Suốt mấy tuần nay, dư luận liên tục chỉ trích sách Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại. Đặc biệt, tên tuổi của người thầy gắn liền 40 năm thực nghiệm giáo dục với những đóng góp đáng kể bỗng dưng gắn với những chữ "nhóm lợi ích”, "lợi nhuận” và đặc biệt, như một "tội đồ” của tiếng Việt.


Sách Công nghệ giáo dục bị chê phản cảm.

"Ném đá” bất chấp mọi lý giải

Ngay khi một video dạy học sinh học thơ bằng dấu chấm và ô vuông được tung lên mạng, hàng loạt phụ huynh nhấp nhổm không yên vì không thể hiểu nổi cách học lạ đời này. Tiếp đến là cách đánh vần, nhiều người phản ứng trước quy tắc đọc chữ c, k, q đều thành "cờ" và gi, d, r đều đọc là "dờ", có người cho rằng ông Đại đã làm mất đi sự phong phú của Tiếng Việt và vô lý.

Thứ ba là các vần ghép. Phụ huynh phản đối khi các vần iê, yê, ia, ya đều được đánh vần là /ia/. Thứ tư là nhiều bài học trong bộ sách Tiếng Việt lớp 1 khiến nhiều phụ huynh lo lắng vì thiếu tính giáo dục, nhiều từ ngữ tiêu cực, bài học hàm nghĩa xấu.

Trong quyển Tiếng Việt lớp 1 - tập 2 có nhiều bài học ngầm "khuyến khích” những thói hư tật xấu như tọc mạch, xu nịnh, nói dối, châm biếm, thậm chí là khôn ranh, ma mãnh. Ngoài ra, nhiều bài học có những từ ngữ không mang ý nghĩa giáo dục, mà ngược lại rất tiêu cực. Ví dụ như cụm "mụ phù thủy dữ như quỷ sứ" trong bài "Mụ phù thuỷ", "ma quỷ" trong bài "Vẽ gì khó?".

Ngoài ra, không ít người cho rằng sách phổ thông sử dụng quá nhiều từ ngữ địa phương, cùng nhiều từ ngữ "mới lạ" như gà qué, quả chấp, bé huơ, khuơ mũ, quện nhau...

Theo nhà giáo Phạm Toàn, người chủ biên nhóm Cánh Buồm, năm 1995 ông Hồ Ngọc Đại đã bị chỉ trích một trận, sau đó sách và chương trình năm 2000 ra đời. Năm nay lại như thế, ông bị "đánh tơi tả” vì người ta chuẩn bị đón sách của Chương trình tổng thể.

Sở dĩ như vậy vì Luật Giáo dục chưa cho phép dùng nhiều bộ sách nên người ta phải chọn một "nạn nhân” cho cơn bão chỉ trích. "Chỉ có một điều cả nước chưa biết: Tính khoa học của cách dạy tiếng Việt cho con em lớp 1 theo đường lối ngữ âm học của sách Công nghệ Giáo dục. Và điều kỳ lạ nữa là tại sao bỗng dưng sách tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục lại đang bị ồn ào chê trách... Và chê trách vào một khúc "dở hơi” nhất: Nào có ai gọi tên chung cho ba chữ c, chữ k và chữ q là chữ [cờ] chứ? Có ai dùng chỉ một tên đặt tên ba người con của mình nhỉ”, nhà giáo Phạm Toàn nhấn mạnh.

Theo PGS.TS Phạm Văn Tình - Tổng Thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam - vấn đề liên quan đến sách Công nghệ giáo dục không có gì đáng phải làm ầm ỹ lên. "Phương pháp đánh vần theo sách Công nghệ giáo dục của GS. Hồ Ngọc Đại đã có từ lâu lắm rồi. Mục tiêu là học trò phải nhận được mặt chữ và phải phát âm, đọc được. Để đến được mục đích đó thì có nhiều con đường, phương pháp khác nhau. Và Công nghệ giáo dục cũng là một trong những phương pháp đó.

Ở Nga, người ta cũng phải đánh vần. Ở Mỹ trước đây cũng dạy học chữ theo kiểu phân ra nguyên âm, phụ âm, cũng theo phương pháp của thầy Hồ Ngọc Đại, học từ âm vị, âm tiết, sau đó mới học phát âm. Tuy nhiên, sau đó họ lại chuyển sang cách học theo phương pháp truyền thống, đó là đọc từ trước, đi từ khái quát đến cụ thể. Và bây giờ, họ đã tận dụng, kết hợp cả hai phương pháp một cách hiệu quả nhất để học trò vừa phát âm được mà vẫn nhận diện được bảng chữ cái, chứ không loại trừ, không bài xích phương pháp nào. Bởi mỗi phương pháp đều có ưu và nhược điểm riêng, mục tiêu là để học trò đọc viết thành thạo” - PGS. Phạm Văn Tình nói.

GS. Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới sách "Tiếng Việt Công nghệ Giáo dục lớp 1” được triển khai từ những năm 80 của thế kỷ trước, đến năm 2002 thì dừng vì Luật Giáo dục 2005 quy định thực hiện một chương trình, một bộ sách giáo khoa thống nhất trong cả nước.

Tuy nhiên, sau mấy năm dừng, sách lại được Bộ trưởng GDĐT lúc đó tiếp tục cho phép thực nghiệm trong nhà trường. "Theo tôi biết đây chỉ là một thí nghiệm khoa học của Trung tâm Công nghệ Giáo dục của GS. Hồ Ngọc Đại. Đã là thí nghiệm khoa học thì có thể đúng hoặc có thể sai. Còn tới đây, muốn chuyển kết quả thí nghiệm này thành SGK thì nó phải phù hợp với quy định của chương trình giáo dục phổ thông mới và được Hội đồng thẩm định quốc gia thông qua”. Khi thực hiện chủ trương "một chương trình, nhiều sách giáo khoa”, cách dạy đơn giản, hiệu quả sẽ là một yếu tố quan trọng để người dạy, người học lựa chọn sách” - GS Nguyễn Minh Thuyết khẳng định.

Ông Nguyễn Quốc Vương, người dịch và viết nhiều sách về giáo dục cho rằng, SGK có chất lượng tốt hay không trước tiên là phải thuộc về giới chuyên môn thẩm định. Kênh thông tin từ công chúng, dư luận xã hội về SGK của nhà xuất bản nào cũng rất quan trọng nhưng không phải chuyện gì công chúng lúc nào cũng có khả năng để thẩm định chuyên môn, đưa ra kết luận được.

Lạc hướng


PGS.TS Hoàng Dũng, chuyên gia hàng đầu về ngôn ngữ học.

 

PGS.TS Hoàng Dũng, chuyên gia hàng đầu về ngôn ngữ học.

Theo PGS.TS ngôn ngữ học Hoàng Dũng, hiện nay, dư luận đang tập trung tranh cãi về cách đánh vần trong sách dạy của GS Hồ Ngọc Đại chứ hầu như không bàn đến chuyện khác. Mà người ta quên vấn đề lớn hơn - là cần một cơ chế giáo dục tốt hơn để không kìm hãm sự tiến bộ. Và chương trình phải lấy mục tiêu làm quan trọng chứ không phải cách đi theo hướng nào.

Qua câu chuyện "cơn bão” kỳ lạ về công nghệ giáo dục này, ông muốn lý giải điều gì?

- Từ đó, chúng ta nghĩ đến chuyện xa hơn: Giáo dục. Chỉ qua một chuyện nhỏ thế này thôi có thể thấy rằng khó lòng bắt kịp thế giới nếu chúng ta không thay đổi cơ chế. Cơ chế kín đến mức nó loại trừ, triệt tiêu mọi nghiên cứu, vì nghiên cứu thì phải thực hành và đối chứng, nhưng lại không cho áp dụng vào giáo dục. Điều đó dập tắt mọi tiến bộ. Qua chuyện tranh cãi này, chúng ta nghĩ đến thấy chuyện lớn hơn – cơ chế giáo dục như thế này phải thay đổi, nếu không sẽ kìm hãm mọi tiến bộ trong giáo dục. Tôi hy vọng với chương trình mới, dù đúng sai vẫn còn phải tranh luận, dù ưu khuyết điểm vẫn còn phải tranh cãi, nhưng tiến bộ quan trọng nhất có tính bước ngoặt cần phải ghi nhận, là không bắt buộc người ta phải dạy bằng cách gì. Tôi cứ bùi ngùi nghĩ nếu chương trình này được áp dụng vào năm 1978, thì sách của GS Hồ Ngọc Đại không phải mất đến 40 năm nấp dưới danh nghĩa thử nghiệm.

Vì sao lâu nay người ta không nói đến, mà đợi trước khi tung ra bộ sách mới lại ào ào lao vào tranh cãi? Phải chăng ở đây có liên quan đến lợi ích nhóm?

- Tôi không muốn nói đến chuyện lợi ích nhóm vì khẳng định điều này cần phải có bằng chứng. Tôi chỉ thấy khó lòng giải thích theo một hướng. Thực tế cho thấy thời nay người ta thích chê hơn khen. Bất chấp ai đó, dù người đó cao đến mấy nữa, nói nước mình có bao giờ được thế này chăng, trên mạng xã hội, người ta cũng không like – điều đó cho thấy não trạng của xã hội của ta đang nhìn về hướng nào. Não trạng này đang nhìn về thể chế xã hội - mà giáo dục là một bộ phận trong đó - theo hướng không tích cực, chủ yếu là chê bai. "Cơn bão” phê phán cách đánh vần chẳng qua thể hiện sự thất vọng - và đối với một số người là tuyệt vọng - về giáo dục. Sự thất vọng này không dừng lại ở nói năng: nó hành động. Người ta bán nhà, bán cửa cho con đi học nước ngoài, gọi là tị nạn giáo dục.

Một lý do khác: Không may là chuyện người ta đang bàn là chuyện đánh vần. Mà đánh vần thì ai cũng thấy mình có thẩm quyền để nói, vì ai mà chẳng đánh vần được! Lưu ý, sách của GS Hồ Ngọc Đại về dạy toán, bị GS Nguyễn Tiến Dũng ở Đại học Toulouse (Pháp) cho là sai từ gốc, mà không tạo thành "bão”. Giáo sư Nguyễn Tiến Dũng dẫn những ví dụ như học giải tích hàm, việc viết công thức Parceval cho chuỗi Fourier để phản bác GS Hồ Ngọc Đại, thì mấy ai hiểu để có thể tham gia tranh cãi!

"Cơn bão đánh vần” có cái hay là khiến cho người ta chú ý vấn đề mà trước đây họ không để tâm. Nhưng lại có cái dở là khiến người ta "thấy cây mà không thấy rừng”. Nếu GS Hồ Ngọc Đại dạy đánh vần sai đi chăng nữa, thì có ảnh hưởng đến hòa bình thế giới đâu? Rồi ai cũng đọc được cả mà! Người ta quên vấn đề lớn hơn - như đã nói - là cơ chế giáo dục cần thay đổi. Và như thế thì uổng lắm, chúng ta mất đi cơ hội hướng người đọc ngẫm cùng nhà nước cách làm sao cho ta hưởng một cơ chế giáo dục tốt hơn.

 

                                                                                          Theo báo Lao Động

Các tin khác


Prudential Việt Nam chi trả quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng tại thành phố Hòa Bình

(HBĐT) - Ngày 16/9, tại thành phố Hòa Bình, Công ty Bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam, Văn phòng Tổng Đại lý Prudential Hòa Bình 2 đã tổ chức lễ chi trả quyền lợi bảo hiểm cho gia đình khách hàng Nguyễn Ngọc Thắng.

Bảy người chết sau lễ hội âm nhạc ở Hà Nội

Nghi vấn sốc thuốc tập thể làm 7 người chết, nhiều người khác phải cấp cứu sau lễ hội âm nhạc ở Công viên nước Hồ Tây.

Tập huấn thí điểm Dự án Choba giai đoạn 3

(HBĐT) - Hội LHPN tỉnh, huyện Lạc Sơn và tổ chức Đông Tây hội ngộ vừa phối hợp tổ chức tập huấn thí điểm Dự án Choba giai đoạn 3.

Công an huyện Kim Bôi: Khám phá thành công chuyên án trộm cắp xe mô tô

(HBĐT) - Công an huyện Kim Bôi vừa khám phá thành công chuyên án trộm cắp xe mô tô, bắt giữ 3 đối tượng, gồm: Quách Văn Hưng, sinh năm 1978, trú tại xã Hợp Kim (Kim Bôi); Quách Đình Sạo, sinh năm 1972, trú tại Trung Bì (Kim Bôi) cùng về hành vi trộm cắp tài sản và Nguyễn Văn Đông, sinh năm 1982, trú tại Đông Anh (Hà Nội) về hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.

Tân Lạc: Truyền thông, tọa đàm về công tác dân số

(HBĐT) - Trong các ngày từ 31/8 – 14/9, Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện Tân Lạc đã phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể các cấp liên quan tổ chức các hoạt động truyền thông, tọa đàm về công tác dân số theo tinh thần chỉ đạo của Ban châp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới.

Lực lượng vũ trang huyện Lạc Thủy đồng hành cùng học sinh nghèo vượt khó

(HBĐT) - Trong 3 năm qua, chương trình "Đồng hành cùng em đến trường” do LLVT huyện Lạc Thủy thực hiện đã trao tặng hơn 200 chiếc xe đạp đến học sinh nghèo vượt khó. Đây là một trong những việc làm có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện phẩm chất cao quý của bộ đội Cụ Hồ, góp phần xây dựng và củng cố mối quan hệ đoàn kết toàn dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục