(HBĐT) - Ngày 3/4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 370/QĐ- TTg hiện thực hóa gói tín dụng theo Nghị định số 100/ 2015/NĐ- CP về cho vay nhà ở xã hội. Theo đó, năm 2018, Chính phủ dành 1.000 tỷ đồng thực hiện chính sách này, trong đó 500 tỷ đồng là ngân sách Trung ương cấp; 500 tỷ đồng còn lại được trích từ nguồn huy động của ngân hàng. Lãi suất được áp ở mức 4,8%/năm (0,4%/tháng) do NHCSXH thực hiện. Quyết định được ban hành đã thu hút sự quan tâm rất lớn của những người có thu nhập thấp trên địa bàn tỉnh.

Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 20/5/2018 và áp dụng đối với các khoản giải ngân vốn vay từ ngày 10/12/2015. Tuy nhiên với số vốn được phân bổ 2 tỷ đồng thì không thể thoả "cơn khát” vốn.


 

Khách hàng đến tìm hiểu về thủ tục vay vốn mua nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/CP tại Hội sở chính NHCSXH tỉnh.

 

Cơ hội cho nhiều người

Vợ chồng anh Đỗ Đức Nhân ở TP Hòa Bình đều là viên chức Nhà nước, hiện đang sinh sống tại khu tập thể Chuyên gia. Căn hộ 38 m2 trở nên trật chội hơn khi gia đình anh đón đứa con đầu lòng và nhu cầu ở nhà rộng hơn cũng mạnh mẽ hơn. Sau nhiều năm tích góp, vợ chồng anh đã mua được một mảnh đất nên quyết định xây dựng cho mình căn nhà mới. Tuy nhiên, với đồng lương ít ỏi của hai vợ chồng thì số tiền tự có chẳng được bao nhiêu. Vừa lúc thông tin về gói vay ưu đãi theo Nghị định số 100 được triển khai, anh chị hy vọng sẽ được vay vốn giá rẻ. "Ban đầu, vợ chồng tôi có ý định sẽ vay vốn của ngân hàng thương mại, nhưng khi biết được thông tin mới của Nghị định số 100 thì cũng muốn chờ đợi thêm thế nào. Đây là cơ hội cho những viên chức Nhà nước có mức thu nhập thấp như chúng tôi” - anh Nhân chia sẻ.

Theo Nghị định số 100, đối tượng được vay vốn là những người có công với cách mạng, người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo ở khu vực đô thị; người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc CAND và QĐND; cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật.

Khách hàng được vay mức tối đa 80% giá trị hợp đồng đối với mua nhà ở xã hội và 70% giá trị dự toán đối với xây mới, cải tạo nhà để ở trong thời gian từ 15 - 25 năm. Theo đó, phải thực hiện điều kiện (quy định tại khoản 5, Điều 13, Nghị định số 100/ 2015/NĐ-CP): "Khách hàng là hộ gia đình, cá nhân khi vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng CSXH phải thực hiện việc gửi tiết kiệm tại Ngân hàng CSXH hàng tháng, với thời gian tối thiểu 12 tháng và mức gửi theo quy định của bên cho vay”. Điều này không phải vì mục đích sinh lãi mà tạo nguồn tích lũy trả nợ cho khách hàng, đồng thời cũng là nguồn vốn quay vòng cho dư nợ tiếp theo.

Nguồn vốn không đủ nhu cầu

NHCSXH đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sẵn sàng thực hiện chương trình. Tuy nhiên, do nguồn vốn toàn quốc hạn chế nên việc phân bổ cho các địa phương không như mong đợi của nhiều người. Trước mắt, tỉnh ta được phân bổ 2 tỷ đồng, nguồn vốn được phân bổ cho các huyện Kỳ Sơn, Cao Phong, Tân Lạc và TP Hòa Bình với số tiền 500 triệu đồng /huyện. Nguồn vốn này dự kiến chỉ ưu tiên cho một số đối tượng có thu nhập thấp, các đối tượng chưa có nhà ở đang sinh sống tập trung tại khu vực đô thị.

Qua tìm hiểu tại các địa bàn được phân bổ vốn thì các huyện đã tuyên truyền về đối tượng được vay, thủ tục đăng ký. Ai có nhu cầu thì đăng ký trực tiếp với UBND xã, phường, thị trấn hoặc phòng giao dịch NHCSXH. Hiện, các huyện đang tập hợp nhu cầu của người dân. Tại các huyện không có nhà ở xã hội thì mục đích vay vốn để xây mới và cải tạo nhà ở nhưng do là chương trình mới nên nhiều người còn e ngại. Tại 2 huyện Cao Phong và Tân Lạc đã có nhiều người đến hỏi về các thủ tục nhưng chưa có người đăng ký. Còn ở huyện Kỳ Sơn mới có 1 cán bộ, công chức đăng ký vay vốn làm nhà. Đối với TP Hòa Bình thì nhu cầu vay vốn cao, đã có hơn 100 người đến tìm hiểu về chương trình và hiện có khoảng 50 người đăng ký được vay vốn. Thậm chí, hiện nay, nhiều người đã hoàn tất các thủ tục cần thiết cho việc thế chấp tài sản, chỉ chờ ngân hàng triển khai…

ông Vũ Đình Đoài, Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh cho biết, lãi suất cho vay do Thủ tướng Chính phủ quyết định cho từng thời kỳ, trên cơ sở đề nghị của Hội đồng quản trị NHCSXH. Lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất khi cho vay. Theo đó, năm nay Chính phủ chính thức bố trí 500 tỷ đồng cho chương trình này với lãi suất 4,8%/năm. NHCSXH sẽ huy động thêm 500 tỷ đồng nữa. Như vậy, tổng nguồn vốn cho vay nhà ở xã hội năm 2018 dự kiến khoảng 1.000 tỷ đồng. Đối với tỉnh Hoà Bình, qua rà soát, nhu cầu vốn vay mua nhà ở xã hội và xây mới cũng như sửa chữa nhà theo Nghị định số 100 trên địa bàn tỉnh khoảng 10 tỷ đồng.

Nguồn vốn ít trong khi nhu cầu lại nhiều, do đó tất cả các hồ sơ được xét đủ điều kiện vay sẽ được giải ngân nếu nhu cầu vay ít hơn hoặc bằng nguồn vốn được phân bổ. Trong trường hợp nhu cầu vay lớn hơn nguồn vốn thì sẽ chấm điểm theo tiêu chí và có những đối tượng được ưu tiên như người chưa có nhà, gia đình có nhiều người tham gia lực lượng vũ trang nhân dân... Nếu nhiều trường hợp cùng điểm thì tiến hành bốc thăm khách quan, công khai. Theo NHCSXH tỉnh, hết tháng 6 sẽ hoàn thành việc giải ngân nguồn vốn vay này.

 * Theo tổng hợp nhanh từ các chi nhánh NHCSXH tại các địa phương trong cả nước, nhu cầu vay vốn nhà ở xã hội lên tới 5.000 tỷ đồng. Kế hoạch duyệt từ nay đến năm 2020 Chính phủ sẽ cấp 1.163 tỷ đồng cho chương trình này và NHCSXH sẽ huy động thêm số vốn tương đương con số đó. Như vậy, kế hoạch từ nay đến năm 2020 nguồn vốn cho vay nhà ở xã hội của NHCSXH dự kiến vào khoảng trên 2.300 tỷ đồng.

                                                                                        Đinh Thắng

Các tin khác


Điểm sáng phát triển bảo hiểm y tế ở thành phố Hòa Bình

Năm 2023, toàn tỉnh có 840.451 người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), tăng 6,4% so với năm 2022, đạt 100,2% kế hoạch giao; tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 95,23% dân số (vượt 0,03% so với chỉ tiêu được giao năm 2023 tại Quyết định số 546/QĐ-TTg, ngày 29/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ).

Báo Nhân Dân tặng bạn đọc 100.000 bản phụ san tranh panorama Chiến dịch Điện Biên Phủ

Đáp ứng mong đợi của bạn đọc cả nước, Báo Nhân Dân đã quyết định in thêm 100.000 bản tranh panorama "Chiến dịch Điện Biên Phủ” từ nguồn xã hội hóa. Từ ngày 20/5, bạn đọc có thể nhận phụ san đặc biệt tại cơ quan thường trú Báo Nhân Dân ở các tỉnh, thành phố.

Chính thức trình Chính phủ tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng từ 1/7, trùng với thời điểm tăng lương khu vực Nhà nước.

Đa dạng kênh giải quyết việc làm cho người lao động

Đó là giải pháp quan trọng được tỉnh Hòa Bình quan tâm, thúc đẩy nhằm phát triển thị trường lao động, tạo nhiều việc làm, giúp người lao động (NLĐ) nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Theo thống kê hàng năm, toàn tỉnh có khoảng 10.000 người bước vào độ tuổi lao động có nhu cầu việc làm, chưa kể lao động muốn chuyển đổi, tìm kiếm việc làm mới. Trong khi đó, khả năng tuyển dụng của các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) trên địa bàn khoảng 4.000 lao động/năm, số còn lại chủ động tìm công việc.

“Bầu ơi thương lấy bí cùng”

Tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Nét đẹp văn hóa đó được bồi đắp qua các thế hệ và mỗi khi được khơi dậy mạnh mẽ tạo thành nguồn lực to lớn giúp đỡ đồng bào khó khăn. Đúng như tinh thần "lá lành đùm lá rách”, "lá rách ít đùm là rách nhiều”, "bầu ơi thương lấy bí cùng”…

Tổng kết thi hành Luật Giám định tư pháp và Đề án 250

Sáng 17/5, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết thi hành Luật Giám định tư pháp và Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp (Đề án 250). Chủ trì hội nghị tại điểm cầu Trung ương có các đồng chí: Nguyễn Văn Yên, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương; Mai Lương Khôi, Thứ trưởng Bộ Tư pháp. Dự tại điểm cầu tỉnh ta có đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành liên quan. 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục