(HBĐT) - Những năm 60 của thế kỷ trước, thực hiện chính sách định canh, định cư của Đảng, đồng bào Dao sống cheo leo trên các sườn núi ở xóm Cáp, xã Bình Thanh (Cao Phong) đã hạ sơn định cư dưới chân núi. Sau gần 5 thập kỷ an cư, lạc nghiệp, cuộc sống đồng bào Dao đã có nhiều đổi thay nhưng vẫn nằm trong diện xóm đặc biệt khó khăn (vùng 135) cần được tiếp tục quan tâm, hỗ trợ để giảm nghèo.
Chúng tôi đến xóm Cáp đúng dịp xóm tổ chức giao lưu bóng chuyền giữa các khu dân cư. Từ nhiều năm qua, hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao được duy trì tổ chức vào các dịp lễ, tết, ngày kỷ niệm, tạo không khí sôi nổi và trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân nơi đây. Toàn xóm có 55 hộ với 268 nhân khẩu. Điều kiện phát triển kinh tế chính là nông nghiệp, tuy nhiên, xóm không có đất trồng lúa, hoàn toàn là đất màu, đất đồi núi với diện tích canh tác 60 ha. Đất sản xuất ít nên bà con tận dụng hết diện tích đất hiện có sản xuất quay vòng, không để đất trống, đồi trọc, phát triển chăn nuôi nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Với diện tích đất màu, bà con trồng các loại mía, sả, ngô; trên núi trồng bương, luồng; đầu tư chăn nuôi lợn. Một vài năm gần đây, nhiều hộ đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang các loại cây ăn quả như cam, bưởi…
Nhân dân xóm Cáp, xã Bình Thanh (Cao Phong) chăm sóc diện tích trồng sả tập trung.
ông Dương Tài Bút, một trong những hộ đầu tiên đưa cây có múi về trồng ở xóm cho biết: Diện tích đất trồng trọt của gia đình khoảng 800 m2, nhiều năm trước đây chỉ trồng mía. Qua tìm hiểu thấy một số hộ dân trong xã trồng các loại cây cam, bưởi cho thu nhập cao nên tôi học tập kiến thức, kinh nghiệm, kỹ thuật trồng cam ở thị trấn Cao Phong về đầu tư trồng 180 gốc cam thay thế cây mía, đến nay là năm thứ 3. Ngoài trồng cam, gia đình còn chăn nuôi lợn, trồng bương, luồng, sả để có thêm nguồn thu.
Với sự đầu tư của Nhà nước, tuyến đường chính của xóm dài khoảng 2 km được đổ bê tông tạo thuận lợi cho bà con đi lại. 100% hộ được sử dụng điện. Các hộ đầu tư đường ống dẫn nước từ trên núi, bể chứa nước tại nhà để có nguồn nước hợp vệ sinh. Hoạt động của các đoàn thể được đẩy mạnh, phát huy vai trò của các hội viên, đoàn viên cùng chung tay, góp sức xây dựng cuộc sống ổn định. Nhiều năm qua, địa bàn xóm không xảy ra mất trật tự hay vi phạm pháp luật, tai - tệ nạn xã hội, không có trẻ thất học, không có trường hợp tảo hôn hay sinh con thứ 3. Có vụ việc mâu thuẫn nào đều được hoà giải ngay từ cơ sở, bà con luôn phát huy tinh thần đoàn kết trong cộng đồng.
Chị Lý Thị Thanh, chi hội trưởng chi hội phụ nữ xóm chia sẻ: Hoạt động sinh hoạt hội luôn được chị em hăng hái, tích cực tham gia, nỗ lực phấn đấu phát triển kinh tế gia đình. Tuy nhiên do đất sản xuất ít, đời sống còn khó khăn nên nhiều người phải đi tìm việc bên ngoài, đi làm tại các công ty may mặc, điện tử. Chị em mong muốn có đất để sản xuất, được hướng dẫn, trang bị kiến thức chăn nuôi, trồng trọt, hỗ trợ về giống, vốn để đẩy mạnh phát triển kinh tế, tạo lập cuộc sống ổn định.
Xóm Cáp hiện còn 11 hộ nghèo, hơn 20 hộ cận nghèo. Năm 2016, thu nhập bình quân đầu người toàn xóm đạt 19 triệu đồng. Thiếu đất sản xuất, nhiều người trong xóm phải đi nơi khác làm phụ hồ, thợ xây, lao động tự do, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng hạn chế, thiếu vốn, kiến thức kỹ thuật… là những khó khăn, trăn trở của người dân xóm Cáp.
ông Phùng Sinh Sơn, trưởng xóm Cáp cho biết: Những năm qua, xóm được quan tâm đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng như điện, đường giao thông, nước sinh hoạt nhưng nhìn chung đời sống kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn, đất sản xuất ít trong khi nguồn thu nhập chính của bà con là từ sản xuất nông nghiệp với các loại cây trồng như ngô, sả, mía. Bà con mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục có những chính sách hỗ trợ hợp lý, thiết thực, nhất là về giống cây trồng, vốn đầu tư, kiến thức kỹ thuật để sử dụng hiệu quả diện tích đất hiện có mang lại nguồn thu nhập cao, tạo thêm nhiều việc làm giúp người dân nơi đây vượt qua rào cản đói nghèo, xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn, yên tâm an cư, lạc nghiệp.
Hà Thu
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ Nội vụ khẩn trương kiểm tra, làm rõ nội dung báo chí phản ánh, báo cáo Thủ tướng.
UBND tỉnh Thái Nguyên yêu cầu đánh giá mức độ trách nhiệm đối với sai phạm liên quan và việc hoàn thành chức trách, nhiệm vụ của 2 cá nhân.
UBKT Trung ương đã làm việc tại Bình Định về việc kiểm điểm những khuyết điểm, vi phạm của nguyên Bí thư Tỉnh ủy và Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy.
(HBĐT) - Từ đầu năm đến nay, trên cả nước đã xảy ra một số vụ ngộ độc rượu nghiêm trọng, gây tử vong nhiều người, điển hình tại xã Ma Ly Chải của huyện biên giới Phong Thổ (Lai Châu), phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy (Hà Nội)... Những vụ việc này gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh, đồng thời báo động tình trạng sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ rượu tại địa bàn tỉnh ta.
(HBĐT) - Trong quý I /2017, lực lượng chức năng Công an tỉnh đã tích cực phối hợp với ngành chức năng các địa phương tăng cường công tác kiểm tra tạm trú, tạm vắng, quản lý chặt chẽ nhân, hộ khẩu, tập trung vào các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT như khách sạn, nhà nghỉ... không để tội phạm lợi dụng ẩn náu. Theo đó, lực lượng chức năng đã kiểm tra 62 lượt cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT, phát hiện, xử lý hành chính 9 cơ sở vi phạm, đề nghị cấp có thẩm quyền ra quyết định xử phạt hành chính trên 45 triệu đồng.
(HBĐT) - Thời gian qua, BHXH huyện Lạc Sơn đã tăng cường phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể huyện đôn đốc, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt công tác BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp đảm bảo quyền và lợi ích cho người lao động trên địa bàn. Qua rà soát, tổng số người tham gia BHXH, BHYT bắt buộc toàn huyện có 4.604 người, tham gia BHXH tự nguyện 96 người, chỉ tham gia BHYT 140.245 người. Tổng số tiền thu bảo hiểm quý I /2017 đạt 38.785 triệu đồng.