Trong những năm qua, thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN được đẩy mạnh, đạt được kết quả tích cực, tổ chức bộ máy Nhà nước ngày càng được hoàn thiện hơn, phương thức hoạt động của Nhà nước được đổi mới trên nguyên tắc tổ chức quyền lực Nhà nước được quy định trong Hiến pháp năm 2013; “quyền lực Nhà nước là thống nhất có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan Nhà nước trong thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp...” Quốc hội được kiện toàn về tổ chức, phương thức hoạt động có nhiều đổi mới, chất lượng hoạt động được nâng cao. Cơ cấu tổ chức, bộ máy của Chính phủ, các bộ, ngành từng bước được sắp xếp, điều chỉnh theo hướng tinh gọn. Tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp được đổi mới. Việc thực hiện các thủ tục tố tụng, sự tham gia của luật sư trong tố tụng và các hoạt động tranh tụng tại phiên tòa ngày càng tốt hơn, hạn chế được tình trạng điều tra, truy tố, xét xử oan sai hay bỏ lọt tội phạm. Công tác thi hành án được tăng cường. Tổ chức bộ máy chính quyền địa phương các cấp được củng cố, kiện toàn, chất lượng, hiệu quả hoạt động từng bước được nâng lên. Việc đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được quan tâm.

 

Bên cạnh kết quả đạt được, dự thảo báo cáo chính trị Đại hội XII đã chỉ rõ những tồn tại, hạn chế là tổ chức, bộ máy và cơ chế hoạt động của các thiết chế cơ bản trong bộ máy Nhà nước còn có những điểm chưa thực sự hợp lý, còn nhiều chồng chéo; kỷ cương, kỷ luật trong quản lý Nhà nước còn nhiều yếu kém, tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng..  Đây là những rào cản lớn đối với sự phát triển của đất nước. Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém được Báo cáo chính trị nêu đó là: “Sự phân định giữa vai trò lãnh đạo của Đảng và vai trò quản lý, điều hành của Nhà nước còn có những nội dung chưa rõ; phương thức và cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước ở các cấp còn nhiều điểm chưa được chế định rõ và phù hợp với nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền. Đây là những vấn đề cốt lõi đặt ra cho nhiệm kỳ mới, đặc biệt là hoàn thiện cơ sở lý luận xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN trong điều kiện “một Đảng, nhất nguyên” ở nước ta hiện nay.

 

Hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN, theo tôi, Đại hội XII cần định hướng một số nội dung: Trước tiên phải đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước. Cần làm rõ phương thức lãnh đạo của Đảng với Nhà nước và xã hội mà trực tiếp là của các cấp ủy đối với các cơ quan Nhà nước. Chống khuynh hướng cấp ủy bao biện, làm thay công việc cơ quan Nhà nước. Đổi mới việc ra nghị quyết của các cấp ủy đảng và việc thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng vào chính sách, pháp luật Nhà nước, công khai minh bạch trong công tác cán bộ, công chức Nhà nước. Tiếp tục hoàn thiện nguyên tắc “tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” giải phóng ý tưởng và sức sáng tạo cũng như nâng cao trách nhiệm của cá nhân, người đứng đầu. Nghiên cứu hoàn thiện cơ chế thực hiện “nhất thể hóa” chức danh cấp ủy và chức danh Nhà nước, hợp nhất một số cơ quan tham mưu của cấp ủy với cơ quan quản lý Nhà nước có chung nhiệm vụ, giảm chồng chéo và tầng nấc trung gian.

 

Cần đổi mới đồng bộ, tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước từ việc xác định vị trí trụ cột của Nhà nước trong hệ thống chính trị, cơ cấu lại chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong quá trình phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, thực hành và phát huy dân chủ đến việc đổi mới từng bộ phận cấu thành bộ máy Nhà nước.

 

Đổi mới nhận thức về vị trí, vai trò của QH trong tổng thể bộ máy Nhà nước, theo đó, QH là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, nhưng không phải toàn bộ quyền lực Nhà nước đều thuộc về QH. Cần phải xây dựng được một QH thực quyền chứ không phải là QH toàn quyền. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống bộ máy hành chính Nhà nước từ Trung ương đến cơ sở, đảm bảo cho toàn bộ hệ thống này hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, đủ mạnh để hoàn thiện các chức năng của quyền hành pháp. Bảo đảm việc thi hành Hiến pháp và pháp luật trong đời sống Nhà nước và đời sống xã hội. Thống nhất quản lý hành chính Nhà nước về KT -XH, AN-QP, TTATXH và đối ngoại. Thi hành những biện pháp hữu hiệu bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tạo điều kiện để công dân thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình, bảo vệ tài sản, lợi ích của Nhà nước, xã hội và bảo vệ môi trường.

 

Đổi mới các cơ quan tư pháp và thủ tục tư pháp theo các yêu cầu của Nhà nước pháp quyền XHCN. Trọng tâm là cải cách tổ chức và hoạt động của Toà án với quan điểm Toà án là trung tâm của hệ thống tư pháp và sự độc lập của Toà án trong xét xử là điều kiện cơ bản bảo đảm cho toà án thực hiện vai trò của mình với tư cách cơ quan bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người. Tăng cường chức năng công tố của Viện kiểm sát; hoàn thiện vị trí, phạm vi thẩm quyền của các cơ quan điều tra. Cơ cấu lại tổ chức và quản lý việc thi hành án; xây dựng và hoàn thiện các thiết chế bổ trợ tư pháp như luật sư, công chứng, giám định tư pháp.

 

Xây dựng mô hình tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương các cấp cần bảo đảm sự thống nhất không gian kinh tế và không gian pháp lý. Quyền tự chủ của chính quyền địa phương phải đặt trong sự quản lý của Trung ương về thể chế và chính sách vĩ mô. Mỗi cấp chính quyền là một bộ phận cấu thành của hệ thống hành chính Nhà nước thống nhất. Thực hiện phân cấp phân quyền nhưng không làm phát sinh tình trạng cát cứ, cục bộ địa phương, không để tạo ra sự đối lập lợi ích giữa địa phương và Trung ương. Đổi mới, cải cách tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương phải gắn liền với việc đổi mới tổ chức và hoạt động của tổ chức đảng ở các cấp địa phương.

 

Đội ngũ cán bộ, công chức luôn giữ vai trò quan trọng trong việc thực thi pháp luật, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với toàn bộ xã hội. Ngoài trình độ chuyên môn, đội ngũ cán bộ, công chức phải tận tụy phục vụ nhân dân mà tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn toả sáng trong cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Đảng ta phát động và đang được toàn Đảng, toàn dân hưởng ứng. Thiết nghĩ, đây là dịp tốt để mọi cán bộ, công chức, viên chức liên hệ vào công việc của mình đang đảm nhiệm, tạo chuyển biến tốt để phục vụ nhân dân một cách thiết thực, đó cũng là cách thức tốt nhất để góp phần vào việc xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

 

 

                                                            Nguyễn Tiến Sinh

                                                   (Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh)

 

 

 

Các tin khác

ĐV-TN huyện Lạc Sơn tham gia làm đường GTNT tại xã Ân Nghĩa, hưởng ứng chiến dịch thanh niên tình nguyện hè năm 2015.  Ảnh: P.V
Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
Không có hình ảnh

DỰ THẢO BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI 5 NĂM 2011 - 2015 VÀ PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI 5 NĂM 2016 - 2020

Thực hiện Chỉ đạo của Bộ Chính trị, ngày 15-9, Toàn văn các Dự thảo văn kiện chuẩn bị trình Đại hội XII của Đảng được công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân đóng góp ý kiến. Các dự thảo văn kiện gồm: Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XI tại Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Ðảng; Dự thảo báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 (Dự thảo Báo cáo về kinh tế - xã hội).

Những nội dung cần góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện của BCH T.Ư (khóa XI) trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng

Ngày 7/9/2015, Ban Tuyên giáo T.Ư đã ban hành Hướng dẫn số 160-HD/BTG TW, lấy ý kiến và tổng hợp ý kiến nhân dân đóng góp dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng qua báo chí. Theo Hướng dẫn, ý kiến đóng góp cần tập trung vào các vấn đề lớn sau đây:

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục