Từ các chương trình, dự án đầu tư, đường giao thông lên xã vùng cao Yên Lập (Cao Phong) đã được cứng hóa, thuận tiện cho việc đi lại, giao thương của nhân dân.
Đồng chí Bùi Văn Bền, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Trong năm 2018, tại 3 xóm vùng đặc biệt khó khăn của xã có 3 công trình được Chương trình 135 đầu tư xây dựng. Ngoài công trình đường giao thông nông thôn, có 2 công trình kiên cố kênh mương làm ở xóm Chao và xóm Nếp, trị giá đầu tư mỗi công trình trên 200 triệu đồng.
Đồng bào vùng dân tộc ở các xóm: Ngái, Đảy, xã Yên Lập; Đai, Um 3, xã Yên Thượng; Mừng, Cạn 2, xã Xuân Phong dịp Tết vừa qua cũng được hưởng niềm vui đường giao thông nông thôn mới. Với mức đầu tư trên 1 tỷ đồng/xã, các địa bàn vùng khó khăn đã ưu tiên lựa chọn đầu tư công trình giao thông, thủy lợi giúp cải thiện sản xuất, nâng cao đời sống dân sinh. Trong đó, đường giao thông xóm Đai, Um 3 có giá trị đầu tư trên 1 tỷ đồng/công trình, ngân sách Nhà nước hỗ trợ 900 triệu đồng/công trình. Hai tuyến đường giao thông vành đai xóm Ngái và giao thông xóm Đảy, xã Yên Lập có tổng mức đầu tư trên 1 tỷ đồng. Đường giao thôngxóm Mừng và xóm Cạn 2, xã Xuân Phong cũng có tổng mức đầu tư trên 1 tỷ đồng.
Đồng chí Bùi Đăng Khoa, Trưởng phòng Dân tộc huyện Cao Phong cho biết: Toàn huyện có 4 xã vùng đặc biệt khó khăn và 14 xóm đặc biệt khó khăn của xã khu vực II. Giai đoạn 2014 -2018, Chương trình 135 đã đưa vào quản lý, vận hành, sử dụng các công trình đạt hiệu quả, góp phần quan trọng cải thiện hạ tầng cơ sở, nâng cao đời sống bà con vùng đồng bào dân tộc. Năm 2018, huyện được phân bổ 19 danh mục về hạ tầng, tổng mức đầu tư hơn 10,4 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách T.Ư hỗ trợ gần 10,2 tỷ đồng, còn lại nhân dân đóng góp. Các hạng mục đầu tư của năm tập trung vào làm đường giao thông (16 công trình), 2 công trình kênh mương và 1 nhà văn hóa xóm. Nguồn vốn đã được cấp trên 6,8 tỷ đồng, gần 3,4 tỷ đồng chuyển tiếp sang năm 2019.
Hệ thống giao thông nông thôn ở các xã vùng đặc biệt khó khăn từng bước được đầu tư nâng cấp đã đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, tạo đà phát triển KT-XH trong vùng. Bên cạnh đó, chính sách dân tộc đã hỗ trợ phát triển sản xuất tại các xã nghèo bằng hình thức hỗ trợ tiền mua con giống. Năm 2018, dự án đã hỗ trợ trên 1,4 tỷ đồng mua bò lai sind sinh sản, cây keo lai, phân bón NPK Lâm Thao, lợn nái sinh sản, cây nhãn giống, gà, cá lồng, bàn giao cho các hộ hưởng lợi. Thực hiện Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trên địa bàn có 1.603 hộ hưởng lợi, trong đó 371 hộ được cấp gần 4,6 tấn muối I ốt 356 hộ được cấp 120.242.000, giống cây trồng. Thực hiện chính sách vay vốn tín dụng ưu đãi theo Quyết định số 2085/QĐ -TTg, ngày 30/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng chính sách xã hội huyện đã hoàn thiện hồ sơ cho 20 hộ nghèo vay vốn, giá trị món vay 35 triệu đồng/hộ, tổng vốn giải ngân 700 triệu đồng.
Đồng chí Nguyễn Văn Long, Chủ tịch UBND huyện Cao Phong nhận định: Tình hình vùng đồng bào dân tộc trên địa bàn ổn định. Các chương trình, dự án, chính sách dân tộc đã thúc đẩy sản xuất, tạo diện mạo đổi thay về KT - XH ở vùng đặc biệt khó khăn, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Các chương trình, dự án, chính sách dân tộc cũng đóng góp lớn cho Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình xây dựng NTM thông qua đầu tư hoàn thiện các tiêu chí về giao thông, thủy lợi, nhà văn hóa, hình thức tổ chức sản xuất, thu nhập, hộ nghèo.
Từ các chương trình, dự án đầu tư, đường giao thông lên vùng cao xã Yên Lập (Cao Phong) đã được cứng hóa, thuận tiện cho việc đi lại, giao thương của nhân dân.
Thu Hằng