Ngày 24/9, anh Đỗ Ngọc Vạn (29 tuổi, quê Nghệ An), nạn nhân sống
sót trong vụ hai mẹ con tử vong nghi do nhiễm
độc, đã bình phục, được Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng cho xuất viện. Anh
Vạn chia sẻ hành trình từ khi gia đình vào Đà Nẵng, những món ăn đã dùng cũng
như bên trong khách sạn ở lại.
Nhiều phòng khách sạn dán niêm phong do diệt côn trùng
Anh Vạn từng có 7 năm học và làm việc ở Đà Nẵng. Sau thời gian làm
cho công ty trong lĩnh vực xây dựng ở TP HCM, anh về làm việc tại chi nhánh ở
thành phố Vinh (Nghệ An) để gần vợ con.
Tháng 9, nhiều gia đình trong công ty hẹn nhau đi chơi, chọn Đà Nẵng
làm điểm đến, anh gọi cho vợ đưa con trai từ quê Diễn Châu xuống thành phố
Vinh, rồi cả nhà lên ôtô vào Đà Nẵng nhập đoàn sáng 15/9.
Nạn nhân Vạn kể lại vụ việc. Ảnh: Nguyễn Đông.
|
Khi đến nhận bốn phòng tại khách sạn trên đường Hồ Nghinh, quận
Sơn Trà để cất giữ đồ và cho phụ nữ, trẻ em nghỉ ngơi vào đầu giờ chiều 15/9,
anh Vạn nhìn thấy nhiều cửa phòng dán niêm phong, bên ngoài treo bảng "cấm
vào" với lý do bên trong diệt côn trùng.
Khách sạn có khoảng 40 phòng, nhưng chỉ có 16 phòng được sử dụng,
trong đó có bốn phòng đoàn công ty mình đặt trước. "Mọi người đều rất mệt
sau chuyến hành trình dài nên thực sự lúc đó bên trong phòng có mùi gì hay
không tôi cũng không để ý", anh nói.
Cả đoàn đi tham quan Hội An, dùng cơm chung và trở về khách sạn
khoảng 21h. Một giờ sau, gia đình anh Vạn bắt taxi đi ăn khuya với món mì Quảng.
Con trai bốn tuổi đi cùng nhưng không ăn uống gì.
Đến khoảng 3h ngày 16/9, con trai anh Vạn nôn, đi ngoài. Sau đó vợ
chồng anh cũng có biểu hiện tương tự. Cả nhà dùng thuốc tiêu chảy, uống nước lọc
từ chai mang theo. Cháu bé sau khi nôn vẫn tỉnh táo, chơi đùa.
Tuy nhiên, đến khoảng 6h sáng, anh Vạn phát hiện con trai tái nhợt.
Mọi người trong đoàn vẫn khoẻ mạnh bình thường nên tiếp tục đi du lịch Bà Nà.
Còn anh Vạn phải đưa vợ con vào cấp cứu tại Bệnh viện Hoàn Mỹ ở Đà Nẵng.
"Mọi việc diễn ra sau đó chắc mọi người đã biết", mắt
anh Vạn đỏ hoe khi nhắc lại việc con trai và vợ tử vong.
"Tôi đã bị sốc khi tỉnh lại"
Được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng cứu chữa, hơn một ngày
sau anh Vạn hồi tỉnh. "Biết tin vợ con mất, tôi bị sốc, rút hết ống tiêm
trên người khi đang lọc máu, với ý nghĩ tiêu cực là tự sát", anh kể, đôi
vai run lên.
Các nhân viên của khoa đã nhanh chóng tiếp cận. "Từ bác sĩ đến
bảo vệ ôm chầm lấy tôi động viên. Nhờ đó tôi trấn tĩnh, biết mình phải sống để
lo cho con gái út. Cháu chưa đầy hai tuổi, tôi phải có trách nhiệm với
con", anh nói.
Bác sĩ Võ Duy Trinh, Trưởng Khoa hồi sức cấp cứu - chống độc (Bệnh
viện Đa khoa Đà Nẵng) cho biết tiếp nhận bệnh nhân khi đã nguy kịch, lại thêm yếu
tố stress về thần kinh nên các bác sĩ phải dùng thuốc an thần.
Anh Vạn cảm ơn bác sĩ Trinh đã tận tình cứu chữa. Ảnh: Ngọc
Trường.
|
Theo bác sĩ Trinh, bệnh viện đã sử dụng tất cả kỹ thuật tiên tiến
nhất để điều trị cho anh Vạn, trong đó có máy siêu lọc máu hỗ trợ chức năng các
tạng đang suy, cân bằng nội mô... Bệnh nhân cũng đáp ứng điều trị tốt, nên sau
24 giờ đã cải thiện các thông số và dần hồi phục.
Cảnh sát hình sự vào cuộc
Anh Vạn khẳng định, anh và đồng nghiệp tham gia chuyến du lịch này
không có bất kỳ mâu thuẫn nào. Suốt năm năm chung sống, vợ chồng anh chưa từng
một lần lớn tiếng.
"Vợ tôi được cả gia đình tôi thương, quý trọng", anh nói
và mong muốn cơ quan điều tra sớm đưa ra kết luận cụ thể để gia đình an lòng,
cũng như tránh những điều tiếng không đúng sự thật.
Sau khi ra viện, anh Vạn bắt xe về quê Nghệ An để thắp hương cho vợ
và con trai. "Con gái út khóc đòi cha mẹ. Cháu còn quá nhỏ nên chưa biết
chuyện gì xảy ra với gia đình", anh Vạn chia sẻ.
Công an quận Sơn Trà đã lấy lời khai của anh Vạn tại bệnh viện. Do
tính chất sự việc nghiêm trọng, đơn vị này đã chuyển toàn bộ hồ sơ sang Phòng Cảnh
sát hình sự Công an thành phố thụ lý.
Đại tá Trần Mưu, Thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra, Phó giám đốc
Công an thành phố Đà Nẵng, cho biết đang điều tra theo nhiều hướng. "Công
an thành phố đang họp rất căng thẳng về sự việc nên chưa thể nói trước điều gì
khi chưa có kết luận cuối cùng", ông nói.
Ngoài trường hợp của gia đình anh Vạn, còn có hai bà cháu gốc Hà Nội
ở cùng khách sạn cũng có những biểu hiện nghi nhiễm độc. Bé trai ba tuổi tử vongsáng
16/9, còn bà nội được cứu chữa kịp thời. Khách sạn nơi các nạn nhân lưu trú đã
tạm dừng hoạt động sau khi công an đến làm việc.
Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Phó giám đốc Du lịch phụ trách mảng khách
sạn, cho biết công an đã thực nghiệm hiện trường và điều tra từ phía khách sạn
nơi nạn nhân lưu trú, có lấy mẫu không khí trong phòng.
"Vì an toàn của du khách, chúng tôi mong sớm có nguyên nhân để
có biện pháp xử lý", bà Hạnh nói và cho biết Sở đã có văn bản nhắc nhở các
khách sạn trên địa bàn phải lưu ý kiểm tra nguồn nước, sử dụng nước đóng chai,
các loại hóa chất tẩy rửa, nước xịt phòng...
8h ngày 16/9, Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng tiếp nhận ba người vào
Khoa cấp cứu. Bé trai bốn tuổi được xác định tử vong từ trước. Người mẹ 27 tuổi
có biểu hiện mệt, choáng, tím tái, hạ huyết áp... Việc hồi sức cấp cứu không hiệu
quả do sức khoẻ không đảm bảo nên nạn nhân này sau đó tử vong.
Chồng nạn nhân, anh Đỗ Ngọc Vạn ban đầu biểu hiện bị nhẹ, nhưng
sau đó bệnh chuyển biến rất nhanh, cho thấy người bệnh bị ngộ độc cấp. Bệnh viện
Hoàn Mỹ đã chuyển ngay bệnh nhân đến Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng để cứu chữa.
Ông Nguyễn Tiên Hồng - Phó giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, cho biết hai
mẹ con có các triệu chứng bị sốc, hạ huyết áp, khó thở nên chắc chắn bị nhiễm độc.
Cơ quan chức năng đã gửi các mẫu thu thập được gửi đi làm xét nghiệm để phục vụ
điều tra.
TheoVnexpress