Bão gây thiệt hại nặng Theo báo cáo nhanh của tỉnh Nghệ An, bão số 2 đã làm bà Nguyễn Thị Mai ở khối 8, phường Quỳnh Thiện (thị xã Hoàng Mai) chết do bị sập xà mái tôn đè vào người; 57 ngôi nhà bị sập, cây đè hay sạt lở; hơn 4.500 ngôi nhà và ki-ốt bị tốc mái hay hư hỏng; 26 điểm trường, 156 phòng học bị hư hỏng. Hơn 23 nghìn ha lúa, hoa màu và cây lưu niên bị ngập hay hư hại; gần 83 nghìn cây xanh bị đổ; hàng trăm héc-ta rừng bị hư hỏng; nhiều tuyến đường giao thông quốc lộ, tỉnh lộ bị sạt lở hay bị ngập; có 5.757 cột điện trung thế và hạ thế bị gãy đổ, ba trạm biến áp bị ngập, hư hỏng và 11 km đường dây bị đứt. Một tàu đánh cá 48 CV bị chìm và ba thuyền đánh cá nhỏ khác bị vỡ. Ðáng chú ý, tại khu neo đậu, tránh trú bão Hòn Ngư có gió giật cấp 12 đã làm tàu VTB 26 có tải trọng 5.100 DWT, chở 4.700 tấn than cùng 13 người trên tàu đã bị sóng nhấn chìm vào lúc 2 giờ 10 phút ngày 17-7. Tỉnh Nghệ An đã thành lập Ban chỉ đạo tìm kiếm cứu nạn tàu VTB 26 do Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ðắc Vinh và Cục trưởng Hàng hải Việt Nam Nguyễn Xuân Sang trực tiếp chỉ đạo. Ðến chiều ngày 17-7, lực lượng cứu hộ đã tìm kiếm và cứu sống được bảy người, đồng thời, vớt được ba thi thể (nghi là nạn nhân trên tàu VTB 26) trôi dạt trên biển.
Tàu cá của ngư dân xã Quảng Ðông, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) bị sóng đánh tan tành. Cùng với Nghệ An, Hà Tĩnh là một trong hai địa phương nằm trong vùng tâm bão. Với cường độ gió mạnh, chuyển biến mau lẹ, khi đi vào đất liền, bão số 2 đã đánh sập một nhà dân và 45 ki-ốt, làm tốc mái 45 nhà dân, bốn trường học và một trụ sở UBND xã. Toàn tỉnh có 3.026 ha lúa và 1.083 ha hoa màu bị ngập, úng và hơn 230 ha cây ăn quả bị gãy, đổ. Ngoài ra, Hà Tĩnh có tám tàu cá bị sóng đánh chìm trong khu vực tránh, trú bão. Nghi Xuân là địa phương chịu nhiều tổn thất nhất khi cơn bão đổ bộ vào đất liền. Theo Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân Nguyễn Hải Nam, với cường độ gió mạnh, diễn biến bất thường, những thiệt hại về vật chất khó có thể tránh được, song điều đáng mừng là huyện đã hạn chế đến mức thấp nhất những ảnh hưởng đến an toàn tính mạng của con người. Cơn bão số 2 cũng đã gây nhiều đợt gió giật mạnh, làm sóng lớn đánh chìm, vỡ hàng chục tàu cá của ngư dân đang neo đậu ở cảng Hòn La, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình), gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Ngư dân Lê Văn Khanh, ở thôn Vĩnh Sơn, xã Quảng Ðông, huyện Quảng Trạch thẫn thờ cho biết: Chiều 16-7, biết tin có bão, tôi đã cho tàu vào khu neo đậu cảng Hòn La và cẩn thận chằng chéo bằng ba dây neo, nhưng không ngờ đêm qua gió lớn, gây sóng mạnh đã đánh vỡ con tàu. Sáng sớm nay chạy ra thấy thân tàu vỡ toang trên đá, phần máy không biết chìm ở mô. Con tàu này gia đình tôi vừa nhận tiền đền bù sau sự cố ô nhiễm môi trường biển và vay thêm tiền ngân hàng để đóng và mới đi được mấy chuyến biển, bây giờ hư hỏng thế này chưa biết gia đình sinh sống ra sao? Cạnh đó, ngư dân Nguyễn Văn Xuân ngồi bần thần nhìn chiếc tàu cá của mình đang nửa nổi, nửa chìm bên mé biển. Ông Xuân cho biết, khi xảy ra sự cố ô nhiễm môi trường biển, chiếc tàu cá cũ của gia đình ông phần lớn nằm bờ nên bị hư hỏng. Gần đây, khi biển an toàn trở lại, ông đã đầu tư số tiền lớn để sửa sang lại con tàu để ra khơi đánh bắt. "Mới mấy tháng đánh bắt, chưa trả xong nợ, chừ tàu bị vỡ, chìm, coi như cả gia tài của gia đình đã bị bão đánh tan" - ông Xuân nghẹn ngào nói. Ngư dân Huỳnh Phúc ở tỉnh Quảng Ngãi cho biết, cặp tàu cá QN 94793TS và QN 98326TS của gia đình anh thường xuyên đánh bắt trên vùng biển Quảng Bình cho nên nghe có gió bão thì vào tránh trú ở vịnh Hòn La, không ngờ đêm qua, gió bão đã làm chìm cả hai chiếc, thiệt hại khoảng bốn đến năm tỷ đồng. Tính đến 13 giờ ngày 17-7, tại 17 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh Thanh Hóa, mưa, bão số 2 làm ngập 2.145 ha lúa; gãy đổ, hư hỏng hơn 680 ha ngô, gần 785 ha mía, 387 ha rau màu, 1.224 cây lâm nghiệp, 7.419 cây xanh; sập đổ 10 nhà ở, tốc mái 282 nhà ở, 300 m2 mái trường học. Mưa bão số 2 còn làm sạt lở 305 m đê, kênh; sáu điểm trên các tuyến giao thông liên xã, sáu điểm trên tỉnh lộ 512, các quốc lộ 217, 47, 15C; làm đổ 537 cột điện hạ thế, hai cột điện trung thế, hai cột điện viễn thông ở các địa phương trong tỉnh. Hiện Công ty TNHH một thành viên sông Chu đang vận hành 15 trạm bơm, 45 máy bơm, công suất bơm 2.500 m3/giờ/máy nhằm chống ngập úng lúa, hoa màu do bão số 2 gây ra. Cần khắc phục tâm lý chủ quan Ngay sau khi áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão số 2, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống thiên tai Hoàng Văn Thắng đã lưu ý các địa phương, đây là cơn bão có diễn biến phức tạp, cho nên các địa phương cần theo dõi sát diễn biến cơn bão, sẵn sàng phương án bảo đảm an toàn người và tài sản của nhà nước và nhân dân. Mặc dù chỉ đạo sát sao, nhưng khi bão đổ bộ vẫn gây thiệt hại lớn. Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) Nguyễn Xuân Ðạt cho biết, cảng Hòn La là vịnh kín gió, là nơi neo đậu tránh trú bão của hầu hết loại tàu trên biển khi hoạt động trong khu vực, nhất là tàu của ngư dân địa phương. Người dân đã chủ động đưa tàu thuyền vào bờ neo đậu chứ không phải chủ quan đánh bắt khi bão đến gần dẫn đến thiệt hại. Việc để xảy ra thiệt hại lớn về tài sản sau bão số 2 ngay trong khu vực tránh trú bão như thế thật đáng buồn. Theo đồng chí Lê Minh Ngân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, mặc dù Quảng Bình không phải tâm bão nhưng do hoàn lưu của bão kèm theo lốc xoáy, mưa lớn đã gây ra thiệt hại lớn cho ngư dân, cán bộ, chiến sĩ quân đội, ngư dân trong tỉnh và ngoài tỉnh tại khu vực Hòn La. Theo phản ánh của phần lớn người dân tỉnh Hà Tĩnh, bên cạnh những diễn biến bất thường, khó lường của thời tiết, tâm lý chủ quan của một bộ phận người dân là nguyên nhân chính gia tăng những thiệt hại về tài sản trong cơn bão số 2 vừa qua. "Lẽ ra, khi có thông báo của đài khí tượng thủy văn, công điện của UBND tỉnh về tình hình, sự nguy hiểm của cơn bão, người dân cần sẵn sàng các phương án ứng phó như: chằng chéo, gia cố nhà cửa, ki-ốt... Tuy nhiên, do chủ quan vì cơn bão đổ bộ vào mùa hè cho nên bà con vẫn lơ là, mất cảnh giác khiến không ít ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng", anh Trần Ngọc Bùi ở thôn Lâm Hoa, xã Xuân Liên, Nghi Xuân (Hà Tĩnh) nói. Tại hội nghị trực tuyến khắc phục hậu quả bão số 2 của Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống thiên tai được tổ chức sáng 17-7, Thiếu tướng Trương Ðức Nghĩa, Văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn cho rằng cần rút kinh nghiệm sâu sắc trong vụ chìm tàu VTB 26 tại đảo Hòn Ngư. Cần kiểm tra lại phương tiện cứu hộ, cứu nạn trên các tàu. Nếu có phao, ca-nô cứu sinh tập thể hoặc có phương tiện kích hoạt vị trí thì không có tai nạn như thế này. Về phía địa phương cũng phải kiểm tra lại chỗ neo đậu, tại sao kêu gọi được dân mà tàu to lại chìm? Ðồng quan điểm với Thiếu tướng Trương Ðức Nghĩa, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Ðình Dũng cho rằng: Nếu tránh trú đúng chỗ, vào sớm thì tàu VTB 26 sẽ không có vấn đề gì xảy ra. Vì vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu, Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống thiên tai tổ chức thường trực theo dõi, tổng hợp diễn biến mưa lũ, đôn đốc, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các biện pháp cụ thể đối phó với mưa lũ; đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo khi vượt thẩm quyền. Do tình hình mưa bão còn nhiều diễn biến phức tạp, Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai cần nhanh chóng rút kinh nghiệm, kể cả những mặt được, mặt còn hạn chế trong tổ chức chỉ đạo, ứng phó kịp thời với mọi diễn biến về thiên tai. |
Theo Nhandan