Đồng chí Hoàng Thế Quỳnh, Phó Chủ tịch LĐLĐ huyện Lương Sơn cho biết: Trong nhiệm kỳ 2013-2018, huyện đã thành lập được 14 công đoàn trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước với 457 đoàn viên. Thực tế trên địa bàn huyện còn có doanh nghiệp vi phạm Luật Lao động, Luật BHXH, Luật Công đoàn như: Không ký kết hợp đồng lao động, không tham gia BHXH cho người lao động, không thành lập tổ chức công đoàn và không thực hiện việc trích nộp kinh phí công đoàn 2%... Đặc biệt, từ năm 2015 đến nay, LĐLĐ huyện nhận được đơn kiến nghị, đòi hỏi chế độ lương, BHXH của người lao động tại 4 doanh nghiệp, công ty gồm: Nhà máy gạch Tuy nen Lương Sơn, Nhà máy xi măng VINACONEX Lương Sơn, Công ty CP gạch Tường Anh Hòa Bình và Công ty TNHH MTV xi măng Trung Sơn. Công nhân lao động tại 4 doanh nghiệp này tập trung đông người, căng băng zôn, khẩu hiệu, rào cổng ngăn cản hoạt động của doanh nghiệp để đòi quyền lợi.
Ngay sau khi nhận được đơn của người lao động và xảy ra các cuộc ngừng việc tập thể, LĐLĐ huyện đã trực tiếp đến gặp gỡ người lao động cũng như doanh nghiệp để tìm hiểu, nắm bắt tình hình, đồng thời báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Thường trực Huyện uỷ, LĐLĐ tỉnh, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn người lao động cùng doanh nghiệp tổ chức đối thoại, thương lượng để thống nhất. Kết quả 4 lần hoà giải thành, LĐLĐ huyện đã đòi được cho người lao động số tiền lương, tiền BHXH, tiền trợ cấp thôi việc lên đến trên 5 tỷ đồng.
Các vụ tranh chấp lao động tập thể trên địa bàn huyện thời gian qua hầu hết được giải quyết tương đối ổn thỏa, nhanh chóng trên cơ sở hòa giải, thương lượng của các bên, có sự tham gia giải quyết kịp thời của Công đoàn huyện, tỉnh và các cơ quan chức năng. Với động thái thiện chí, cán bộ công đoàn, người sử dụng lao động đã tập hợp, trực tiếp đối thoại với người lao động, đại diện của người lao động. Sau khi đã tập hợp các ý kiến cơ bản, cụ thể, cán bộ công đoàn và người sử dụng lao động kiên trì đàm phán, thương lượng, định rõ thời gian thực hiện… có tình, có lý trên cơ sở pháp luật.
Nhờ nắm bắt được các quy định của pháp luật, chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước và phương pháp vận động, tuyên truyền của cán bộ công đoàn, chủ sử dụng lao động đã nhượng bộ, giải quyết dứt điểm từng nội dung, những yêu cầu chính đáng, nhất là các yêu cầu về lợi ích của người lao động. Đặc biệt, cán bộ công đoàn thường xuyên bám sát cơ sở, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động. Việc phối hợp giải quyết, thanh tra, kiểm tra "hậu” tranh chấp lao động tập thể và đình công có kế hoạch cụ thể, sâu sát để hướng dẫn người sử dụng lao động, người lao động thực hiện tốt nghĩa vụ, trách nhiệm của mình, thể hiện tính chất nghiêm minh của pháp luật.
H.D
(HBĐT) - Khoảng 16 giờ 30 phút ngày 15-5, tại khu vực gần chợ Quán Lau, TP Vinh (Nghệ An) đã xảy ra vụ hỏa hoạn làm cháy ba ki-ốt.