(HBĐT) - Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng những năm qua, huyện Đà Bắc luôn nỗ lực nâng cao hiểu biết, nhận thức về pháp luật cho người dân. Nhờ đổi mới nội dung, hình thức nên công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (TTPBGDPL) trên địa bàn huyện đạt được những hiệu quả thiết thực.
Người dân xã Tân Minh tham gia buổi tuyên truyền pháp luật, trợ giúp pháp lý do Phòng Tư pháp huyện Đà Bắc phối hợp Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh tổ chức.
Đà Bắc là huyện vùng cao, địa hình đồi núi phức tạp, giao thông cách trở, điều kiện KT-XH còn nhiều khó khăn, hiểu biết pháp luật của người dân chưa đồng đều. Ở nhiều địa bàn vùng cao, vùng sâu, việc tiếp cận pháp luật của bà con hạn chế. Theo đồng chí Bùi Thanh Hải, Phó Trưởng phòng Tư pháp huyện Đà Bắc, dù còn khó khăn về nguồn kinh phí, nhân lực nhưng huyện luôn nỗ lực trong công tác TTPBGDPL.
Hàng năm, Phòng Tư pháp chủ động tham mưu cho UBND huyện, phối hợp với các ngành, đoàn thể kiểm tra, đôn đốc các cơ sở trong công tác TTPBGDPL. Huyện chú trọng bồi dưỡng, trang bị kiến thức pháp luật cho các tuyên truyền viên, những hạt nhân trực tiếp tuyên truyền pháp luật đến bà con. Ngoài ra, Phòng Tư pháp làm tốt công tác phối hợp với các ngành, đoàn thể, tổ chức tuyên truyền pháp luật lồng ghép trong các hội nghị. Trong năm qua, huyện tổ chức được 233 cuộc TTPBGDPL với trên 15.400 lượt người tham gia. Trong đó, có 10 cuộc tuyên truyền cấp huyện, hơn 200 cuộc tuyên truyền cấp xã.
"Xuất phát từ nhu cầu của bà con và tình hình thực tế vi phạm pháp luật, chúng tôi tập trung tuyên truyền các luật như: Hôn nhân và gia đình, Đất đai, Giao thông đường bộ, Hình sự, Dân sự, Nghĩa vụ quân sự... Hình thức tuyên truyền ngày một đa dạng, ngoài tuyên truyền thông qua các hội nghị, băng rôn, khẩu hiệu, trợ giúp pháp lý, chúng tôi còn tổ chức các cuộc thi theo hình thức sân khấu hóa nên hiệu quả đem lại ngày càng cao”- đồng chí Bùi Thanh Hải cho biết.
Nhằm hỗ trợ các đối tượng yếu thế, nhất là phụ nữ, tháng 8/2018, huyện Đà Bắc thành lập câu lạc bộ "Phụ nữ với pháp luật” tại xã Tu Lý. Sau hơn nửa năm hoạt động, đến nay, câu lạc bộ duy trì sinh hoạt thường xuyên mỗi tháng một lần, nội dung sinh hoạt đa dạng đã thu hút đông đảo chị em tham gia. Đây là mô hình được huyện chú trọng nhân rộng trong thời gian tới.
Nói về những nỗ lực trong việc đưa pháp luật đến những địa bàn khó khăn của huyện vùng cao Đà Bắc, không thể không kể đến những cán bộ của Chi nhánh Trợ giúp pháp lý số 1. Hơn 10 năm công tác ở huyện vùng cao Đà Bắc, chị Đinh Thị Quyến, cán bộ Trung tâm Trợ giúp pháp lý có nhiều kỷ niệm đáng nhớ trong hành trình "cõng” luật lên non. Đó là những ngày trèo đèo, vượt suối, 2 - 3 ngày ở lại cơ sở, những nỗ lực trong việc truyền tải kiến thức pháp luật đến các cụ già nghe chưa thạo, nói chưa sõi tiếng phổ thông... Hiện nay, những chuyến đi phần nào đỡ vất vả khi đường giao thông đã thuận lợi, đặc biệt là nhận thức về pháp luật của bà con đã có nhiều chuyển biến tích cực. "Từ năm 2010 trở lại đây, với sự quan tâm của các cấp chính quyền, công tác trợ giúp pháp lý, đưa kiến thức pháp luật đến người dân đã thuận lợi hơn. Tại các hội nghị tuyên truyền, các buổi trợ giúp pháp lý, bà con đưa ra nhiều câu hỏi mong được giải đáp, có cuộc kéo dài đến quá giờ làm việc mới kết thúc. Trong năm 2018, Trung tâm đã tổ chức trợ giúp pháp lý ở 17 điểm trên địa bàn 10 xã, với hàng nghìn người dân tham gia” - chị Đinh Thị Quyến cho biết.
Với những nỗ lực trong công tác TTPBGDPL, nhận thức, hiểu biết pháp luật của bà con huyện vùng cao Đà Bắc được nâng cao, góp phần vào việc đảm bảo ANTT ở địa phương. Đồng chí Bùi Thanh Hải, Phó Trưởng phòng Tư pháp huyện nhấn mạnh: "Hình thức sân khấu hóa đem lại hiệu quả cao nhưng cần nguồn kinh phí lớn. Do đó, trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục chú trọng việc tập huấn cho các tuyên truyền viên ở các xã, thị trấn, nhân rộng mô hình câu lạc bộ "Phụ nữ với pháp luật”. Đồng thời, cung cấp tài liệu cho câu lạc bộ và các cơ sở để nâng cao hiệu quả trong công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật đến người dân”.
Viết Đào