Thầy giáo Phạm Đình Mẫn (ngoài cùng bên trái) hướng dẫn học sinh đội KAPD, trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ nghiên cứu sản phẩm.
Tỉnh ta có 83 đội tham dự cuộc thi, trong đó, đội KAPD đến từ trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ là đại diện duy nhất xuất sắc lọt vào vòng chung kết và đoạt giải ba với dự án "Thiết bị hướng dẫn thăm quan thông minh Lotus-SGD”. Đội có 4 học sinh: Đỗ Hoàng Kỳ (lớp 12 chuyên Lý), Nguyễn Phan Quốc An (lớp 11 chuyên Hóa), Phạm Đình Tuấn Phong (lớp 10 chuyên Lý), Lương Quang Dũng (lớp 10 chuyên Lý), được hướng dẫn bởi thầy giáo Phạm Đình Mẫn.
Đội trưởng Đỗ Hoàng Kỳ chia sẻ: Tham gia sân chơi mới mẻ này chúng em đã có nhiều trải nghiệm đáng nhớ và thực sự bổ ích. Áp lực của cuộc thi rất lớn nhưng chính vì thế chúng em càng quyết tâm hơn. Với sự hướng dẫn "truyền lửa” của thầy Phạm Đình Mẫn, đội đã có những ngày tháng say sưa nghiên cứu, tập trung toàn lực vào dự án. 4 thành viên trong đội được thầy phân công nhiệm vụ cụ thể: Em là đội trưởng, chịu trách nhiệm biên tập nội dung; Dũng thiết kế 2D và biên tập video; Phong phụ trách việc hàn mạch, lập trình; còn An thu âm và thiết kế 3D…
Mùa thứ 2 được tổ chức tại Việt Nam, "Cùng bạn kiến tạo tương lai” - năm 2021 do Trung tâm Tuổi trẻ Thành Đạt Việt Nam phối hợp với Tập đoàn Samsung tổ chức nhằm tạo ra sân chơi sáng tạo, bổ ích cho học sinh, giúp các bạn trẻ thêm yêu thích khoa học, phát triển tư duy sáng tạo, thể hiện trách nhiệm của cá nhân trước những vấn đề cấp thiết của cộng đồng. Đây là cuộc thi do Samsung toàn cầu khởi xướng từ năm 2010, dành cho học sinh THCS và THPT có sự hướng dẫn của giáo viên. Đến nay, Solve for Tomorrow đã có mặt tại 23 quốc gia với 1,8 triệu học sinh, sinh viên tham gia. Tại Việt Nam, cuộc thi được tổ chức năm thứ 2 theo hình thức trực tuyến. Kết thúc vòng sơ khảo vào cuối tháng 6/2021, cuộc thi nhận được gần 1.500 bài dự thi đến từ 315 trường trung học ở 52 tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Đồng thời, khóa đào tạo trực tuyến tại website cuộc thi (www.kientaotuonglai.com.vn) đã thu hút gần 71.000 học sinh và gần 4.000 giáo viên đăng ký. Sức hút của sân chơi đã cho thấy sự quan tâm của học sinh, giáo viên tới giải pháp cho các vấn đề về môi trường, y tế/sức khỏe, giáo dục và xã hội.
Vượt qua gần 1.500 bài dự thi và xuất sắc đoạt giải ba, dự án của đội KAPD được đánh giá là có tính ứng dụng cao, thể hiện rõ tinh thần "sáng tạo để thích ứng”, phù hợp để ứng dụng vào thực tiễn, nhất là lĩnh vực du lịch. Chia sẻ về thiết bị hướng dẫn thăm quan thông minh Lotus-SGD đội chế tạo, thầy giáo Phạm Đình Mẫn cho biết: Lotus-SGD có hoạt động chính là dẫn đường và thuyết minh tự động, ngoài ra còn được tích hợp tính năng hỗ trợ chỉ đường cho người khiếm thị. Sản phẩm phù hợp để dẫn đường trong các tòa nhà trung tâm thương mại, bảo tàng, khu triển lãm, đặc biệt, nếu được sử dụng trong các khu du lịch sẽ rất hữu ích đối với những du khách muốn có trải nghiệm du lịch thông minh. Khi sử dụng, Lotus-SGD được đeo ở cổ hoặc cầm tay, tích hợp module nhận hồng ngoại để phân biệt các vị trí. Người sử dụng có thể nghe hướng dẫn từ loa ngoài hoặc tai nghe kết nối qua jack 3,5 mm. Nguyên tắc hoạt động của sản phẩm là có module nhận hồng ngoại luôn ở chế độ chờ nhận lệnh. Khi Lotus-SGD di chuyển, gặp tín hiệu điều khiển nào thì phát tiếng nói hướng dẫn/thuyết minh tương ứng với mã điều khiển đó.
Được biết, sau cuộc thi này, thầy và trò đội KAPD sẽ tiếp tục nghiên cứu phát triển sản phẩm, chuẩn bị phương án sản xuất hàng loạt, giới thiệu sản phẩm cho các đối tác tiềm năng như khu du lịch, bảo tàng, tòa nhà thương mại - dịch vụ... Bước ra từ một sân chơi trí tuệ, hy vọng những bạn trẻ giàu nhiệt huyết với khoa học ứng dụng như đội KAPD tiếp tục thắp sáng tinh thần khởi nghiệp sáng tạo, xây dựng được mối quan hệ hợp tác để kiến tạo tương lai, mở ra những chân trời rộng lớn.
Thu Trang