(HBĐT) - Ngày 2/7/2022, tròn 50 năm ngày hy sinh của 13 chiến sỹ Trạm Thông tin A69 tại hang Lèn Hà, xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình), trong đó có binh nhất Bùi Thị Lung (SN 1954), quê xã Kim Lập (Kim Bôi). Đã 50 năm qua đi, nhưng Đại úy Nguyễn Thị Phương, cựu chiến binh, cựu chiến sỹ Trạm Thông tin A73, Trưởng Ban liên lạc Bạn chiến đấu E134 - Binh chủng Thông tin liên lạc tỉnh vẫn không thể quên phút giây nhận tin "sét đánh” từ đầu dây Trạm A69: "A69 bị đánh bom. 13 chiến sỹ đã hy sinh”.


Bà Nguyễn Thị Phương, người cựu chiến binh hết lòng vì nghĩa tình đồng đội.

Trọn nghĩa tình với đồng đội

Nhập ngũ tháng 5/1971. Sau khóa huấn luyện sơ cấp thông tin liên lạc tại Trung đoàn 134/Binh chủng Thông tin liên lạc, bà Nguyễn Thị Phương cùng lớp tân binh trẻ (trong đó có gần 20 chiến sỹ nữ là người Hòa Bình) nhận nhiệm vụ chi viện cho chiến trường miền Nam. Bà được bổ sung vào đơn vị Trạm Thông tin A73, đóng quân tại Hướng Hóa (Quảng Trị). Một số tân binh trong đó có Bùi Thị Lung, quê xã Kim Lập (Kim Bôi) được biên chế vào Trạm Thông tin A69, đóng tại hang Lèn Hà, xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình).

Bà Phương kể lại: Vào những lúc rảnh rỗi, nhất là đêm khuya, chị em Hòa Bình ở hai Trạm lại chuyện trò với nhau. Cái Lung, cái Thật, cái Xuyến còn hát đúm giao duyên với nhau bằng tiếng Mường, vui lắm, không thể nào quên được gương mặt, giọng nói của của cái Lung. Bà Phương nghẹn lời, hạ giọng: Đầu giờ chiều hôm ấy (2/7/1972), tôi (bà Phương) đang trực Tổng đài thì nhận được tin báo, Tổng đài A69 bị trúng bom, 13 cán bộ, chiến sỹ đã hy sinh. Tôi gào lên trong máy: Cái Lung Hòa Bình sao không. Tiếng từ đầu dây Trạm A69 nấc lên: Có. Tôi gào lên: Các anh các chị ơi A69 bị trúng bom rồi. Thật ơi, Xuyến ơi, Thời ơi, Dinh ơi (là đồng ngũ, đồng hương Hoà Bình với Bùi Thị Lung) cái Lung hy sinh rồi. Mấy chị em chúng tôi chết lặng người một lúc rồi ôm nhau khóc. Khóc ghê lắm, đứa nào cũng gào lên: "Lung ơi từ nay bọn tao không được nghe mày hát đúm, hát ví nữa, không còn nghe tiếng nói, tiếng cười của mày nữa Lung ơi”. Khi hy sinh Bùi Thị Lung vừa tròn 18 tuổi đời, 14 tháng tuổi quân.

Tháng 4/1973, bà Nguyễn Thị Phương được đơn vị cử đi học trung cấp quân y ở thị xã Sơn Tây, tỉnh Hà Tây cũ. Trên đường ra Bắc, khi xe đi qua nghĩa trang xã Đồng Lê, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình), nơi yên nghỉ của 13 chiến sỹ Trạm Thông tin A69 hy sinh ngày 2/7/1972 tại hang Lèn Hà, bà Phương xin lái xe và anh em trong đoàn dừng lại ít phút. Xuống xe, bà Phương đứng nghiêm, nói: "Lung ơi. Bạn yên nghỉ ở đây với đồng đội, sau ngày miền Nam giải phóng, nước nhà thống nhất, Phương cùng các bạn E134 Hòa Bình nhất định sẽ vào đón bạn về với quê hương đất Mường Hòa Bình chúng mình”.

Sau đại thắng mùa xuân 1975, chị em Trạm Thông tin A73, người phục viên, người chuyển ngành, người ở lại quân ngũ, mỗi người một phương, kinh tế lúc đó rất khó khăn, vì vậy, lời hứa với bạn - liệt sỹ Bùi Thị Lung, bà Phương chưa thực hiện được, hơn 40 năm (1972 - 2013), lời hứa đó cứ canh cánh trong lòng bà.

Bà Phương tâm sự, sau khi nghỉ hưu, bà chắt chiu tiết kiệm từng đồng lương hưu cộng với tiền chăn nuôi gà, vịt bà có được ít tiền nên quyết định thực hiện lời hứa của mình với đồng đội. Đầu tháng 3/2013, bà Phương khoác ba lô từ quê (xã Quang Tiến, Lương Sơn) đi mấy chặng xe khách, xe ôm tìm về xã Kim Lập (Kim Bôi) gặp gia đình liệt sỹ Bùi Thị Lung và UBND xã để bàn bạc về việc đưa hài cốt liệt sỹ Lung về quê. Được gia đình liệt sỹ Lung và chính quyền xã đồng tình, ủng hộ, bà Phương đến Phòng LĐ-TB&XH huyện Kim Bôi, rồi về Sở LĐ-TB&XH tỉnh để làm các thủ tục cần thiết. Sau đó, bà Phương đi xe khách về Hà Nội đến Lữ đoàn 134/Binh chủng Thông tin liên lạc xin ý kiến. Lãnh đạo Lữ đoàn 134 đồng ý và sẵn sàng tạo mọi điều kiện cùng gia đình đưa hài cốt liệt sỹ Bùi Thị Lung về quê. Từ Hà Nội, bà Phương lại đi xe khách về Kim Bôi để hoàn tất thủ tục và đưa đại diện gia đình liệt sỹ Lung ra Hà Nội làm việc với Lữ đoàn 134. Cứ như con thoi, bà Phương ngược suôi từ huyện Kim Bôi về Hà Nội và ngược lại. Chuyến đi kéo dài đúng 10 ngày, công việc xong suôi bà Phương mới trở về nhà.

Gần 5 tháng sau, ngày 5/8/2013, bà Phương cùng đại diện gia đình liệt sỹ Bùi Thị Lung có mặt tại Lữ đoàn 134 cùng đoàn vào huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình). Ngày 8/8/2013, hài cốt liệt sỹ Bùi Thị Lung được đưa từ nghĩa trang xã Đồng Lê, huyện Tuyên Hóa, nơi yên nghỉ của 13 cán bộ, chiến sỹ Tổng đài A69 đã hy sinh trong trận bom ngày 27/2/1972 về nghĩa trang liệt sỹ huyện Kim Bôi. Lễ đón nhận và an táng hài cốt liệt sỹ Bùi Thị Lung được chính quyền, Ban CHQS huyện Kim Bôi tổ chức long trọng, trang nghiêm, cảm động.

Lên Cao Bằng tìm gia đình liệt sỹ Lương Văn Chấn

Bà Phương cho biết, trong khi lấy hài cốt liệt sỹ Bùi Thị Lung ở nghĩa trang xã Đồng Lê, bà phát hiện còn một ngôi mộ, trên bia mộ ghi: "Liệt sỹ Lương Văn Chấn, quê xã Đoài Côn, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, hy sinh ngày 2 tháng 7 năm 1972”. Bà Phương biết rằng liệt sỹ Chấn là 1 trong 13 chiến sỹ Trạm Thông tin A69 đã hy sinh trong trận bom Mỹ ngày 2/7/1972. Bà Phương phân vân, không biết gia đình có nguyện vọng đưa hài cốt liệt sỹ Chấn về quê không? Bà ghi lại thông tin trên bia mộ liệt sỹ Chấn.

Sau ngày an táng hài cốt liệt sỹ Bùi Thị Lung, bà Phương kể lại việc nhìn thấy bia mộ liệt sỹ Lương Văn Chấn và băn khoăn của mình cho vợ chồng người con trai nghe. Nghe mẹ nói, con dâu và con trai bà động viên "Mẹ có địa chỉ rồi, mẹ lên Cao Bằng tìm gặp gia đình bác ấy (liệt sỹ Chấn). Nếu gia đình họ có nguyện vọng đưa hài cốt bác ấy về quê mà kinh tế khó khăn không đi lấy được thì mẹ con mình giúp đỡ”. Biết là sẽ rất khó khăn, vất vả, tốn kém vì đường lên Cao Bằng, rồi tìm về huyện Trùng Khánh, về xã Đoài Côn đâu phải dễ, nhưng vì nghĩa tình đồng đội, bà Phương quyết định đi Cao Bằng tìm gia đình liệt sỹ Lương Văn Chấn.

Sau gần 1 năm chắt chiu tiết kiệm tương đối "đủ lực”, ngày 19/5/2014, bà Phương ra Hà Nội đi xe khách lên Cao Bằng rồi "bắt” taxi vào huyện Trùng Khánh. Sau khi làm việc với Phòng LĐ-TB&XH huyện, bà Phương đi xe ôm về xã Đoài Côn, tìm đến gia đình liệt sỹ Lương Văn Chấn.

Bà Phương kể lại, vợ chồng liệt sỹ Chấn chỉ sinh được một người con gái tên là Lương Thị Ninh. Vợ liệt sỹ Chấn đã mất, vợ chồng chị Ninh thờ cúng bố, gia đình chị Ninh thuộc diện hộ nghèo. Khi nghe bà Phương hỏi nguyện vọng của gia đình về việc đưa hài cốt bố về quê, chị Ninh ôm lấy bà Phương khóc, nói: Trước lúc mất, mẹ cháu dặn cháu cố gắng lấy hài cốt của bố về quê cho tiện chăm sóc phần mộ, hương khói, nhưng do gia đình khó khăn không có điều kiện nên vợ chồng cháu không thực hiện được lời mẹ dặn.

Cảm động, sẻ chia với hoàn cảnh của chị Ninh, ngay trong ngày hôm đó, bà Phương trở về Hà Nội, đến gặp Ban chỉ huy Lữ đoàn 134 trình bày lại ý nguyện của mình và nguyện vọng của con gái liệt sỹ Lương Văn Chấn. Một tháng sau, ngày 20/6/2014, bà Phương nhận được thông báo của Phòng Chính trị Lữ đoàn 134, yêu cầu bà Phương đem đơn của gia đình liệt sỹ Chấn nộp cho Ban chỉ huy Lữ đoàn. Mừng quá, ngay trong ngày hôm đó, bà Phương "bắt” xe khách về Hà Nội, rồi đi xe lên Cao Bằng về nhà chị Ninh. Do chị Ninh không biết chữ nên bà Phương phải viết đơn, sau đó cùng chị Ninh ra UBND xã xin xác nhận. Làm xong thủ tục ở địa phương, bà Phương về ngay Hà Nội đến đơn vị Lữ đoàn 134 nộp đơn.

Một tháng sau, ngày 25/7/2014, bà Phương nhận được thông báo của Ban chỉ huy Lữ đoàn 134 về thời gian đi Tuyên Hóa (Quảng Bình) lấy hài cốt liệt sỹ Lương Văn Chấn. Bà Phương lại tức tốc lên xã Đoài Côn, Cao Bằng đón chị Ninh về Hà Nội có mặt tại Lữ đoàn 134 đúng thời gian.

Ngày 9/8/2014, đúng 7h30', lễ an táng hài cốt liệt sỹ Lương Văn Chấn được tổ chức trọng thể, trang nghiêm tại nghĩa trang liệt sỹ huyện Trùng Khánh. Không chỉ gia đình chị Ninh mà lãnh đạo huyện Trùng Khánh, bà con xã Đoài Côn biết chuyện bà Phương vượt núi, băng đèo đi cả chặng đường hàng trăm cây số để tìm gia đình liệt sỹ Lương Văn Chấn, giúp đỡ gia đình cả vật chất lẫn tinh thần, thực hiện ý nguyện, đưa hài cốt của liệt sỹ Lương Văn Chấn về đất mẹ Trùng Khánh, Cao Bằng thì rất cảm phục.

Như vậy, trong vòng 1 năm (tháng 8/2013 - 8/2014), Đại úy Nguyễn Thị Phương, cựu chiến binh, cựu chiến sỹ Trạm Thông tin A73, Trưởng ban liên lạc Bạn chiến đấu E134 - Binh chủng Thông tin liên lạc Hòa Bình  đã góp công, góp sức cùng đơn vị Lữ đoàn 134 đưa 2 hài cốt liệt sỹ Trạm Thông tin A69 hy sinh ngày 2/7/1972 tại hang Lèn Hà về với đất mẹ Kim Bôi (Hòa Bình) và Trùng Khánh (Cao Bằng).

Việc làm hết lòng vì nghĩa tình đồng đội của bà Nguyễn Thị Phương đã được Bộ Tư lệnh Binh chủng Thông tin liên lạc và Ban liên lạc Bạn chiến đấu Lữ Đoàn 134 biểu dương, khen thưởng. 
                      

Nguyễn Trung Hiếu 
(Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập)

Các tin khác


Bí thư chi đoàn thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ nuôi cá lồng

Qua tìm hiểu, anh Nguyễn Văn Lân, Bí thư chi đoàn tổ Vôi, phường Thái Bình, TP Hòa Bình đã tận dụng điều kiện tự nhiên sẵn có của quê hương, mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Hòa Bình, trở thành tấm gương sáng về khởi nghiệp của thanh niên trên địa bàn.

Thoát nghèo từ mô hình nuôi ong và trồng bưởi đỏ

Tận dụng lợi thế đồi rừng, những năm qua, nông dân xã Tử Nê, huyện Tân Lạc đẩy mạnh phát triển kinh tế, trong đó có nghề nuôi ong lấy mật mang lại hiệu quả cao. Tiêu biểu là gia đình anh Bùi Văn Liêm ở xóm Cú. Với ưu thế nhà gần rừng có nhiều loại cây và các loại hoa rừng, tốt cho việc nuôi ong, anh Liêm đã tìm tòi, học hỏi qua các phương tiện thông tin đại chúng và các hộ nuôi ong trong vùng, từ đó đầu tư trên 50 tổ ong nuôi lấy mật.

Khởi nghiệp từ đặc sản quê hương

Nhận thấy quê hương có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch, anh Hà Công Hưng, Phó Bí thư Đoàn xã Mai Hịch (Mai Châu) bắt tay vào làm sản phẩm thịt gác bếp với mong muốn mang đặc sản của quê hương đến với du khách trong nước và quốc tế.

Bùi Đình Văn - gương sáng phát triển kinh tế

Trong những năm qua, phong trào đoàn viên, thanh niên vượt khó làm kinh tế được tuổi trẻ xã Lỗ Sơn, huyện Tân Lạc tích cực hưởng ứng. Ngày càng có nhiều đoàn viên, thanh niên bằng khát vọng vươn lên làm giàu, dám nghĩ, dám làm đi lên từ hai bàn tay trắng để trở thành những thanh niên tiêu biểu làm kinh tế giỏi của huyện.

Người phát triển nghề mây tre đan trên quê hương Mường Động

Từ một phụ nữ thuần nông, chị Nguyễn Thị Nhung ở xóm Quê Rù, xã Vĩnh Đồng (Kim Bôi) mạnh dạn về xuôi tìm hiểu và theo học làm mây tre đan với mong muốn chuyển đổi nghề, từng bước cải thiện sinh kế. Sau nhiều nỗ lực, chị trở thành người có tay nghề vững, được Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN - GDTX) huyện mời về làm giáo viên thỉnh giảng. Quá trình giảng dạy chị vừa truyền nghề, vừa đứng ra làm đầu mối tiêu thụ sản phẩm cho học viên.

Người phụ nữ giàu lòng nhân ái

Bà Nguyễn Thị Nụ ở tiểu khu Thạch Lý, thị trấn Đà Bắc (Đà Bắc) được biết đến là người phụ nữ giản dị, giàu lòng nhân ái. Mặc dù kinh tế gia đình không dư giả nhưng với gần 10 năm làm công tác thiện nguyện cũng đủ nói lên tấm lòng nhân ái, sống có trách nhiệm, biết sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn của bà.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục