Mặt cầu chắp vá và hư hỏng nặng nên việc đi lại của người dân 2 xóm Mỵ, Ba Giang, xã Mỵ Hòa (Kim Bôi) gặp nhiều khó khăn, nguy hiểm.
Trưởng xóm Ba Giang Bùi Văn Thiện cho biết: Từ năm 2009 trở về trước, khi chưa có cầu, việc đi lại của người dân trong xóm rất khó khăn. Đặc biệt, vào mùa mưa lũ, xóm Ba Giang gần như hoàn toàn bị cô lập. Làm ra được bắp ngô, hạt thóc, nuôi được con gà, con lợn muốn tiêu thụ cũng khó khăn. Các cháu từ mầm non đến THPT thường xuyên phải nghỉ học vì qua sông khi lũ lớn rất nguy hiểm. Có cây cầu, cả làng đều mừng vui. Để gìn giữ cây cầu được bền lâu, chúng tôi kiên quyết chỉ cho mô tô, xe máy, xe đạp và người đi bộ qua bằng cách xây 4 ụ bệ tông ở hai đầu cầu. Hư hỏng đến đâu, sửa chữa ngay đến đó. Tuy nhiên, sau 5 năm sử dụng, đến năm 2014, mặt cầu bắt đầu hư hỏng nặng. Thực hiện phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm”, được sự hỗ trợ của trên cùng công sức, vật liệu do nhân dân đóng góp, xóm đã tập trung khắc phục, sửa chữa. Dù đã rất nỗ lực trong quản lý, bảo vệ, bảo trì, sửa chữa nhưng do tác động của khí hậu, thời tiết, từ đầu năm 2018 đến nay, mặt cầu đã bị hư hỏng nghiêm trọng. Chỉ tính từ ngày 30/4/2019 đến nay, đã có 4 người đi xe máy bị rơi xuống sông, rất may là sông nhiều nước và mọi người đều biết bơi nên không xảy ra hậu quả nghiêm trọng.
Mặt cầu treo vào xóm Ba Giang được xây dựng có 3 lớp, lớp dưới cùng được giằng néo bằng thép và gỗ, lớp thứ 2 và thứ 3 là hai làn đường, mỗi lần rộng khoảng 70 cm, bên dưới là ván đọc và được ốp bằng tôn. Sau 10 năm sử dụng, hầu như toàn bộ gỗ trên mặt cầu đã bị gãy, mục; tôn ốp dọc theo 2 làn đường cũng hoen rỉ, bung gẫy, khiến người và phương tiện qua lại trên cầu chỉ lơ là, thiếu quan sát là xảy ra tai nạn. Ông Quách Công Đại, ở xóm Ba Giang cho biết: Lo nhất là trẻ em đi học không có người lớn đi cùng, bên cạnh đó là những người đi làm ăn xa lâu ngày không về quê và đi vào buổi tối rất dễ gặp tai nạn. Chúng tôi quen rồi, phụ nữ chân yếu, tay mềm thì dắt xe qua cầu, cánh đàn ông thì dang 2 chân ra chống. Những khó khăn nhất là vận chuyển nông, lâm sản, 2 xóm Mỹ và Bà Giang có tổng số 350 ha trồng lúa, màu, cây ăn quả. Cầu hư hỏng nặng nên thường xuyên bị tư thương ép cấp, ép giá.
Chúng tôi có mặt tại xã Mỵ Hòa đúng ngày người dân 2 xóm Mỵ, Ba Giang đang tập trung sửa chữa mặt cầu. Mỗi hộ đóng góp 4 - 5 mảnh ván được xẻ từ gỗ keo hoặc chục thanh tre. Chứng kiến những hình ảnh đó, chúng tôi hiểu đây cũng chỉ là giải pháp tình thế, vì nếu để cầu hỏng hoàn toàn thì sản xuất, sinh hoạt và đời sống của người dân bị ảnh hưởng rất lớn.
Bí thư Đảng ủy xã Mỵ Hòa Bùi Văn Ần cho biết: Thấy rõ tầm quan trọng của cây cầu treo đối với nhiệm vụ phát triển KT-XH ở 2 xóm Mỵ, Bà Giang nói riêng và xã Mỹ Hòa nói chung, Đảng ủy, UBND xã đã chỉ đạo chi bộ 2 xóm vận động nhân dân đóng góp ngày công, vật liệu để sửa chữa. Bên cạnh đó, tại các cuộc tiếp xúc cử tri của HĐND tỉnh và huyện, nhân dân 2 xóm đã nhiều lần kiến nghị, đề xuất. Mặt khác, UBND xã đã có báo cáo, đề xuất UBND huyện. Hiện tại, chúng tôi đề nghị UBND huyện và các cấp có thẩm quyền dành nguồn kinh phí phù hợp để sửa chữa cầu, nhân dân trên địa bàn sẵn sàng tham gia đóng góp ngày công, vật liệu. Về lâu dài, đề nghị các cấp có thẩm quyền xem xét thay thế cầu treo bằng cầu cứng ô tô đi lại được để phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển KT-XH trước mắt và lâu dài.
Đức Phượng