Đoàn Kết không xa, nhưng đời sống của người dân còn khó khăn nhiều lắm! Nhà giáo Quản Mai Thanh, Hiệu trưởng Trường Mầm non tư tục Sao Mai đã mở lời như vậy khi đoàn bắt đầu khởi hành. Thật vậy, Đoàn Kết không xa, nếu tính từ thành phố Hòa Bình đến trung tâm xã áng chừng chỉ khoảng trên dưới 60 km, nhưng 2 chiếc xe ì ạch bò mất gần 3 tiếng đồng hồ. Vừa đi, nhà giáo Quản Mai Thanh vừa kể: Đà Bắc xưa thế nào, giờ ra sao và vì sao lại chọn Trường Mầm non xã Đoàn Kết là nơi để trao những món quà do nhà trường và cha mẹ học sinh Trường Mầm non sao Mai quyên góp, ủng hộ…!
Các cô giáo Trường Mầm non tư thục Sao Mai – TP Hòa Bình thăm Trường mầm non xã Đoàn Kết, ngôi trường đã bị xuống cấp sau cơn mưa lũ lịch sử tháng 10/2017.
Chúng tôi có mặt ở Đoàn Kết vào khoảng 11 giờ trưa. Trời rét ngọt, lắc rắc những hạt mưa xuân khiến mọi người cùng co rúm lại khi bước chân xuống đường. Đón đoàn ở cổng Trường Tiểu học, chị Hà Thị Kim Phượng, hiệu trưởng Trường Mầm non xã Đoàn Kết tất tả làm hoa tiêu chỉ đường cho chiếc xe chở hàng di chuyển. Vừa đi chị vừa kể: Trong đợt mưa lũ lớn (9-12/10/2017) vừa qua, chi chính Trường Mầm non xã Đoàn Kết bị sạt lở: đất, đá, bùn ập xuống toàn bộ lớp học của nhà trường bị hỏng nặng không thể khắc phục được. Lớp học, và nhà ở của giáo viên ngập tới khoảng 3m. Hầu hết tài sản cán bộ giáo viên, nhân viên ở bán trú tại trường đều bị lũ cuốn trôi. Không có lớp học, các cháu nhỏ đã phải nghỉ ở nhà trong thời gian dài. Khi cơn lũ đi qua, nhà trường đã kêu gọi sự chung tay giúp đỡ của các bậc phụ huynh và bà con nhân dân xóm Cang san đất, kè lại sân nhà văn hóa xóm để làm chỗ học tạm cho các cháu. Còn các cô giáo thì được di chuyển về ở nhờ trong khuôn viên của Trường tiểu học cho đến nay.
Dồn sức "cứu hộ” chiếc xe sa vào vũng trơn lầy ( xóm Khem xã Đoàn Kết).
Xếp xong đồ đạc xuống nơi ở tạm ( Trường tiểu học), chị Phượng dẫn đoàn đi thăm ngôi trường cũ nằm chênh vênh trên bờ hồ Cang. Toàn cảnh ngôi trường giờ đổ nát, xập xệ, nhìn những món đồ dùng, đồ chơi của trẻ nhỏ còn sót lại trên mặt sân lồi lõm ai nấy đề cảm thấy buốt lòng. Đến lớp học mới của các cháu nhỏ, sự thương cảm tăng lên bội phần. Nhà văn hóa xóm nằm chon von bên lề đường gió lùa lạnh buốt. Nhà vệ sinh của các cháu, cô phải quây tạm bằng tấm bạt gai không mấy lành lặn. Trong phòng được trải bằng đôi tấm thảm mỏng tang, đồ dùng đồ chơi hầu như không có. Qua lời giới thiệu của chị Phượng đây là lớp học của 39 cháu mẫu giáo. Còn hơn chục cháu nhỏ (lớp nhà trẻ) thì đang phải học nhờ ở nhà dân. Đó là ngôi nhà sàn vách gỗ gió lùa lạnh buốt, thực sự không đảm bảo sức khỏe cho các con.
Khi hỏi, hiện tại nhà trường cần gì nhất, không chút đắn đo chị Phượng trả lời: lớp học cho các con và chỗ ở cho các cô bán trú. Thực tế, sau khi cơn lũ đi qua cũng có khoảng chục đoàn là cơ quan, tổ chức, các nhà hảo tâm đến thăm hỏi, tặng quà. Nhưng vì chưa có lớp học nên số quà tặng kia tạm thời được chia đều về các chi trường ở 5 xóm ( dù không bị ảnh hưởng mưa lũ nhưng cũng hết sức khó khăn). Lần này, cán bộ, giáo viên Trường Mầm non tư thục Sao Mai đã đến thăm tặng cho nhà trường 1 bộ âm ly, đồ dùng, đồ chơi cho trẻ nhỏ trị giá 20 triệu đồng và 18 thùng quần áo trẻ em do nhà trường vận động quyên góp. Thiết thực lắm! chị em cán bộ giáo viên chúng tôi hết sức cảm động . Chỉ mong sớm dựng lại ngôi trường mới để các em được sử dụng những món quà đầy nghĩa tình này.
13h30, gọn gẽ lời từ biệt xe mới lăn bánh trở về nơi xuất phát. Trời âm u, phủ lên nếp nhà, sườn núi một màu nâu trầm, rét mướt. Đói, rét , áo quần bê bết những bùn, đất nhưng không ai phàn nàn lấy nửa lời, ngược lại, trong tim mỗi người còn đong đầy xúc cảm. Muốn trở lại, muốn làm gì đó hơn thế để các em nhỏ, những mầm xanh của đất nước ở xã vùng cao Đoàn Kết này luôn rạng rỡ những nụ cười xinh.
Thúy Hằng