Thấy giống bưởi ăn ngon, người dân đã nhân rộng ra quanh vùng. Hiện nay cây bưởi đỏ được nhiều địa phương đến lấy giống về trồng.
Gốc bưởi tổ đã cằn và chết nhưng giống bưởi này được người dân chiết cành và trồng ra cả vùng Tân Lạc. Hai người con gái của ông út là Nguyễn Thị Nụ và Nguyễn Thị Khánh giờ đã lên chức bà. Mỗi gia đình sở hữu cả ha bưởi đỏ, trên dưới 300 cây, mấy năm nay đều đặn thu hàng trăm triệu đồng.
Giống bưởi đỏ được nhân rộng tăng nhanh, từ chỗ chỉ có trên 10 ha đã lên tới hàng trăm ha. Riêng xã Đông Lai đã có 150 ha, trong đó 1/3 diện tích đang thu hoạch. Từ năm 2014 đến nay, người trồng bưởi Tân Lạc thắng lớn, giá đầu vụ tại vườn 20.000 đồng/quả, rồi tăng lên 25.000 - 27.000 đồng/quả, giáp Tết tới 40.000 - 50.000 đồng/quả vẫn cháy hàng. Bưởi tính ra thu nhập theo gốc, trung bình mỗi gốc 200 quả.
Theo ông Vũ Quang Hùng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tân Lạc, năm nay huyện triển khai tập huấn, hướng dẫn bà con ở xã Đông Lai chăm sóc bưởi theo tiêu chuẩn VietGap. Trước vụ thu hoạch sẽ có 30 ha được chứng nhận. Việc này nằm trong chuỗi cung ứng thực phẩm sạch của tỉnh Hòa Bình. Bưởi có thương hiệu, bà con sẽ bán được giá cao hơn.
Còn 1 tháng nữa bưởi đỏ mới đến kỳ thu hoạch, nhưng tư thương ở khắp nơi đã đổ về Tân Lạc để đặt hàng. Thương lái muốn mua cả vườn, nhưng các hộ trồng bưởi vẫn dửng dưng không muốn bán. ông Nguyễn Đức Cảnh - hộ trồng bưởi ở xã Đông Lai chia sẻ. Mấy năm gần đây, cuối năm bao giờ giá bưởi cũng tăng lên 35.000 - 40.000 đồng/quả. Tư thương muốn mua cả vườn với giá 20.000 - 25.000 đồng/quả nên bà con không muốn bán. Hơn nữa, bưởi đỏ phải chín đúng vụ ăn mới đạt chất lượng.
Được biết, toàn huyện Tân Lạc đã trồng được trên 700 ha bưởi, trong đó trên 300 ha đã cho thu hoạch. Một ha bưởi bà con trồng được 180 - 200 cây. Mỗi cây bưởi bình quân cho thu 6 triệu đồng. So với các hộ trồng cam ở Cao Phong, người Tân Lạc tự hào 1ha bưởi có thể thu tiền tỷ trong tầm tay.
H.T