Cây măng mở lối thoát nghèo cho bà con bản Dao Đằng Long, xã Bắc Sơn (Kim Bôi).
Trở lại bản Đằng Long vào một ngày mưa. Khác hẳn với con đường lầy lội, ẩm ướt ngày trước, đường lên bản Dao giờ đây đỡ vất vả hơn nhiều. Năm 2008, từ nguồn vốn Chương trình 135, sự cố gắng của chính quyền và nhân dân, con đường được cứng hóa, mở lối thoát nghèo cho người dân nơi đây. Nhiều công trình điện, đường, trường, trạm, trụ sở làm việc, nhà ở được xây mới khang trang, từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất và đời sống dân sinh.
Đồng chí Bùi Văn Lương, Chủ tịch UBND xã Bắc Sơn cho biết: "Nằm cách trung tâm xã Bắc Sơn 6 km, bản Đằng Long có 53 hộ, 270 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc Dao chiếm hơn 95%. Trước kia, cuộc sống nơi đây gần như tách biệt với bên ngoài, quanh năm gắn bó với lúa, ngô, ít giao thương hàng hóa, chủ yếu tự cung, tự cấp. Điều kiện khí hậu khắc nghiệt, thiếu nước sản xuất, sinh hoạt, ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển KT-XH. 100% hộ thuộc diện hộ nghèo, khó khăn. Với nỗ lực của Đảng ủy, chính quyền, xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cây trồng hiệu quả, góp công sức, tiền của xây dựng cơ sở hạ tầng, đường giao thông thuận tiện cho việc đi lại, giao thương hàng hóa. Đó là tiền đề để mở lối thoát nghèo cho vùng quê này".
Với đặc thù xã vùng cao, diện tích canh tác hạn chế, thiếu nước tưới, chỉ trông vào cây ngô, lúa nên đói nghèo quanh năm. Trước khó khăn đó, Đảng ủy, chính quyền xã Bắc Sơn đã chỉ đạo nhân dân chuyển đổi cây trồng phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng; phát huy tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, trưởng bản, người có uy tín tại địa bàn. Đồng thời chú trọng xây dựng bai, đập chứa nước, hệ thống kênh mương thủy lợi. Giờ đây, cây măng và khoai lang đem lại cho bà con cuộc sống no đủ. Có những hộ thu nhập mỗi năm tính ra cả trăm triệu đồng. Giờ đây thu nhập bình quân của bản Đằng Long đạt 26 triệu đồng/người/năm. Bản không còn hộ nghèo.
Ông Triệu Văn Bình, Trưởng bản Đằng Long cho biết: "Ngày trước, khi vận động nhân dân bỏ lúa sang trồng khoai, măng là cả quá trình đầy gian nan, khó khăn. Tôi cùng cán bộ xã, bí thư chi bộ, người uy tín đến các hộ vận động, tuyên truyền lồng ghép vào các cuộc họp. Đồng thời tiên phong chuyển đổi diện tích lúa của gia đình sang trồng khoai, đưa măng giống đến trồng những nơi phù hợp để phát triển. Nhờ được thăm quan các mô hình ở nơi khác nên tôi hiểu rõ kỹ thuật trồng, chăm sóc cây, từ đó phổ biến lại cho bà con. Từ những vụ thu hoạch thành công, bà con dần học theo, từ đó nhân rộng ra khắp bản".
Hiện, măng là sản phẩm chủ lực của bản Đằng Long với tổng diện tích 270 ha. Cứ đến tháng 6, từng đoàn xe tải của tư thương đến chở măng về dưới xuôi tiêu thụ. Với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu thích hợp, măng ở bản Đằng Long to, đều, giòn. Với giá thu mua trung bình cả vụ 15.000 đồng/kg, nhiều hộ thu nhập 30-40 triệu đồng/vụ, thậm chí có hộ thu hàng trăm triệu. Điển hình như gia đình các ông: Triệu Văn Vinh, Triệu Văn Phong, Triệu Văn Lý...
Giờ đây, bản Dao khó khăn ngày nào đã "khoác lên mình tấm áo mới” với ánh điện sáng lấp lánh khắp bản làng. Nhà nào trong bếp thóc lúa cũng đầy bồ, đồ đùng tiện nghi, trẻ nhỏ hàng ngày được đến trường. Từ đói nghèo vươn lên, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng khấm khá. Quan trọng hơn cả là thói quen, nhận thức của bà con ngày càng tiến bộ, nhiều hủ tục được xóa bỏ, góp phần xây dựng nếp sống văn minh, quê hương giàu đẹp.
Hoàng Anh