(HBĐT) - Trong thời gian qua, tại một số tỉnh có tình trạng trẻ em là con của phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài trở về sinh sống lâu dài tại Việt Nam. Trong đó có nhiều em đã đăng ký quốc tịch nước ngoài nên gặp khó khăn trong việc thực hiện các quyền đi học, khám bệnh, chữa bệnh… như đối với trẻ em là công dân Việt Nam. Trước thực trạng trên, Bộ LĐ-TB&XH đã có Công văn số 1540/LĐTBXH-BVCSTE, ngày 9/5/2016 về việc yêu cầu các địa phương báo cáo tình hình trẻ em là con của phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài trở về.
Cán bộ LĐ-TB&XH xã Phú Thành (Lạc Thủy) trao với các ban, ngành, đoàn thể nắm tình hình trẻ em trên địa bàn.
Đồng chí Phạm Thị Thanh Hiến, Trưởng phòng Bảo vệ chăm sóc Trẻ em và Bình đẳng giới (Sở LĐ-TB&XH) cho biết: Thực hiện chủ trương trên, Sở LĐ-TB&XH đã đề nghị các sở, ngành liên quan như Sở Y tế, Sở GĐ&ĐT, Sở Tư pháp, Công an tỉnh đã phối hợp cung cấp số liệu và tình hình trẻ em là con của phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài về sinh sống tại địa phương và những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị. Theo số liệu thống kê, rà soát, hiện nay có 36 trường hợp trẻ em là con phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài đăng ký thường trú trên địa bàn tỉnh. Trong đó, số trẻ em khai sinh ở nước ngoài nhưng chưa nhập quốc tịch Việt Nam là 5 trẻ; 31 trẻ đã đăng ký khai sinh tại Việt Nam và không có trẻ em nào chưa được đi học đúng độ tuổi.
Trao đổi với chúng tôi về tình hình trẻ em là con của người địa phương kết hôn với người nước ngoài, chị Vũ Thị Hoa, cán bộ LĐ-TB&XH xã Phú Thành (Lạc Thủy) cho biết: Trên địa bàn xã có em Bùi Cao Huệ Minh, sinh năm 2014, địa chỉ thường trú tại thôn Đồng Danh có mẹ là người địa phương, kết hôn với người Trung Quốc. Cháu Minh có quốc tịch Việt
Theo đồng chí Phạm Thị Thanh Hiến, qua quá trình kiểm soát, thống kê nhận thấy, cũng có một số trường hợp do bố mẹ đi làm ăn xa đã gửi lại cho ông, bà ngoại bảo lãnh để đăng ký lưu trú tại địa phương. Một số khác có đăng ký lưu trú tại địa phương nhưng được đưa ra các tỉnh, thành phố khác để học tập và sinh sống. Vì vậy, vẫn còn khó khăn, hạn chế trong công tác quản lý, theo dõi các trường hợp trên. Từ thực tế trên, Sở LĐ-TB&XH đã đề xuất một số giải pháp nhằm phối hợp với các sở, ban, ngành thực hiện tốt hơn công tác quản lý phụ nữ, chăm sóc, bảo vệ trẻ em, đó là: Tổ chức lồng ghép công tác dạy nghề, giới thiệu việc làm… cho các nhóm nữ thanh niên trong độ tuổi kết hôn, phụ nữ là nạn nhân bị buôn bán, phụ nữ do thất bại hôn nhân phải trở về địa phương sinh sống có hoàn cảnh khó khăn nhằm giúp họ ổn định cuộc sống, tránh sự lôi kéo môi giới kết hôn. Hỗ trợ kinh phí, mở rộng hệ thống cộng tác viên tới các thôn, xóm… nhằm tăng cường hệ thống quản lý trẻ em. Tăng cường tổ chức các hoạt động truyền thông, tập huấn nâng cao nhận thức của các cấp lãnh đạo, người dân về bảo vệ, chăm sóc trẻ em; vấn đề bình đẳng giới và hôn nhân gia đình có yếu tố nước ngoài, trong đó có vấn đề về quốc tịch. Mở các điểm tư vấn về bình đẳng giới, hôn nhân gia đình và thủ tục xin trở lại quốc tịch Việt Nam, đăng ký khai sinh, hộ tịch cho trẻ em sinh ra ở nước ngoài và được bố, mẹ đưa về địa phương sinh sống tại các xã, phường, thị trấn. Cùng với đó, lập danh sách những hộ gia đình có con của người phụ nữ Việt Nam lấy chồng là người nước ngoài và những phụ nữ ly hôn trở về địa phương sinh sống để theo dõi, quản lý; phát hiện, can thiệp giúp đỡ kịp thời trong công tác giáo dục và khám- chữa bệnh…
PV