Lộc - một loại táo quả chua, sai quả, cho năng suất cao và ổn định có nguồn gốc từ huyện Gia Lộc (Hải Dương), đồng thời trồng xen gừng Hawaii. Hiệu quả kinh tế thấy rõ khi mỗi năm táo cho thu 2 lứa quả, thị trường đầu ra ổn định. Nhờ có vườn cây ăn quả hồi sinh trên vùng đất trũng này mà suốt 10 năm trường kỳ trồng táo Gia Lộc, từ hộ có mức sống trung bình, gia đình chị Hạnh vươn lên khá giả, có điều kiện đầu tư phát triển, mở rộng mô hình trồng trọt kết hợp chăn nuôi.
Tiếp nối 10 năm sau thành công trong xây dựng mô hình VAC, chị Hạnh chuyển một quyết định khác, đó là thay đổi giống cây trồng, vật nuôi có giá trị bền vững và hiệu quả kinh tế cao hơn, thích hợp với điều kiện đồng đất và trình độ thâm canh. Cây trồng chị lựa chọn đầu tư là bưởi. Dần phá bỏ diện tích chè 7.000 m2 cùng với diện tích táo vườn hơn 4.000 m2, chị trồng thay thế bằng các giống bưởi ngọt danh tiếng lâu đời gồm bưởi Diễn, bưởi Hoàng Trạch. Kể từ năm 2007, một phần diện tích bưởi của gia đình chị bước vào chu kỳ khai thác, riêng giống bưởi Diễn cho thu bình quân 2,5 triệu đồng/cây. Những năm đó, ngoài đảm bảo đời sống sinh hoạt gia đình với 4 miệng ăn, có vốn tái đầu tư sản xuất, mỗi năm, chị Hạnh tích trữ được 3,5 - 4 cây vàng.
Hiện tại, trên tổng diện tích 1,3 ha, chị trồng bưởi Diễn, Hoàng Trạch và hơn 20 cây bưởi da xanh. Khoảng 40% số gốc là cây già cho khai thác, kinh doanh tốt, còn lại đang trong thời gian kiến thiết và bắt đầu có quả bói. Chăn nuôi lợn, gia cầm cũng được chị Hạnh đầu tư phát triển mạnh tùy vào nhu cầu của thị trường ở từng thời điểm.
Tưởng như là đất chết nhưng với cách nghĩ, cách làm vượt khó, mảnh đất trũng năm nào đã được chị Hạnh biến thành vườn cây bạc tỷ. Cũng từ đây, các hộ khác trong, ngoài xóm Mỹ Tân học tập, làm theo. Về thôn Mỹ Tân bây giờ là vùng cây ăn quả trù phú, không dưới chục hộ sở hữu vườn cây ăn quả có múi "bạc tỷ" mà nguồn gốc khi xưa là đất trũng. Chị Hạnh được chị em trong thôn ghi nhận là một trong số ít hộ đầu tiên hồi sinh vùng đất trũng, "đất chết" này. Chị là 1 trong 28 thành viên CLB phụ nữ làm kinh tế giỏi của thôn và là chi hội trưởng chi hội phụ nữ thôn. Bên cạnh phát triển kinh tế gia đình, chị nhiệt tình chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm trong trồng trọt, chăn nuôi, hỗ trợ, giúp đỡ chị em trong chi hội cùng vươn lên làm giàu, cải thiện nguồn thu nhập.
Giai đoạn 2016 - 2017, chị Hạnh được UBND tỉnh tặng bằng khen có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi, là 1 trong 10 mô hình, điển hình tiên tiến trên địa bàn.
Bùi Minh
(HBĐT) - Chúng tôi đến thăm Hợp tác xã (HTX) đồ gỗ mỹ nghệ Tự Tâm tại xóm Đoàn Kết, xã Vĩnh Đồng. Đây được đánh giá là một trong những tập thể điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2018 của huyện Kim Bôi.