Tự ý ban hành, thực hiện chủ trương cho thuê đất, thu thêm lệ phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng (GCNQSD) đất ngoài quy định, để các thôn tự thu, tự chi sai nguyên tắc xây dựng nông thôn mới, chậm xử lý sai phạm sau khi được phát hiện… là thực trạng đã và đang tồn tại ở xã Kỳ Ninh, thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) gây bức xúc trong dư luận và ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng tại địa phương này.


Năm 2018, xã Kỳ Ninh, thị xã Kỳ Anh đã được công nhận đạt chuẩn NTM, tuy vậy quá trình quản lý nguồn kinh phí huy động từ nhân dân ở địa phương này vẫn tồn tại những hạn chế, khuyết điểm.

Lần theo những phản ánh của người dân, chúng tôi có mặt tại xã Kỳ Ninh (thị xã Kỳ Anh) để tìm hiểu rõ hơn về những sai phạm trong quản lý đất đai ở địa phương này. Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà nhỏ của mình ở xóm Tân Tiến (Kỳ Ninh), ông Lê Quân và bà Đặng Thị Hoàn chia sẻ: Năm 2017, thực hiện có chủ trương cấp đất ở xen kẹt tại khu dân cư cho các hộ dân trên địa bàn, gia đình chúng tôi đã được UBND xã xét cấp một suất đất có diện tích 310 m2. Theo giá đất niêm yết tại thời điểm đó, gia đình chúng tôi đã nộp vào ngân sách nhà nước với số tiền hơn 60 triệu đồng (bao gồm tiền sử dụng đất và tiền trước bạ). Ngoài ra, theo quy định của xã, chúng tôi còn phải đóng thêm 20 triệu đồng vào quỹ của xã để xây dựng nông thôn mới (NTM). Tại thời điểm đó, không riêng gì gia đình chúng tôi, các hộ được xét cấp đất cũng phải đóng thêm từ 20 đến 30 triệu đồng cho xã.

"Nói là tự nguyện nhưng họ quy định ít nhất mỗi hộ phải nộp 20 triệu đồng. Mặc dù điều kiện gia đình rất khó khăn nhưng nếu không chấp hành chủ trương trên thì chúng tôi sẽ không được cấp đất nên gia đình nào cũng phải đóng thêm một khoản tiền ngoài quy định”, bà Đặng Thị Hoàn cho biết.

Lý giải về chủ trương "vận động” các hộ dân nộp thêm tiền cho xã khi được cấp đất, Trưởng thôn Tân Tiến (Kỳ Ninh) Trần Hạo cho biết, so với giá đất thị trường thì giá đất cấp của các hộ này thấp hơn nhiều. Chính vì họ được ưu tiên nên họ phải thực hiện thêm "nghĩa vụ” đối với địa phương. Không riêng thôn Tân Tiến, những hộ dân được cấp đất ở thôn khác cũng phải đóng nộp số tiền tương ứng khi được giao đất bởi đây là chủ trương chung của xã. Qua tìm hiểu được biết, chỉ tính từ tháng 1-2016 đến tháng 11-2018, UBND xã Kỳ Ninh đã xét cấp 26 lô đất ở xen kẹt cho các hộ dân trên địa bàn. Theo phản ánh của người dân, bên cạnh việc thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định thì bình quân mỗi hộ được cấp đất phải đóng nộp thêm từ 20 đến 30 triệu đồng. Trong khi đó, theo số liệu từ Kho bạc nhà nước thị xã Kỳ Anh, đơn vị này chỉ tiếp nhận các nguồn thu theo quy định của Nhà nước (bao gồm tiền sử dụng đất và tiền trước bạ). Như vậy, câu hỏi đặt ra, số tiền hàng trăm triệu đồng do người dân đóng góp được chính quyền địa phương sử dụng như thế nào? Bên cạnh những khuất tất trong quản lý, sử dụng nguồn kinh phí thu ngoài quy định, nhiều ý kiến còn cho rằng, có những trường hợp mặc dù không thuộc đối tượng được cấp đất xen kẹt nhưng vẫn được lãnh đạo địa phương ưu ái xét cấp đất.

Liên quan việc cấp đổi GCNQSD đất tại xã Kỳ Ninh thời gian qua, dư luận người dân rất bức xúc về tiến độ thực hiện việc cấp đổi GCNQSD đất, thái độ cửa quyền, hách dịch của cán bộ địa chính, nghiêm trọng hơn, cán bộ địa chính địa phương này còn thu thêm tiền lệ phí ngoài quy định để dùng chi tiêu cá nhân. Cụ thể, mặc dù HĐND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành nghị quyết và quy định rất rõ về mức phí và lệ phí đối với việc cấp đổi GCNQSD đất tại những khu vực cụ thể, song quá trình tiếp nhận và xử lý hồ sơ của người dân, cán bộ địa chính xã Kỳ Ninh đã thu vượt số tiền so với quy định. Theo phản ánh của hầu hết ban cán sự các thôn và người dân xã Kỳ Ninh, trong giai đoạn từ năm 2015 đến 2018, bình quân mỗi hồ sơ cấp, đổi GCNQSD đất đều bị thu phí, lệ phí vượt mức trên 20%. "Nếu không có ý kiến chất vấn của cử tri trước Đại biểu HĐND thị xã vào cuối năm ngoái thì không biết đến bao giờ chúng tôi mới phát hiện ra việc làm sai trái của cán bộ địa chính”, Trưởng thôn Tân Thắng (Kỳ Ninh) cho biết. Theo thống kê từ Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Kỳ Anh, từ năm 2016 đến 2018, UBND thị xã Kỳ Anh đã cấp, đổi 888 GCNQSD đất cho các hộ dân ở Kỳ Ninh. Với số lượng GCNQSD được cấp, đổi này, chắc rằng số tiền thu sai quy định của cán bộ địa chính này sẽ không dừng lại ở "mức độ sai phạm trong vòng cho phép” như lý giải của Chủ tịch UBND xã Kỳ Ninh Lê Công Đường.

Theo chia sẻ của các đồng chí lãnh đạo Thị ủy Kỳ Anh, bên cạnh việc xem nhẹ công tác kiểm tra, giám sát đối với cán bộ, công chức để nảy sinh nhiều sai phạm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, với vai trò của người đứng đầu, thời gian qua, Chủ tịch UBND xã Kỳ Ninh Lê Công Đường có lúc còn lúng túng, còn biểu hiện thiếu chặt chẽ, để xảy ra tình trạng vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn, làm cho dư luận quần chúng nhân dân bức xúc, ảnh hưởng xấu đến vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, tháng 4-2018, Chủ tịch UBND xã Kỳ Ninh Lê Công Đường còn ký hợp đồng cho HTX nhôm kính Phạm Tuân thuê 1.083,5 m2 đất sản xuất nông nghiệp làm địa điểm kinh doanh trái thẩm quyền. Ngoài ra, trong công tác quản lý đầu tư xây dựng, Chủ tịch UBND xã Kỳ Ninh đã để xảy ra những vi phạm, khuyết điểm được các cơ quan chuyên môn chỉ ra và đề nghị các cơ quan có thẩm quyền thi hành kỷ luật.

Khác với những bức xúc của đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn về những khuyết điểm, sai phạm của mình, người đứng đầu chính quyền xã Kỳ Ninh lại cho rằng, trong bối cảnh phải dồn sức xây dựng NTM sẽ không tránh khỏi được những sai phạm, lỏng lẻo khi thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. "Bản thân tôi chỉ được đào tạo về một lĩnh vực nhất định nên không thể quán xuyến hết các lĩnh vực kinh tế, xã hội trên địa bàn, không thể làm việc thay cho địa chính. Với lại đây là những sai phạm trong khuôn khổ cho phép, có nhiều việc không thể thực hiện được theo quy trình, quy định vì trong công việc chúng ta còn có những mối quan hệ xã hội khác nữa”, ông Lê Công Đường nói.

Tiếp xúc với chúng tôi, các ý kiến của cán bộ, đảng viên ở thị xã Kỳ Anh đều băn khoăn về công tác kiểm tra, xử lý vi phạm tại Kỳ Ninh. Mặc dù những sai phạm ở địa phương này đã xảy ra trong một thời gian dài nhưng không được phát hiện ngăn chặn. Qua trao đổi với đại điện lãnh đạo Thị ủy Kỳ Anh, chúng tôi được biết, do năm 2018 xã Kỳ Ninh là địa phương đăng ký đạt chuẩn NTM. Địa phương không muốn những vi phạm, khuyết điểm của các tập thể, cá nhân ảnh hưởng đến thành tích chung của xã nên việc xem xét, thi hành kỷ luật đã được thực hiện chậm hơn so với yêu cầu.

Những sai phạm trong quản lý đất đai tại xã Kỳ Ninh đã được người dân và các cơ quan chức năng phản ánh, phát hiện. Tuy vậy, theo ý kiến của người trong cuộc, kết quả kiểm tra, xử lý các vi phạm đó vẫn chưa kịp thời, thiếu thuyết phục. Phải chăng thời gian qua, các cấp ủy đảng ở thị xã Kỳ Anh còn nể nang, né trách khuyến điểm, vi phạm của cán bộ đảng viên, nhất là cấp ủy viên cùng cấp và người đứng đầu. Không ít cán bộ, đảng viên trên địa bàn băn khoăn và đặt ra câu hỏi, việc đánh giá chất lượng đảng viên, nhất là cấp ủy viên trên địa bàn thời gian qua đã kịp thời, chính xác hay chưa?...

TheoNhanDan

Các tin khác


Nam Định: Tai nạn tàu hỏa khiến hai người tử vong

Chiều 17/3, một vụ tai nạn đường sắt đã xảy ra làm hai người tử vong tại chỗ trên tuyến đường sắt Bắc-Nam, đoạn qua địa phận xã Yên Bằng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định.

“CLB Phụ nữ với pháp luật” - hướng mới trong tuyên truyền pháp luật ở Đà Bắc

(HBĐT) - Sau nửa năm thành lập với nhiều hoạt động thiết thực, "CLB phụ nữ với pháp luật” của chi hội phụ nữ xóm Cháu, xã Tu Lý đã mở ra hướng đi mới trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (TTPBGDPL) ở huyện vùng cao Đà Bắc.

Nhân ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3: Xây dựng gia đình và cộng đồng hạnh phúc

(HBĐT) - Năm 2012, các thành viên Liên hợp quốc, trong đó có Việt Nam đã thông qua Nghị quyết lấy ngày 20-3 hằng năm là Ngày Quốc tế Hạnh phúc. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức sơ kết 5 năm triển khai quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện Đề án "Tổ chức các hoạt động nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20-3 hằng năm” và đề ra các giải pháp thực hiện trong thời gian tới.

Huấn luyện, tuyên truyền kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy, thoát nạn cho gần 600 học sinh và giáo viên

(HBĐT) - Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an tỉnh) vừa phối hợp với Trường TH&THCS Tân Hòa (TP Hòa Bình) tổ chức huấn luyện, tuyên truyền kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy, thoát nạn. Chương trình có sự tham gia của gần 600 học sinh và giáo viên nhà trường.

huyện Lạc Sơn: Khơi dậy những tấm lòng thiện nguyện

(HBĐT) - Thêm một tấm lòng thiện nguyện sẽ có hàng chục, thậm chí hàng trăm người được giúp đỡ, sẻ chia. Xác định rõ điều này, những năm qua, Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) huyện Lạc Sơn đã có nhiều nỗ lực để khơi dậy những tấm lòng thiện nguyện.

Lương Sơn: 80 cán bộ Đoàn được tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ công tác Đoàn

(HBĐT) - Trong 3 ngày từ 13 – 15/3, Huyện đoàn Lương Sơn tổ chức tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ công tác Đoàn cho cán bộ làm công tác đoàn khối xã, phường thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, lực lượng vũ trang và trường học trên địa bàn huyện. Tham gia tập huấn có 80 học viên là Bí thư, Phó Bí thư, Ủy viên Ban thường vụ các Đoàn cơ sở.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục