Các lực lượng địa phương hỗ trợ nông dân xóm Tam Hòa, xã Đồng Tân (Mai Châu) căng phủ nilon chống rét cho mạ.
Vụ xuân này, gia đình ông Hà Văn Hợp, xóm Vãng, thị trấn Mai Châu cấy 3 sào lúa. Những ngày qua, khi trời ngớt mưa lạnh, ông tất tả ra đồng để phủ nilon, giữ ấm bảo vệ mạ. Ông Hợp cho biết: Mới ra Tết đã có đợt rét đậm, rét hại sâu như vậy. Cây mạ chưa cấy nếu không được bảo vệ, che chắn kịp thời có thể bị sâu bệnh hại hoặc thậm chí chết rét. Trong quá trình chăm sóc mạ, cán bộ trồng trọt và bảo vệ thực vật của huyện, xã thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, hướng dẫn gia đình thực hiện kịp thời các biện pháp để cây trồng phát triển, không bị chết rét.
Các hộ chăn nuôi gia súc trên địa bàn huyện cũng tập trung chống rét. Ông Hà Văn Lợi, xóm Vế, xã Piềng Vế cho biết: Gia đình tôi chăn nuôi đàn lợn gần 20 con. Để không xảy ra sự cố lợn ốm, chết do rét, các chuồng nuôi được che kín xung quanh; bổ sung vitamin tổng hợp, men tiêu hóa trộn vào nước uống, thức ăn theo hướng dẫn.
Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) huyện, những ngày qua, do sạt lở đá và thời tiết rét đậm, rét hại đã gây thiệt hại về tài sản, sản xuất tại một số địa bàn trong huyện. Trong đó, tại khu vực xóm Khán, xã Vạn Mai có 4 hộ ngoài thiệt hại về nhà cửa còn bị thiệt hại về sản xuất với khoảng 150 cây xoan, luồng, me, sưa các loại, 20 cây chuối; khoảng 40 ha dưa hấu đang giai đoạn phát triển bị ảnh hưởng (cục bộ một số diện tích bị chết do rét). Toàn huyện có 30 con trâu, bò chết rét tại các xã Thành Sơn, Hang Kia, Pà Cò, Cun Pheo.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh và khuyến cáo của Sở NN&PTNT, UBND huyện đã ban hành Văn bản số 345/UBND-NNPTNT về việc chủ động ứng phó với rét đậm, rét hại trên địa bàn; Công văn số 346/UBND-NNPTNT về việc việc chủ động các giải pháp ứng phó với rét đậm, rét hại trong sản xuất nông nghiệp gửi các cơ quan, đơn vị liên quan, UBND các xã, thị trấn. Theo đó, các xã, thị trấn tập trung chỉ đạo, đôn đốc, khuyến cáo, hướng dẫn nông dân nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi, như: Đối với cây trồng, bảo đảm nguồn nước cho diện tích lúa đã cấy, tạm dừng việc bón phân trong những ngày trời rét; không cấy lúa và cây trồng vụ đông xuân; tổ chức thu hoạch đối với diện tích rau màu đã đến hoặc gần đến kỳ thu hoạch trong những ngày trời rét, nhiệt độ xuống dưới 150C; có giải pháp dự phòng mạ để cấy dặm cho diện tích bị thiệt hại do rét đậm, rét hại; tăng cường kiểm tra tình hình sâu bệnh trên đồng ruộng để có biện pháp phòng ngừa kịp thời. Đối với vật nuôi, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi vệ sinh, củng cố chuồng trại, che chắn giữ ấm, chủ động dự trữ thức ăn đảm bảo phòng, chống đói, rét...
Đồng chí Ngần Văn Toàn, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết: Ngay sau khi nắm được thông tin về thiệt hại tại các địa bàn, Ban chỉ huy PCTT& TKCN huyện, UBND huyện đã kịp thời hỗ trợ các hộ bị thiệt hại để ổn định chỗ ở và phục hồi sản xuất. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương, ngành chuyên môn tăng cường theo dõi diễn biến thời tiết, bám sát đồng ruộng để kịp thời hỗ trợ nông dân khắc phục ảnh hưởng. Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, những ngày tới, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ xảy ra đợt rét đậm, rét hại trên diện rộng, nhiệt độ thấp nhất các tỉnh vùng núi, trung du từ 4 - 60C, khu vực núi cao có nơi xấp xỉ 00C. Vì vậy, nhằm giữ nhịp sản xuất, bảo đảm nguồn cung thực phẩm, hoàn thành thắng lợi kế hoạch sản xuất đã đề ra, các xã, thị trấn cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của tỉnh, huyện; kịp thời báo cáo với huyện khi có thiệt hại về sản xuất do rét đậm, rét hại để có giải pháp khắc phục kịp thời...
Thu Hằng