Thảo luận tại Diễn đàn Vận động chính sách và giải pháp phòng ngừa lao động trẻ em (Ảnh: Ngân Anh).
Lao động trẻ em: Chủ yếu trong khu vực phi chính thức
Tại Việt Nam, kết quả Điều tra quốc gia về lao động trẻ em năm 2012 cho thấy, có khoảng 1,75 triệu lao động trẻ em, chiếm 9,6% tổng dân số trẻ em từ 5 đến 17 tuổi. Lao động trẻ em tồn tại đặc biệt trong khu vực kinh tế phi chính thức, với khoảng 1,7 triệu em.
Theo Thứ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà, tại Việt Nam, Chính phủ đã cam kết giải quyết vấn đề lao động trẻ em thông qua việc ban hành hệ thống luật pháp, chính sách nhằm đảm bảo phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em.
Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em. Nước ta cũng đã phê chuẩn Công ước số 182 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về nghiêm cấm và hành động khẩn cấp xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất, Công ước số 138 của ILO về tuổi tối thiểu được đi làm việc.
Bộ luật Lao động năm 2012 đã có các quy định về độ tuổi lao động tối thiểu, thời giờ làm việc và điều kiện làm việc, quy định về lao động đối với người chưa thành niên. Luật An toàn, vệ sinh lao động, Luật Trẻ em mới được Quốc hội thông qua thời gian gần đây tiếp tục có các quy định cụ thể về các hành vi nghiêm cấm bóc lột trẻ em, nêu rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, đoàn thể, gia đình, cộng đồng và các tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế trong phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2016 - 2020.
Theo ước tính của ILO, hiện có khoảng 152 triệu lao động trẻ em trên thế giới. Việc trẻ em phải lao động sớm đã và đang để lại hậu quả nặng nề, ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất, tâm lý hài hòa của các em, cản trở việc tiếp cận và thụ hưởng nền giáo dục phù hợp, ảnh hưởng tới tương lai của chính các em, đồng thời tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, nhất là chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai.
Bà Lê Hồng Loan, Trưởng phòng Bảo vệ trẻ em, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam cho hay, một nghiên cứu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng UNICEF về nguyên nhân thúc đẩy lao động trẻ em cho thấy, trẻ em ngoài nhà trường có nguy cơ lao động rất cao. Tình trạng nghèo đói làm hạn chế khả năng chi trả của gia đình cho các chi phí học tập của trẻ em, cũng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ em phải lao động sớm.
Thay đổi từ nhận thứ
Tại Diễn đàn Vận động chính sách và giải pháp phòng ngừa lao động trẻ em do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, UNICEF tại Việt Nam, Văn phòng ILO tại Việt Nam tổ chức ngày 25-6, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà đánh giá, chủ đề của Ngày Thế giới phòng, chống lao động trẻ em năm 2018 "Vì một thế hệ an toàn và khỏe mạnh” có ý nghĩa thiết thực khi toàn cầu đang cam kết triển khai việc phòng ngừa lao động trẻ em.
Việt Nam đã có các quy định của luật pháp và triển khai nhiều giải pháp phòng ngừa lao động trẻ em, đang nỗ lực thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đã cam kết. Trong đó có mục tiêu 8.7 về xoá bỏ cưỡng bức lao động, chấm dứt chế độ nô lệ hiện đại, mua bán người và xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em nặng nhọc, nguy hiểm nhất. Quan trọng hơn là giải quyết vấn đề lao động trẻ em, đặc biệt là bảo vệ các em khỏi các hình thức lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Cần có sự tham gia tích cực, sự liên kết, phối hợp chặt chẽ của tất cả các đối tác trong xã hội: cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, công đoàn, tổ chức xã hội, gia đình và cộng đồng.
Trong bối cảnh hội nhập và tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTAs), việc thực hiện các cam kết quốc tế về lao động, trong đó có lao động trẻ em trong các chuỗi cung ứng sẽ ngày càng được được quan tâm hơn. Do đó, việc giảm thiểu và tiến tới chấm dứt lao động trẻ em phải được thay đổi từ nhận thức của chính trẻ em, gia đình, cộng đồng và người sử dụng lao động.
Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam cho biết thêm, với sự hỗ trợ của Bộ Lao động Hoa Kỳ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang triển khai dự án hỗ trợ nâng cao năng lực quốc gia về phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em. Chương trình nhằm triển khai các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã phê chuẩn và thực hiện các mục tiêu trong việc phòng ngừa và giảm thiểu lao động em.
Triển khai tại ba địa phương Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, An Giang từ năm 2015, dự án tập trung vào giảm thiểu lao động trẻ em trong một số ngành, nghề trọng điểm như may mặc, nông nghiệp, thủy sản, thủ công mỹ nghệ….
TheoNhân Dân