Từ vốn vay ưu đãi của NHCSXH, hộ anh Lý Trung Bình, xóm Rãnh, xã Toàn Sơn (Đà Bắc) đầu tư phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.
Gia đình chị Dương Thị Quyết và anh Lý Trung Bình ở xóm Rãnh, xã Toàn Sơn trước đây thuộc diện hộ nghèo, không có nguồn vốn để đầu tư sản xuất, chăn nuôi. Cả gia đình 5 khẩu trông chờ vào ruộng mía với vườn dong. 2 vợ chồng cùng làm nông, lúc nông nhàn thì chồng đi làm phụ xây. Dù chăm chỉ, chịu khó nhưng nghèo đói vẫn đeo bám mãi. Cả gia đình ở trong ngôi nhà tranh lụp xụp. Năm 2013, gia đình anh chị mạnh dạn vay 30 triệu đồng đầu tư trồng keo và mua 2 con bò. Tích cóp dần từng đồng vốn, gia đình chị mua vật tư, phân bón chăm sóc vườn mía, vườn dong riềng xanh tốt, năng suất cao. Đến năm 2016, gia đình chị được vay tiếp 25 triệu đồng từ chương trình nhà ở cùng sự giúp đỡ của anh em, họ hàng xây được ngôi nhà cấp 4 diện tích 100 m2, trị giá 120 triệu đồng. Ngồi trong ngôi nhà mới còn nồng mùi vôi, anh Bình không giấu được xúc động: "Để có được cuộc sống như ngày hôm nay, gia đình cảm ơn NHCSXH nhiều lắm! Lúc vợ chồng ra ở riêng, cuộc sống khó khăn đủ bề, nhờ nguồn vốn ưu đãi và sự hướng dẫn tận tình của cán bộ NHCSXH, mình đầu tư trồng keo và mua bò về chăn nuôi, từng bước vượt qua khó khăn, khoảng 2 năm nữa, rừng keo cho thu hoạch, gia đình mình sẽ trả hết nợ ngân hàng và vươn lên thoát nghèo bền vững”.
Cán bộ chuyên trách XĐGN xã Toàn Sơn Triệu Thị Thuỷ cho biết: Xã Toàn Sơn hiện có hơn 600 hộ với 2.439 nhân khẩu, trong đó, đồng bào Dao chiếm gần 50% dân số, đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn. Được sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi của phòng giao dịch NHCSXH huyện, đến nay, xã có 9 tổ TK&VV thực hiện 11 chương trình tín dụng ưu đãi với hơn 400 hộ dân trong xã được vay vốn dư nợ hơn 15 tỷ đồng để đầu tư mở rộng sản xuất chăn nuôi, xây dựng nhà ở, xây dựng công trình nước sinh hoạt... trong đó, dư nợ chương trình hộ nghèo cao nhất trên 5,2 tỷ đồng, chương trình hộ cận nghèo trên 2,7 tỷ đồng... Xã cũng huy động tiền gửi tiết kiệm được trên 191 triệu đồng. Xã không có xâm tiêu, chiếm dụng vốn. Nhờ nguồn vốn ưu đãi kết hợp hoạt động khuyến nông - khuyến ngư, hội nghị tập huấn, chuyển giao KH-KT của ngành nông nghiệp được tổ chức xuống cơ sở cho nên trong những năm gần đây đã giúp cho hàng trăm hộ dân trên địa bàn thoát nghèo bền vững, nhiều hộ đã vươn lên khá giả. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn trên 48%, hộ cận nghèo 20%, thu nhập bình quân đầu người đạt 21 triệu đồng.
Có thể nói, hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã góp phần không nhỏ vào vấn đề đảm bảo an sinh xã hội. Người nghèo trên địa bàn xã có thêm cơ hội thuận lợi vay vốn để sản xuất, giúp thoát nghèo bền vững và làm giàu trên mảnh đất quê hương. Trong thời gian tới, xã chú trọng chất lượng tín dụng, chất lượng hoạt động của các tổ TK&VV; nâng cao hiệu quả hoạt động tại điểm giao dịch xã, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tạo điều kiện thuận lợi, kịp thời cho các hộ gia đình trong việc tiếp cận, tìm hiểu thông tin cũng như thực hiện các quy trình, thủ tục vay vốn và trả nợ, trả lãi tiền vay.