Khu vực trung tâm thị trấn Lương Sơn (Lương Sơn) đã đường thông, hè thoáng.
Trước thực trạng đó, ngày 10/2/2017, BTV Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 28 về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông. Ngày 31/3, tiếp tục ban hành Kế hoạch số 81 về triển khai "Tháng hành động thiết lập lại trật tự đô thị, bảo vệ hành lang giao thông, chống lấn chiếm và tái lấn chiếm lòng đường, hè phố”. Ngày 11/4, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 38 về triển khai Tháng hành động. Mục tiêu giải quyết triệt để tình trạng lấn chiếm, tái lấn chiếm vỉa hè, lòng, lề đường để SX-KD, buôn bán; lập lại trật tự hành lang giao thông, chỉnh trang đô thị, xây dựng tuyến phố văn minh, trả lại vỉa hè cho người đi bộ.
Thực hiện kế hoạch trên, trong tháng 4 đến tháng 5, các huyện, thành phố đã đồng loạt ra quân hưởng ứng Tháng hành động. Nhiều giải pháp đã được đưa ra như: tổ chức ký cam kết không vi phạm, tái phạm; sơn kẻ vạch vỉa hè; đẩy mạnh tuyên truyền; tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm; huy động nhiều lực lượng cùng tham gia… Thực tế đã có những chuyển biến tích cực, nhiều tuyến đường thông thoáng hơn. Đơn cử như đường Cù Chính Lan, phường Phương Lâm (TP Hòa Bình) sau đợt ra quân, tình trạng lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh, buôn bán cơ bản được khắc phục. Các hộ kinh doanh đã bày hàng hóa lùi vào trong vạch sơn, nhất là các điểm "nóng” trước đây như: cửa hàng vải Hường Lâm, cửa hàng xe đạp điện đầu cầu Hòa Bình, cửa hàng xe đạp đối diện cổng chợ Phương Lâm…
Tình trạng chợ cóc, chợ tạm lấn chiếm vỉa hè, lòng, lề đường trên QL6, đoạn qua trung tâm huyện Lương Sơn dai dẳng nhiều năm được giải quyết. Kết quả có được từ khi chợ trung tâm huyện Lương Sơn rộng 2 ha đi vào hoạt động, cùng sự ra quân mạnh của huyện… Song, sau một thời gian ra quân cho thấy, việc tái phạm hoặc tái phạm ngay khi lực lượng chức năng vừa làm nhiệm vụ xuất hiện ở nhiều tuyến đường. Trong khi đó, một số điểm "nóng” vẫn chưa có chuyển biến gì đáng kể.
Đồng chí Nguyễn Văn Vịnh, Phó Chánh thanh tra Sở GTVT cho biết: Bên cạnh các chợ phiên như chợ Bãi Chạo, chợ Rạnh (Kim Bôi), chợ ốc (Lạc Sơn), chợ Ngọc Mỹ (Tân Lạc)… gây ùn tắc giao thông vào các phiên chợ, còn một số chợ cản trở giao thông hàng ngày. Đó là chợ mía ở huyện Lạc Sơn, chợ Bãi Nai (Kỳ Sơn), chợ Tân Hòa (TP Hòa Bình)… Chưa kể một số trụ sở công cũng vi phạm hành lang, trong đó có những công trình mới như Trạm Y tế xã Đông Bắc, Tú Sơn (Kim Bôi)… Có trường hợp hành lang giao thông nằm trên đất đã được chính quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng từ trước. Đặc biệt, có hành vi phá hoại công trình đường bộ. Cụ thể như trường hợp ông Trần Văn Đón ở xã Võng La, huyện Đông Anh (Hà Nội) tháo dỡ 2 đoạn tường hộ lan tôn sóng dài 12 m tại km 86 + 160(P) trên QL21 thuộc xã Lạc Long (Lạc Thủy). Thanh tra Sở đã lập biên bản vi phạm hành chính và hoàn tất hồ sơ, bàn giao cho huyện để ra quyết định xử phạt theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, đến ngày 15/5, đoàn kiểm tra của Sở phát hiện 1 đoạn tường hộ lan tôn sóng có dấu hiệu tiếp tục bị tháo dỡ. Đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông nhưng chưa được giải quyết kịp thời, tiềm ẩn TNGT. Từ đầu năm đến hết tháng 4, Thanh tra sở đã phát hiện, lập biên bản vi phạm hành chính 21 vụ với số tiền 237,5 triệu đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu: xây dựng nhà tạm, lều quán trái phép trong phạm vi đất dành cho đường bộ; thi công không có giấy phép; mở đường nhánh đấu nối trái phép vào đường chính… Hiện nay, bước vào mùa thu hoạch lúa, lo ngại tình trạng phơi nông sản trên lòng đường; tuốt lúa, đốt rơm, rạ ở lề đường khói mù mịt, hạn chế tầm nhìn, tiềm ẩn TNGT.
Để đạt kết quả như kế hoạch đã đề ra, theo Giám đốc Sở GTVT Bùi Văn Thắng cần tập trung tuyên truyền kết hợp ký cam kết hướng tới sự đồng thuận, tự giác chấp hành của người dân. Xác định từng khu vực, địa điểm trọng điểm thường xuyên xảy ra vi phạm để tập trung lực lượng. Tổ chức cưỡng chế, giải tỏa vi phạm theo quy định của pháp luật; xác định rõ phạm vi, chỉ giới. Công tác quản lý đô thị, hành lang giao thông cần làm quyết liệt, triệt để, kiên trì, không để tình trạng "bắt cóc bỏ đĩa”, lúc làm, lúc không. Song, không rập khuôn, máy móc; nghiên cứu sắp xếp nơi bán hàng cho các hộ kinh doanh nhỏ. Gắn trách nhiệm của người đứng đầu; cần sâu sát, kiểm tra việc thực hiện của cấp dưới, tránh chỉ nghe báo cáo mà không kiểm chứng thực tế. Thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 28 của BTV Tỉnh ủy. Trong đó, đáng chú ý là đưa nội dung này vào sinh hoạt định kỳ của chi bộ Đảng. Nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các điểm đấu nối đường nhánh vào quốc lộ phù hợp với quy định. Tăng cường công tác phối hợp giữa các lực lượng…
Cẩm Lệ