(HBĐT) - “Năm 2011, con gái tôi có biểu hiện ho nhiều và tiêu chảy cấp, vì vậy, gia đình đưa cháu đến cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Mai Châu. Tuy nhiên, xóm Chiêng không có đường bộ xuống trung tâm xã Tân Dân nên chúng tôi phải đi thuyền xuống xóm Đá Đỏ để thuê xe đi về bệnh viện huyện. Do mất quá nhiều thời gian di chuyển, con gái tôi đã mất trên đường đi cấp cứu”. Đó là những lời chia sẻ đầy nước mắt của chị Lường Thị Vượng khi trò chuyện với chúng tôi về nỗi khổ không có đường giao thông của người dân xóm Chiêng.
Cách UBND xã Tân Dân khoảng 12 km, đường lên xóm Chiêng như lên “cổng trời” bởi nối tiếp dốc quanh co “ổ voi” là đá lớm chởm nằm chắn ngang đường. Đặc biệt, chặng đường mà chúng tôi phải “bò” từ xóm Diềm 2 lên đến xóm Chiêng là đường đất kéo dài đến 6 km. Bên này là vách đá, bên kia là vực thẳm, con đường đất không chỉ cản trở sự phát triển của xóm mà thậm chí còn đe dọa đến sinh mệnh của những người dân khi tham gia giao thông. Đã không quá hai lần, chúng tôi có ý định quay trở về trụ sở UBND xã vì đường quá xấu không thể đi nổi. Phải mất chừng 1 giờ đồng hồ, chúng tôi mới lên được xóm Chiêng.
Đồng chí Lường Hải Văn, Trưởng xóm Chiêng cho biết: “Chiêng là 1 trong 36 thôn, bản đặc biệt khó khăn của tỉnh. Toàn xóm có 48 hộ dân và 208 nhân khẩu. Thu nhập bình quân chỉ đạt 8 triệu đồng/hộ/năm. Tỷ lệ hộ nghèo chiếm 69%. Một trong những lý do khiến kinh tế xóm chậm phát triển, đời sống nhân dân khó khăn là do xóm Chiêng còn quá nhiều trở ngại, khó khăn về giao thông. Năm 2015 trở về trước, từ UBND xã chưa có đường lên xóm Chiêng. Người dân chủ yếu di chuyển bằng đường mòn, vận chuyển hàng hóa nông sản bằng thuyền, bè trên sông. Chính vì vậy, sản phẩm làm ra thường bị tư thương ép giá hoặc thu mua với giá thấp. Cụ thể như sắn ở các xóm vùng ngoài có thể bán với giá 1.500 - 2.000 đồng/kg, người dân xóm Chiêng chỉ bán bằng một nửa mức giá thông thường. Tương tự như các mặt hàng như ngô, keo, thóc giá cả đều chênh lệch”.
Không những ảnh hưởng đến phát triển KT- XH của người dân xóm Chiêng, giao thông còn cản trở học sinh tới trường. Trường THCS Tân Dân nằm ở khu vực trung tâm xã, do vậy, các gia đình có con em theo học tại trường phải dậy đi học từ 4h mới kịp giờ vào lớp. Tuy nhiên, vào những hôm mưa gió, các em buộc phải nghỉ học vì đường lầy lội, không thể đi được.
Đường giao thông tại xóm Chiêng, xã Tân Dân (Mai Châu) chưa được bê tông hóa, gây khó khăn cho học sinh tới trường.
“Mỗi lần đi học, phải đi bộ 4 tiếng, nếu nhanh cũng phải mất 3 tiếng, người lớn đi còn thấy mệt, huống chi là trẻ con. Có hôm thời tiết nắng nóng từ 36 - 380C, con tôi đến được trường, quần áo cũng ướt đẫm mồ hôi, mặt mũi tái xanh vì mệt. Vì vậy cũng khó lòng tiếp thu được kiến thức” - Chị Quách Thị Huệ ở xóm Chiêng, phụ huynh học sinh trường THCS Tân Dân chia sẻ.
Thấu hiểu nỗi khổ của người dân xóm Chiêng, năm 2014, dự án ổn định phát triển vùng lòng hồ sông Đà do UBND huyện Mai Châu làm chủ đầu tư đã hỗ trợ kinh phí để mở rộng đường đất từ xóm Diềm 2 dẫn lên xóm Chiêng với chiều dài 3,4 km, có thể đi vừa xe ô tô. Cùng với đó, người dân xóm Chiêng đã họp bàn, thống nhất mỗi hộ đóng góp 500.000 đồng để mở rộng đường giao thông. Ngoài ra, xóm huy động sức dân đào đắp đường giao thông tiết kiệm chi phí thuê nhân công. Đến nay, trục đường từ UBND xã lên xóm Chiêng dài 12 km, rộng 3 m đã được mở rộng tạo điều kiện cho các hộ dân dễ di chuyển bằng xe máy và vận chuyển hàng hóa bằng xe tải. Phụ huynh học sinh có thể đưa đón con em bằng xe máy vào những hôm thời tiết nắng ráo.
Đồng chí Đinh Văn Đốc, Chủ tịch UBND xã Tân Dân trăn trở: “Giao thông tại xóm Chiêng hiện là nỗi lo của các cấp chính quyền và người dân trong nhiều năm qua. Mặc dù đã được UBND huyện Mai Châu hỗ trợ kinh phí mở đường, tuy nhiên, nền đường mới là nền đất, mùa mưa, đường lầy lội, các phương tiện không thể qua lại. Chính vì vậy, trong thời gian sớm nhất, chúng tôi mong Nhà nước hỗ trợ kinh phí để bê tông hóa trục đường dẫn lên xóm Chiêng. Người dân nơi đây tha thiết với ước mơ một ngày không xa đường đất sẽ được bê tông hóa, cuộc sống tốt đẹp hơn sẽ về với xóm Chiêng"
Đức Anh
(HBĐT) - Chiều 13/2, Công ty CP Đầu tư phát triển Anh Kỳ (TP Hòa Bình) đã tổ chức chương trình trao tiền bồi thường Honda Plus cho khách hàng mua xe tại Công ty.
(HBĐT) - Năm 2016, các cấp Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin trong tỉnh đã phối hợp với các cấp, các ngành phát huy tốt tinh thần Đoàn kết nghĩa tình trách nhiệm vì nạn nhân chất độc da cam và có nhiều hoạt động hỗ trợ với tổng giá trị trên 1 tỷ đồng.
Ngày 13-2, Đội Cảnh sát môi trường, Công an quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết, đơn vị đã ra quyết định xử phạt hành chính 2 triệu đồng/người đối với 3 tài xế taxi có hành vi tiểu tiện không đúng nơi quy định.
(HBĐT) - Thời gian qua, nhất là vào dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TU ngày 23/5/2014 của BTV Tỉnh ủy về tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đẩy mạnh thực hiện nếp sống văn minh, văn hóa công sở, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể CT -XH trong tỉnh đã tăng cường chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc và sinh hoạt của CB, ĐV, CC, VC đơn vị mình quản lý. Qua đó góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm, chất lượng trong thực thi công vụ, được dư luận và nhân dân đồng tình, ủng hộ.
(HBĐT) - Vừa qua, Báo Hoà Bình nhận được đơn tố cáo của người dân tổ 5, phường Hữu Nghị (TP Hòa Bình) về những việc làm sai trái của bà Đỗ Thị Long. Theo nội dung phản ánh, trong quá trình làm tổ trưởng bà đã vi phạm những điều cấm mà đảng viên không được làm như:
Trước hiện trạng khách tham quan, phật tử ăn mặc phản cảm, cử chỉ không phù hợp khi vào chốn linh thiêng, thanh tịnh như đền chùa, Đại đức Thích Tâm Kiên, trụ trì chùa Một Cột (Ba Đình, Hà Nội) đã bày tỏ quan điểm riêng về vấn nạn “nhức mắt” này.