Trịnh Thị Thanh Hòa đem sản phẩm sợi gai lai đến trưng bày tại cuộc thi Thách thức kinh doanh và được nhiều nhà đầu tư quan tâm đến sản phẩm.
Điều kỳ diệu trên non cao
Thanh Hòa gây ấn tượng với chúng tôi ngay từ lần gặp đầu tiên bởi đôi mắt sáng và nụ cười thường trực trên môi. Hòa là người dân tộc Tày, sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Đà Bắc đầy gian khó. Khi còn bé hay được mẹ là cán bộ KNKL huyện cho đi công tác về những nơi vùng sâu, vùng xa của huyện. Từ những chuyến đi thực tế, được thấy cuộc sống khó khăn, vất vả của người dân đã hình thành trong em một hoài bão, lớn lên sẽ phải làm được những điều có ý nghĩa với cộng đồng.
Chính từ hoài bão đó, sau khi tốt nghiệp trường Đại học Nông nghiệp và bảo vệ xuất sắc luận văn thạc sĩ ngành nông nghiệp, Hòa quyết định trở về quê hương, trở thành một cán bộ công tác tại Phòng NN&PTNT huyện Đà Bắc và nay công tác tại UBND huyện. Đây cũng chính là điều kiện thuận lợi để Hòa thường xuyên có mặt ở các xã để khảo sát, tham mưu cho huyện, xã định hướng cho người dân phát triển kinh tế. Qua những chuyến "nằm vùng” ở cơ sở, rồi giao lưu, học hỏi kinh nghiệm làm ăn ở các tỉnh bạn, Hòa tích lũy được rất nhiều điều. Để rồi sau đó, năm 2016, Hòa mạnh dạn xây dựng Đề án phát triển vùng nguyên liệu cây sachi trên địa bàn huyện Đà Bắc. Đề án được thông qua, Thanh Hòa đi đến từng xóm, xã vận động người dân và kết nối với doanh nghiệp cùng tham gia thực hiện. Tháng 7/2017, HTX dịch vụ nông nghiệp Hòa Bình mà Thanh Hòa là thành viên Ban quản trị đã đưa cây sachi về trồng thử nghiệm tại 6 xã của huyện.
Từ 15 ha trồng thử nghiệm, đến nay, diện tích sachi ở Đà Bắc và các huyện trong tỉnh đã phát triển, mở rộng lên gần 200 ha. Hiện nay, vùng nguyên liệu cây sachi của Hòa đã ổn định và tạo nguồn sinh kế bền vững cho khoảng 280 hộ dân. Xác định hướng sản xuất lâu dài với hình thức sản xuất theo chuỗi liên kết. Hướng sản xuất này góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 500 lao động nông nhàn ở địa phương. Đến nay, dự án trồng cây sachi của Hòa và các cộng sự đã đem về nhiều mùa quả ngọt. Ngoài bao tiêu các sản phẩm thô, từ năm 2020, HTX hướng tới sản xuất các sản phẩm chủ lực như dầu omega 3, hạt rang sấy, một số sản phẩm khác như trà sachi, bột protein, rau sachi an toàn... làm gia tăng giá trị sản phẩm và được khách hàng đón nhận tích cực. Đáng kể hơn, ý tưởng của Hòa và các cộng sự đã xuất sắc giành giải nhất cuộc thi "Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo phụ nữ Hòa Bình lần thứ nhất, năm 2019”. Tiếp đó, dự án lọt vào vòng chung kết cuộc thi "Dự án khởi nghiệp, sáng tạo thanh niên nông thôn năm 2019” do T.Ư Đoàn tổ chức.
Từ cây sachi đến những cơ hội "bơi” ra biển lớn
Chính những thành công từ cây sachi đã tạo cảm hứng cho cô kỹ sư trẻ Trịnh Thị Thanh Hòa tiếp tục mạnh dạn triển khai những ý tưởng, dự án mới mang lại lợi ích cho cộng đồng. Cây gai lai được Hòa lựa chọn nghiên cứu và coi là "điểm nhấn” trong sự nghiệp của mình. Hòa chia sẻ: Thâm canh cây gai không quá khó. Nó phù hợp với trình độ canh tác của bà con, nhất là vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Mức độ đầu tư thấp, chi phí đầu tư ban đầu chỉ khoảng 25 - 30 triệu đồng/ha. Một năm thu hoạch 4 - 5 lứa, trồng 1 lần thu hoạch hơn 10 năm. Bình quân đạt 100 - 120 triệu đồng/ha. Thời gian hoàn vốn nhanh chỉ trong khoảng 1 năm.
Có được sự cộng tác của đội ngũ cán bộ kỹ thuật nông nghiệp dày dặn về kiến thức canh tác, kinh nghiệm trong công tác dân vận, được chính quyền địa phương ủng hộ, các hộ nông dân tin tưởng tham gia chuỗi liên kết... Đó là những cơ sở để Hòa tự tin thực hiện dự án của mình. Trên thực tế, dự án cây gai lai của Hòa và các cộng sự đã được triển khai từ tháng 12/2020. Lứa thu hoạch đầu tiên vào tháng 6/2021 - nghĩa là sau 70 ngày, năng suất đạt 400 kg/ha/lứa, tương đương 4 lứa năm thứ nhất đạt từ 1,6 - 1,8 tấn/ha. Một số hộ điển hình, tiên phong tham gia vào liên kết chuỗi phát triển vùng nguyên liệu tại xóm Trung Tằm, xã Trung Thành như: Hộ anh Lường Văn Dũng, chị Hà Thị Dòm gần 4 ha; hộ anh Xa Văn Vinh - Lường Thị Ước trồng 1,5 ha; hộ chị Lường Thị Thơ trồng 0,8 ha…
Đến nay, dự án của Hòa đã thực hiện được trên 60% hạng mục công việc đề ra. Trong năm 2021 đã vận động các hộ trồng được trên 20 ha cây gai lai và cho thu hoạch 2 vụ. Dự kiến tháng 4/2022 trồng mới xong 50 ha cây gai xanh tại xã Trung Thành theo hình thức liên kết chuỗi giá trị từ nông dân - HTX - nhà máy sợi. Đặc biệt, dù dự án đang trong quá trình triển khai thực hiện nhưng đã ký hợp đồng đầu ra với các nhà máy, công ty dệt sợi như: Nhà máy dệt sợi Vinatex Nam Định, Công ty CP XNKAn Phước Thanh Hóa, Công ty CP dệt kim Vinatex-Hanoisimex (Hưng Yên)...
"Bên cạnh sản phẩm sợi gai khô, các phụ phẩm sau thu hoạch của cây gai được ủ phân vi sinh hữu cơ, bón trở lại cho cây trồng thành chuỗi tuần hoàn, một phần ủ chua làm thức ăn chăn nuôi đại gia súc và thủy sản trong vùng. Còn một phần lá được bán cho các cơ sở làm bánh gai trong và ngoài tỉnh. Hết vòng sinh trưởng, phần củ gai được khai thác cung cấp cho các cơ sở sản xuất dược liệu” - kỹ sư trẻ Trịnh Thị Thanh Hòa cho biết thêm.
Hiện nay, cây gai lai trồng tại xã Trung Thành tạo cơ hội việc làm cho khoảng 120 - 150 người dân trong xã, phần nhiều là phụ nữ DTTS. Dự kiến khi xây dựng vùng nguyên liệu ổn định 100 ha thì đối tượng là phụ nữ được nâng cao năng lực khoảng 300 người. Có một điều đáng mừng là khi cây gai lai "bén rễ” trong dự án mới của Thanh Hòa được 1 năm cũng là lúc mang đến cho chủ nhân một niềm vinh dự đặc biệt: Giải vàng cuộc thi "Thách thức kinh doanh”. Đây là cuộc thi dành riêng cho thanh niên DTTS có sáng kiến khởi nghiệp và kinh doanh đổi mới, sáng tạo, góp phần xây dựng và phát triển kinh tế địa phương do Liên minh Châu Âu và Ngân hàng Standard CharteredViệt Nam tài trợ. Cùng với đó, dự án được chương trình "Chuyển giao công nghệ, kết nối đầu tư và xúc tiến thị trường” do Trung tâm Đổi mới sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu Việt Nam (Bộ KH&CN) phối hợp Hội LHPN Việt Nam lựa chọn là 1 trong 7 dự án được các nhà đầu tư lên tới hơn 10 tỷ đồng.Cũng trong năm 2021, Hòa vinh dự được T.Ư Đoàn trao giải thưởng Lương Định Của. Đây là những ghi nhận đáng quý, tiếp thêm sức mạnh để cô gái dân tộc Tày tự tin "bơi” ra biển lớn, nối dài thêm hành trình truyền lửa, tạo sinh kế bền vững cho đồng bào DTTS quê hương mình.
Hồng Duyên