Từ nguồn vốn Chương trình 1719, tỉnh Hòa Bình đã lồng ghép giải quyết nhiều vấn đề cấp thiết tại địa phương. Ảnh: Đường giao thông tại xã Tú Lý (Đà Bắc) được đầu tư nâng cấp tạo thuận lợi cho giao thương của người dân.
Xã Ngọc Mỹ (Tân Lạc) có 13 xóm, trong đó 4 xóm xa trung tâm, thuộc diện đặc biệt khó khăn. Hàng năm, sau khi có nguồn vốn của Chương trình, UBND xã tiến hành họp bàn, phân bổ nguồn vốn, ưu tiên giải quyết những vấn đề cấp thiết. Với nguồn vốn đầu tư năm 2022, Ngọc Mỹ được xây mới 2 nhà văn hóa ở xóm Cóc 1, 2 và sửa chữa nhà văn hóa xóm Phụng 2, Quạng 2. Đến nay, các công trình đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, đáp ứng nhu cầu của người dân, góp phần đưa Ngọc Mỹ cán đích nông thôn mới. Đối với nguồn vốn hỗ trợ sản xuất, để phát huy hiệu quả và đảm bảo dân chủ, khách quan, xã tổ chức họp xóm, bàn hình thức triển khai.
Theo anh Bùi Văn Chiều, Trưởng xóm Cóc 2, với cách làm này vừa giải quyết được vấn đề cấp thiết của địa phương, vừa đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất của hộ nghèo. Hiện nay, xóm Cóc 2 không còn phải mượn địa điểm mỗi khi họp xóm, bà con ai cũng phấn khởi.
Đà Bắc là huyện khó khăn nhất của tỉnh, tỷ lệ đồng bào DTTS chiếm gần 90%. Nơi đây có địa hình phần lớn là đồi núi cao, hiểm trở, thường xuyên hứng chịu các đợt thiên tai, bão lũ, sạt lở đất, đá. Huyện xác định công tác dân tộc là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đã quan tâm và triển khai hiệu quả nhiều chương trình, chính sách, nâng cao đời sống cho đồng bào. Nhận thấy nước sinh hoạt là vấn đề cần ưu tiên giải quyết, thời gian qua, huyện tập trung sử dụng nguồn vốn Chương trình hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho trên 700 hộ, thuộc 16/16 xã trên địa bàn.
Không còn phải lo lắng, đi xin từng chậu nước vào mùa khô, giờ đây, bà Nguyễn Thị Hoa ở xóm Tân Sơn, xã Toàn Sơn (Đà Bắc) có thể yên tâm về nguồn nước sinh hoạt, đảm bảo vệ sinh. Bà Hoa chia sẻ: Trước đây khi chưa có téc chứa nước, gia đình phải hứng từng xô, chậu để sử dụng nấu ăn, tắm giặt hàng ngày mà nguồn nước không đảm bảo vệ sinh. Đầu năm nay, gia đình được chính quyền các cấp quan tâm, hỗ trợ téc nước dự trữ nguồn nước dẫn từ trên đồi cao để phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Trung bình mỗi téc nước có thể đảm bảo phục vụ sinh hoạt cho các thành viên trong gia đình khoảng một tuần.
Theo Ban Dân tộc tỉnh, thời gian qua, với các nguồn lực, chính sách của Chương trình mục tiêu quốc gia 1719 đã và đang được địa phương tập trung đầu tư phát triển các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ dân sinh; hỗ trợ bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, nhất là ở địa bàn khó khăn vùng đồng bào DTTS, miền núi. Giai đoạn 2019-2024, tỉnh đã bố trí, lồng ghép nguồn vốn để đầu tư phát triển ở vùng đồng bào DTTS trên 30,3 nghìn tỷ đồng, góp phần phát triển KT-XH địa phương. Hiện nay, 100% xã có đường giao thông thảm nhựa hoặc bê tông hóa đến trung tâm; 100% thôn, bản có đường tới trung tâm thôn, trong đó tỷ lệ thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa đạt 95,7%; tỷ lệ hộ trong vùng đồng bào DTTS và miền núi được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp là 99,86% (tăng 0,11% so với năm 2019)...
Bên cạnh đó, các địa phương cũng đặc biệt chú trọng thực hiện tốt công tác xóa đói, giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm; hỗ trợ công tác chăm sóc sức khỏe, giáo dục - đào tạo..., nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần, thể chất của đồng bào từng bước được nâng lên. Đến nay, toàn tỉnh đã có 8/59 xã đặc biệt khó khăn được công nhận hoàn thành xây dựng nông thôn mới, đồng thời thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn; tỷ lệ giảm nghèo vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh đạt 2,93%; tỷ lệ hộ nghèo các xã đặc biệt khó khăn giảm bình quân 6,39%/năm.
Hải Yến