Anh Chu Văn Hai, tổ 26, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình), một trong những hộ thuộc diện phải di dời khỏi vùng trượt sạt nhưng vẫn ở lại để kinh doanh.
Khu vực tổ 26, phường Đồng Tiến có 134 hộ sinh sống dọc bờ sông Đà có nguy cơ sạt lở cao. Trong số này có 35 hộ bị sạt lở nghiêm trọng, nằm trong vùng nguy hiểm, nguy cơ trượt sạt xuống hạ lưu sông Đà. Đã có 9 nhà bị sập lở hoàn toàn xuống sông, 10 nhà sập một phần, 9 nhà sụt lún, 7 nhà có nguy cơ cao bị sạt lở và tình trạng này tiếp tục nghiêm trọng hơn. Chính quyền thành phố có những hỗ trợ ban đầu, xây dựng khu tái định cư Trung Minh để di dời các hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Song còn nhiều khó khăn.
Cuối tháng 5, chúng tôi đến khảo sát thực tế khu vực trượt sạt tại tổ 26, phường Đồng Tiến. Khu vực sạt lở nghiêm trọng đã được quây tôn, vẫn còn dấu vết những ngôi nhà bị đứt gãy đã trượt hết xuống sông, nhiều nhà tiếp tục bị rạn nứt có biểu hiện nghiêng, xệ xuống lòng sông. Và còn nhiều hộ nằm trong vùng nguy cơ trượt sạt vẫn bám trụ sinh sống, làm ăn.
Anh Chu Văn Hai là một trong số hộ dân diện phải di dời khẩn cấp đã xây nhà tạm ở khu tái định cư Trung Minh. Tuy nhiên vẫn ở lại khu vực cảnh báo trượt sạt để kinh doanh lốp ô tô. Anh cho biết: Tôi vay mượn, hùn vốn với người thân mua 15 m mặt đường với giá 1 tỷ đồng, có cả bìa đất (mỗi người góp 500 triệu đồng). Vừa mua nhà, mặt bằng được 2 năm, bất ngờ xảy ra trượt sạt. Bây giờ mà chuyển đi cũng rất khó khăn. Bởi thuê mặt bằng kinh doanh chỗ khác cũng mất từ 4 - 5 triệu đồng/tháng. Ở lại kinh doanh, gỡ gạc đồng vốn bỏ ra, lấy tiền sinh sống được ngày nào hay ngày đó đã...
Bà Nguyễn Thị Bình, Tổ trưởng tổ 26, phường Đồng Tiến cho biết: Các hộ dân vùng trượt sạt đã định cư dọc bờ sông mấy chục năm nay và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xây nhà kiên cố bỗng dưng bị trượt sạt xuống sông Đà. Đến nay, một số hộ đã nhận đất ở khu tái định cư Trung Minh. Có hộ đã xây nhà kiên cố, có hộ làm nhà tạm thời. Tuy nhiên, vẫn còn một số hộ diện phải di dời đã nhận đất ở khu tái định cư, thế nhưng vẫn mượn mặt bằng khu vực nguy cơ trượt sạt để kinh doanh. Trong số các hộ dân nằm vùng nguy cơ trượt sạt đã có 6 nhà mất hết, còn lại là nứt hết phần sau và ngày càng trượt lòng sông. Các gia đình Dương Thị Thanh Vân, Phùng Thị Vân, Nguyễn Văn Chỉnh... có nhà trượt toàn bộ xuống sông Đà đã chuyển đi đến khu tái định cư… Hiện tại, còn khoảng 6 nhà, gồm các hộ: Chu Văn Hai, Nguyễn Văn Biên, Nguyễn Tiến Sinh, Nguyễn Thái Sơn, Lưu Thị Nhung đang ở lại để kinh doanh. Hộ anh Nguyễn Hữu Duy chỉ còn phần đằng trước cố ở lại để bán xe ô tô. Hầu hết các hộ dân là lao động tự do, chủ yếu kinh doanh sửa chữa ô tô, xe máy, kinh doanh lốp, mong muốn được cấp trên quan tâm hỗ trợ kinh phí để ổn định cuộc sống. Vì trước đây, chỉ được hỗ trợ 70 triệu đồng để di chuyển và xây nhà, nhưng chỉ đủ xây móng nhà, hiện, cuộc sống không dễ dàng nên họ cũng cứ nấn ná ở lại để làm ăn. Người dân cũng đã làm cam kết di chuyển khi có mưa gió lớn, nguy cơ trượt sạt xảy ra.
Chủ tịch UBND phường Đồng Tiến Nguyễn Tiến Mạnh cho biết: Vẫn còn một số hộ trong diện phải di dời, nhà đã nứt nẻ ở lại để kinh doanh buôn bán. Khó khăn ở chỗ, khi giao đất tái định cư phải có quyết định thu hồi đất. Nhưng hiện nay, Nhà nước vẫn chưa thực hiện quyết định thu hồi đất. Về mặt pháp lý thì người dân vẫn có quyền sử dụng đất. Trong quá trình vận động giải tỏa, một số hộ dân chưa đồng thuận bàn giao mặt bằng và đến nhận đất ở khu tái định cư. Chính quyền đang theo dõi sát tình hình thời tiết, khi có mưa lũ lớn xảy ra, ứng trực để tổ chức tuyên truyền, vận động, di dời người dân ra khỏi vùng nguy cơ trượt sạt, có thể áp dụng các biện pháp cưỡng chế di dời để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.
Lê Chung