(HBĐT) - Chợ mới được xây dựng khang trang trên khuôn viên rộng rãi, ở vị trí phù hợp không chỉ đảm bảo an toàn mà còn đáp ứng nhu cầu giao thương hàng hóa của người dân trong vùng. Không khí mua bán tấp nập, hàng hóa đa dạng đem lại niềm vui cho bà con ở xã NTM Phong Phú (Tân Lạc).
Chợ
Lồ, cái tên đã quá quen thuộc với người dân ở vùng Mường Bi cũng như các xã lân
cận. Bởi chợ đã có từ lâu, mỗi tuần họp 2 phiên vào các ngày thứ tư và thứ năm.
Đồng chí Bùi Văn Hải, Chủ tịch UBND xã Phong Phú cho biết: ở vị trí xây dựng
chợ hiện nay chính là địa điểm họp chợ đầu tiên ở xã Phong Phú. Sau này, chợ
chuyển ra ven quốc lộ 6 để thuận tiện giao thương hàng hóa. Thế nhưng, với sức
hút lớn, chợ ngày càng được nhiều bà con và tiểu thương tìm đến, trong khi đó,
khuôn viên chợ quá chật chội. Thêm nữa, do nằm ven quốc lộ 6 nên vào những
phiên chính, tình trạng ùn tắc thường xuyên xảy ra, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra
TNGT. Năm 2011, thực hiện chương trình xây dựng NTM, địa điểm xây dựng chợ đã
được quy hoạch lại và chuyển về địa điểm cũ (vẫn thuộc xóm Lồ) với khuôn viên
rộng và không cản trở đến giao thông. Năm 2013, chợ bắt đầu xây dựng, đến đầu
năm 2016, chính thức đi vào hoạt động.
Chợ Lồ mới được xây dựng khang trang
trên khuôn viên rộng, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con vùng Mường Bi đi mua
sắm.
"Trước đây, thứ
tư là phiên chợ đón, nghĩa là đón bà con ở các xã vùng cao về họp chợ, còn thứ
năm là phiên chợ chính. Thế nhưng, những năm gần đây, đường giao thông được xây
dựng, việc đi lại thuận tiện nên chỉ mất từ 30 phút đến 1 tiếng đồng hồ là bà
con đã về đến chợ rồi nên phiên nào cũng là phiên chính. Nhìn chung, sau 1 năm
đi vào hoạt động, việc mua bán vẫn diễn ra sầm uất, tình hình ANTT đảm bảo, đặc
biệt là không còn tình trạng ùn tắc, cản trở giao thông như ở phiên chợ trước
đây”, đồng chí Chủ tịch UBND xã Phong Phú cho biết thêm.
Chợ Lồ mới nằm cách quốc lộ 6 chừng 200 m, cách chợ cũ
300 mét. Có thể thấy, chợ được xây dựng khá khang trang với hệ thống tường bao
xung quanh chắc chắn. Trong chợ nhiều ki ốt được xây dựng kiên cố. Các mặt hàng
được phân chia thành từng khu vực khá khoa học. Ngoài thực phẩm, quần áo, nông
cụ, ở chợ Lồ còn bày bán mặt hàng thổ cẩm, trang phục đặc trưng của bà con dân
tộc Mường. Chị Bùi Thị Hồng, xã Địch Giáo, chủ một gian hàng thổ cẩm bày tỏ: "Chợ mới chắc phải rộng gấp 3 lần chợ trước
đây nên có cảm giác không đông vui bằng trước đây thôi chứ số lượng khách đến
chợ vẫn như trước. Chợ được xây dựng kiên cố, chúng tôi rất phấn khởi, mưa gió
cũng không ảnh hưởng đến hoạt động mua bán. Tôi đi bán hàng ở nhiều chợ, có chỗ
hở ra là mất đồ nhưng ở chợ Lồ, an ninh rất đảm bảo, chưa xảy ra mất mát bao
giờ”.
Ở Mường Bi, những phiên chợ đậm chất quê như này vẫn
tạo ra sự háo hức với không ít bà con. Có người ví von: "Một tuần chỉ có 2
phiên / Thanh niên nam, nữ ít tiền cũng đi”, ý là, chợ không chỉ là nơi mua bán
hàng hóa mà còn là nơi để hẹn hò. Thế nhưng, trong nhịp sống hiện đại ngày nay,
điều đó không còn đậm nét, chỉ rõ nhất vào những phiên chợ Tết. Trong phiên chợ
hôm nay, bà Bùi Thị Thành, xóm Chù Bụa, xã Mỹ Hòa (Tân Lạc) đến chợ khá sớm.
Mới hơn 8 giờ, bà Thành đã tay xách, nách mang những thực phẩm, đồ dùng mua ở
chợ. "Gia đình tôi thường xuyên đi mua hàng ở chợ Lồ vì các mặt hàng đa dạng,
muốn mua gì cũng có. Chợ chuyển vào đây và được xây dựng khang trang như thế
này thuận lợi cho việc trao đổi hàng hóa. Những năm trước đây, vào phiên chợ
Tết đông lắm, chợ họp ra cả ngoài lề đường, nguy hiểm cho người đi mua hàng
cũng như xe cộ qua lại. Bây giờ thì rộng rãi, chợ Tết cũng không lo phải chen
chúc như trước đây nữa”, bà Thanh chia sẻ.
Cuối năm 2015, xã Phong Phú đã cán đích NTM, hệ thống
cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng khang trang, đem lại cho xã diện mạo mới.
Chợ Lồ được xây dựng và đi vào hoạt động không chỉ đáp ứng nhu cầu mua bán,
trao đổi hàng hóa của bà con trong vùng mà còn tạo động lực để xã tiếp tục giữ vững và đạt được những thành quả
mới trong công cuộc xây dựng NTM.
Viết Đào