Bà Nguyễn Thị Tâm, phường Tân Thịnh (TP Hòa Bình) - cá nhân điển hình trong phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi lĩnh vực nông nghiệp.
Đặc biệt, bà Tâm được biết đến với giải pháp lai tạo lợn đực rừng với lợn nái Meishan và lai tiếp với lợn bản địa Hòa Bình nhằm nâng cao năng suất, chất lượng đàn lợn bản địa phục vụ cho sản xuất lợn thương phẩm sạch. Nhờ phương pháp này, bà lai tạo được giống lợn chất lượng cao có đặc tính đẻ nhiều con, lớn nhanh, chất lượng thịt tốt, được thị trường ưa chuộng. Giải pháp này phù hợp với các hộ chăn nuôi có trang trại, dễ áp dụng, vì vậy đã được mở rộng trong và ngoài tỉnh.
Tự tin với mô hình sản xuất của mình, bà Nguyễn Thị Tâm quyết định tham dự cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật nhà nông toàn quốc lần thứ 8 (2019 - 2020) và đạt giải nhất với giải pháp lai tạo lợn. Đây là thành tích đáng tự hào, bản thân bà được tôn vinh là "Nhà khoa học của nhà nông”, là người phụ nữ tiêu biểu đã có những đóng góp tích cực cho sự phát triển của cộng đồng các dân tộc thiểu số.
Tại xóm Đồng Thành, xã Cao Dương (Lương Sơn) không ai không biết đến mô hình trồng cây ăn quả và chăn nuôi áp dụng công nghệ cao của gia đình ông Nguyễn Văn Hưng. Mô hình có diện tích 3,7 ha, trồng các loại cây ăn quả như ổi, mít, đu đủ... Ổi và mít trồng theo tiêu chuẩn hữu cơ, bưởi trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Bên cạnh trồng trọt, gia đình ông nuôi thêm lợn nái và lợn thịt trong diện tích 150 m2 chuồng trại, 2 năm nay cho thu nhập khoảng 350 triệu đồng/năm. Điểm nổi bật trong mô hình trồng trọt - chăn nuôi của gia đình ông là việc áp dụng KHKT vào sản xuất một cách linh hoạt, thông minh. Như nguồn phân chuồng của chăn nuôi thì phục vụ cho trồng trọt; đặt bể biogas vừa làm sạch môi trường vừa lấy gas đun nấu và sưởi ấm cho lợn về mùa rét... Theo ông Hưng, với cách làm này không có gì phải bỏ đi hoặc thải bẩn ra môi trường, vì đây là một mô hình sản xuất khép kín và khoa học. Về giá trị kinh tế, sau khi trừ chi phí mỗi năm mang lại lợi nhuận cho gia đình từ 500 - 600 triệu đồng.
Đó là hai trong rất nhiều nhân vật điển hình đã được tôn vinh bởi có sự lao động sáng tạo, nhiệt huyết và bản lĩnh. Những năm gần đây, toàn tỉnh ghi nhận sự "đua nở” rực rỡ của muôn đóa hoa người tốt - việc tốt trong thực hiện các phong trào thi đua. Theo đánh giá của Ban Thi đua - Khen thưởng (Sở Nội vụ): Mỗi cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đều có những phong trào thi đua rộng khắp, những điển hình tiên tiến tiêu biểu trong lao động sản xuất, học tập, công tác, để cán bộ, Nhân dân học tập và làm theo. Khi phát động các phong trào thi đua, mục đích quan trọng hàng đầu là kịp thời phát hiện để tuyên truyền biểu dương, tôn vinh, nhân rộng các điển hình tiên tiến có mô hình hay, cách làm hiệu quả, giúp phổ biến rộng rãi các sáng kiến, kinh nghiệm, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, hành động, tạo hiệu ứng tích cực trong toàn bộ hệ thống chính trị, động viên, khích lệ cán bộ, chiến sỹ và các tầng lớp nhân dân quyết tâm phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Năm 2021, từ thực hiện các phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến, trong đó có nhiều tập thể, cá nhân được Đảng, Nhà nước tặng thưởng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cao quý. Kết quả, toàn tỉnh có 10 tập thể, 11 cá nhân được Chủ tịch nước tặng thưởng huân chương các loại; Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua của Chính phủ cho 12 tập thể; tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 16 tập thể, 32 cá nhân…
Thu Trang