Thiệt hại nặng nề
Đã hơn nửa tháng kể từ khi diễn ra trận sạt lở kinh hoàng ở xóm Khanh, xã Phú Cường nhưng không khí đau thương, ảm đạm vẫn bao trùm vùng quê nghèo. Chẳng ai có thể ngờ rằng, chỉ sau một tiếng nổ lớn, kèm theo những cơn mưa như trút đã khiến hàng nghìn m3 đất, đá ập xuống từ thác Khanh, đổ sập, vùi lấp 6 căn nhà và cướp đi sinh mạng của 18 người xấu số. Trong căn nhà sàn xơ xác, chị Đinh Thị Xuân chưa thể nào nguôi ngoai trước sự ra đi của chồng là anh Đinh Công Sinh (41 tuổi). Trong nước mắt chị kể, đêm đó khoảng gần 1 giờ sáng, anh Sinh thấy mặt đất rung chuyển, biết là có nguy hiểm nên đã vội chạy sang nhà hàng xóm gọi họ thức dậy di tán. Không ngờ anh ra đi mãi mãi, để lại tôi với 3 đứa con đang tuổi ăn, tuổi lớn.
Nói về những thiệt hại do mưa lũ gây ra, Chủ tịch UBND huyện Tân Lạc Đinh Công Sứ khẳng định, đây là thảm họa lớn nhất mà huyện phải gánh chịu trong hàng chục năm trở lại đây.
Đồng chí Đinh Văn ổn, Tổng biên tập Báo Hòa Bình thăm hỏi, tặng quà hỗ trợ người dân xã Phú Cường (Tân Lạc) bị thiệt hại do mưa lũ.
Theo thống kê của UBND huyện Tân Lạc, ngoài những thiệt hại về người, nhà ở, sản xuất nông - lâm nghiệp… cơ sở hạ tầng của huyện cũng bị thiệt hại lớn do mưa lũ. Một số công trình hạ tầng giao thông trên địa bàn các xã bị nứt vỡ; một số tuyến đường hư hỏng, ảnh hưởng đến giao thông, đi lại. Cụ thể như ngầm Hói Đai (xã Ngọc Mỹ) bị phá hủy hoàn toàn; ngầm tràn xóm Quắn (xã Gia Mô) bị vỡ nứt; cầu treo xóm Tân Vượng (xã Lỗ Sơn) bị đứt dây neo cáp và móng nối gây mất an toàn; tuyến đường ĐH.56 từ xã Lũng Vân đi xã Bắc Sơn có trên 25 điểm sạt lở mái taluy âm, dương, một số điểm sạt lở nghiêm trọng gây ách tắc…
Sát cánh cùng nhân dân vùng mưa, lũ
"Cơn lũ dữ đi qua đã gây ra thiệt hại nặng nề về người và tài sản, cuốn theo bao chắt chiu của những ngày lao động vất vả, khiến người dân ở vùng lũ phải đối mặt với hàng loạt khó khăn. Chính lúc này, sự sát cánh của Đảng bộ, chính quyền, bà con chòm xóm, sự động viên, hỗ trợ của các tổ chức, nhà hảo tâm… là rất cần thiết” - đồng chí Chủ tịch UBND huyện Tân Lạc nhận định.
Theo đó, huyện tiếp tục tăng cường công tác thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng các chủ trương, chỉ thị, công điện, mệnh lệnh về công tác phòng- chống thiên tai; truyền phát tin, cảnh báo thiên tai theo quy định; phân công các đồng chí trong Thường trực Huyện ủy trực tiếp phụ trách, rà soát các vùng xung yếu… Đồng thời, ngay sau mưa lũ, UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn tích cực triển khai các biện pháp hỗ trợ khắc phục thiệt hại, như: tổ chức cứu trợ khẩn cấp; di dời khẩn cấp 137 hộ ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở, huy động dân quân, công an viên dựng lại nhà và làm nhà tạm cho các hộ phải di dời; tổ chức phun tiêu độc, khử trùng, vệ sinh nhà cửa, thôn xóm…
Tại xã Phú Cường, huyện chỉ đạo chính quyền trực tiếp đứng ra tổ chức tang lễ cho các gia đình có người tử nạn, hỗ trợ mỗi nạn nhân 3 triệu đồng. Ngoài việc huy động lực lượng hỗ trợ dựng lại nhà cho các hộ bị thiệt hại, huyện còn trang bị các vật dụng tối thiểu cho sinh hoạt, giúp người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống. Với nguồn hàng, tiền mặt cứu trợ từ các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm trong cả nước gửi về thời gian qua, huyện Tân Lạc giao Phòng LĐ-TB&XH đứng ra tiếp nhận, cân đối, điều tiết đảm bảo mọi người dân bị ảnh hưởng do đợt mưa, lũ vừa qua đều được hỗ trợ.
Đồng chí Đinh Công Sứ, Chủ tịch UBND huyện Tân Lạc chia sẻ thêm: Hiện nay, huyện rất cần nguồn lực hỗ trợ khắc phục thiệt hại về cơ sở hạ tầng thiết yếu, đồng thời bố trí vùng tái định cư cho 312 hộ sinh sống trong vùng có nguy cơ sạt lở nhằm sớm ổn định sinh hoạt, sản xuất của nhân dân trên địa bàn.
Hải Yến
(HBĐT) - Phát huy tinh thần "Tương thân tương ái”, chung tay cùng cộng đồng chia sẻ mất mát, khó khăn do thiên tai lũ bão, Viễn thông A Hòa Bình và Văn phòng Tổng đại lý Prudential Hòa Bình 2 đã tổ chức phát động đến toàn thể nhân viên quyên góp ủng hộ đồng bào lũ lụt. Kết quả, đã quyên góp ủng hộ được 40 triệu đồng.