Cùng cán bộ Hội Phụ nữ thị trấn Thanh Hà, chúng tôi có dịp chứng kiến một buổi thu gom phế liệu của chị em chi hội khu Thống Nhất. Không phải ngày nghỉ nhưng 8 giờ sáng, các chị em đã tập trung đông đủ tại nhà văn hóa xóm. Mỗi người đều có một túi vỏ lon, vỏ hộp nhựa đã được phân loại cẩn thận. Trong số những hội viên mang phế liệu đến thu gom có khá nhiều hội viên phụ nữ đã cao tuổi. Nhiều hội viên vừa nộp phế liệu, vừa tham gia ủng hộ khoản tiền nhỏ cho quỹ. Buổi thu gom còn có sự chứng kiến của chi ủy, ban công tác mặt trận khu Thống Nhất. Chỉ 1 buổi sáng, mấy chục cân phế liệu đã được chị em phân loại, đóng bao cẩn thận, tất cả đều được vào sổ một cách công khai, minh bạch.
Hội viên phụ nữ chi hội Thống Nhất, thị trấn Thanh Hà (Lạc Thủy) phân loại phế liệu gây quỹ giúp hội viên nghèo.
Chị Đỗ Thị Đan, chi hội trưởng phụ nữ khu Thống Nhất cho biết: Sau khi Hội Phụ nữ thị trấn Thanh Hà phát động xây dựng mô hình thu gom phế liệu, ban đầu đa phần chị em nghĩ vừa mất thời gian thu lượm nhưng khi bán lại chẳng được bao nhiêu nên thường vứt bỏ. Tuy nhiên, sau khi vận động và hướng dẫn, các chị em đã hiểu được ý nghĩa của việc thu gom phế liệu. Đặc biệt, sau lần đầu thu gom, Hội thu được nguồn vốn giúp hội viên nghèo mua 60 con gà giống để chăn nuôi thì đến nay, tất cả các hội viên đều nhận thức được ý nghĩa của việc thu gom phế liệu không chỉ sạch nhà, gọn vườn mà còn tạo được nguồn vốn để giúp đỡ hội viên khó khăn. Vì vậy, chị em tích cực tham gia, nhiều chị vừa thu gom phế liệu, vừa đóng góp ủng hộ tiền quỹ.
Hội phụ nữ thị trấn Thanh Hà có hơn 500 hội viên, sinh hoạt tại 6 chi hội. Hiện nay, 4/6 chi hội đã tham gia mô hình thu gom phế liệu do Hội Phụ nữ thị trấn phát động. Chia sẻ về mô hình này, chị Nguyễn Thị Hoa, Chủ tịch Hội Phụ nữ thị trấn Thanh Hà cho biết: Nhận thấy việc vận động hội viên thu gom rác thải đúng nơi quy định, không vứt phế phẩm độc hại ra môi trường… không chỉ có ý nghĩa về mặt môi trường mà còn đem lại lợi ích về kinh tế, vì vậy, Hội đã chủ động xây dựng mô hình này. Ban đầu mô hình được làm điểm tại thôn Đoàn Kết, sau 3 tháng thu gom, chi hội Đoàn Kết đã gây được nguồn quỹ 1 triệu đồng để tặng 1 sổ tiết kiệm cho hội viên khó khăn. Từ thành công của chi hội Đoàn Kết, Hội quyết định nhân rộng mô hình. Để mô hình được triển khai sâu rộng trong các hội viên và nhân dân, Hội đã phối hợp chặt chẽ với các cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở tăng cường tuyên truyền, vận động để không chỉ hội viên mà tất cả người dân đều nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường và hiểu được ý nghĩa của hành động thu gom phế liệu. Tuy nhiên, hội viên phụ nữ phải là lực lượng nòng cốt và phải thực hành trước để từ đó hình thành thói quen trong chính gia đình mình.
Sau gần 1 năm triển khai, số tiền thu được từ mô hình gần 4 triệu đồng. Từ nguồn quỹ này, Hội Phụ nữ thị trấn Thanh Hà tặng 3 sổ tiết kiệm cho 3 hội viên khó khăn, tặng 90 con gà giống cho 3 hội viên và tặng một phần quà là các nhu yếu phẩm cho 1 hội viên khó khăn. Từ thành công của mô hình đã thực sự tạo được sự hưởng ứng nhiệt tình không chỉ của Hội phụ nữ mà cả nhân dân trong khu dân cư, đồng thời, chị em đã chủ động phân loại rác, phế liệu để tiện cho thu gom cũng như không gây ô nhiễm môi trường.
P.L
HBĐT) - Ban Cứu trợ - UBMTTQ tỉnh vừa ban hành Quyết định số 206/QĐ-BCT và Quyết định số 207/QĐ-BCT về việc hỗ trợ kinh phí khắc phục thiệt hại do hoàn lưu áp thấp nhiệt đới gây ra.