(HBĐT) - Vào thời gian từ tháng 6 đến tháng 8 là bước vào mùa làm măng khô. Năm nay, thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng, măng ít hơn nên người dân làm măng khô muộn hơn. Nắng nhiều là thời điểm lý tưởng để người dân mua măng về chế biến làm măng khô.
Người dân tổ 16, phường Tân Thịnh (TP Hòa Bình) chế biến măng phơi khô để dùng và bán cho khách hàng có nhu cầu.
Đó đây trên các khu dân cư, khu phố, chúng ta dễ dàng bắt gặp cảnh người dân tranh thủ mua các loại măng rừng về chế biến, phơi khô. Măng phơi được nắng vàng ươm, nâu như sợi miến dong, tỏa hương thơm chua dịu, là món quà quý cho người thân, bạn bè.
Măng khô Hòa Bình là nét văn hóa làm cho cuộc sống, bữa ăn của người dân thêm phần thi vị, tạo nên những nét riêng cuốn hút cho ẩm thực của tỉnh. Có người làm măng khô chuyên nghiệp thì thu mua, phơi khô với số lượng lớn. Nhiều người dân tranh thủ thời gian rảnh rỗi, mua măng về tước, thái phơi khô vừa để dùng, vừa làm quà biếu người thân.
Bà Thảo ở tổ 16 năm nào cũng làm măng, cứ vài ngày là mua được mấy chục cân măng về phơi. Bà dậy từ rất sớm, đi lòng vòng các chợ Tân Thành, Vồ, Hữu Nghị tìm mua măng đã luộc về chế biến các loại măng khô. Bà Thảo kể: Năm nay, nắng quá, măng lên muộn hơn nên làm phơi măng cũng muộn hơn cả tháng. Giá măng tươi cũng đắt hơn trước nhiều. Những năm trước, chỉ 7.000 - 8.000 đồng/kg, hiện tại có giá từ 10.000 đồng/kg. Mấy năm gần đây, cứ mỗi khi vào vụ măng là tư thương lên đánh cả ô tô tới các xã vùng cao của huyện Đà Bắc, Mai Châu, Tân Lạc thu mua măng về bán ở tất cả các chợ trong và ngoài tỉnh.
Những người làm măng chuyên nghiệp để kinh doanh thì không biết, nhưng với người dân bình thường mua măng về sơ chế, phơi khô hoàn toàn là thủ công và sạch. Vì mình làm cho chính mình ăn và làm cho người thân dùng. Mỗi lần đi chợ, chỉ mua vài chục cây, đủ loại, từ măng luồng, măng vầu, măng giang, nứa. Đối với măng giang, nứa mua về tước nhỏ thành sợi dài màu vàng ươm. Còn với măng luồng, măng vầu (măng củ) được người dân thấy mầm măng đào từ dưới đất lên chỉ cần thái làm 3 - 4 miếng, nếu củ nhỏ tách đôi để nguyên rồi phơi khô. Tháng 8 nắng gắt từ sớm đến tận chiều, chỉ cần phơi vài buổi là có măng thành phẩm.
Cả khu phố hầu như gia đình nào cũng tranh thủ mua măng về phơi, chủ yếu để dùng nấu, xào các món ăn, cải thiện bữa ăn cho gia đình. Riêng nhà bà Thảo vừa làm cho gia đình ăn vừa tranh thủ làm để bán cho những ai có nhu cầu. Cứ 10 kg măng tươi thì được 0,7 - 0,8 kg măng khô. Có những năm, gia đình bà mua tới mấy tạ măng tươi về phơi khô. Vậy mà làm chẳng kịp để bán. Bà Thảo khoe: Nhiều gia đình tới đây mua mấy kg các loại măng khô mang sang tận Hàn Quốc, Nhật Bản làm quà và làm nguyên liệu cho quán bún, phở cho Việt kiều đấy!.
Theo những người nội trợ có "nghề” thì cách nhận biết măng khô ngon, trước hết là loại măng được làm tự nhiên, không tẩm ướt. Tất cả các loại măng khô thành phẩm đều phải giữ được mùi tự nhiên riêng có, màu sắc của từng loại măng. Đối với măng giang phải tước nhỏ, trải trên bao tải, bìa cát tông mà phơi vài nắng, bảo đảm khô, giòn trông như sợi miến, rau câu phơi vừa dẻo và thơm lừng mùi măng thế mới gọi là mămg ngon. Còn măng củ cũng phải phơi đủ nắng nếu không sẽ bị mốc, chất lượng không được ngon; măng củ khô (gọi là măng lưỡi lợn) cầm chắc nịch nhưng vừa dẻo, vừa dai, khi đóng gói vào túi nhựa để hàng năm cũng không mất mùi...
Hòa Bình được thiên nhiên ưu đãi có tiềm năng lớn để phát triển các sản phẩm từ măng. Măng khô nói riêng và các sản phẩm từ măng của tỉnh từ lâu đã nổi tiếng và có thương hiệu được khách hàng mọi nơi tin dùng. Nhiều loại sản phẩm đặc trưng như: măng đắng đóng gói, măng trúc quân tử, măng khô nấu ngay, măng lưỡi lợn, măng búp tươi, măng củ thái sẵn, măng giang đặc sản, măng nứa khô nấu ngay… ngày càng được người tiêu dùng trong và ngoài nước tin dùng, có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước và chiếm tỷ trọng lớn trên thị trường măng cả nước.
Măng khô Hòa Bình sạch, không ngâm tẩm, khi chế biến an toàn và yên tâm thưởng thức, có thể giữ được cả năm trời vẫn thơm ngon và không bị xuống loại. Đặc biệt, món canh măng củ nấu canh với thịt chân giò, xương sườn lợn, thịt gà, rắc thêm chút hành tươi, mùi tàu hoặc dùng để chế biến các món xào trong ngày lễ, Tết đem lại sắc thái riêng có, đầy thi vị cho bữa ăn, tạo nên sự ấm cúng cho mỗi gia đình.
L.T
(HBĐT) - Cách trung tâm xã gần 5 km, Ba Giang là xóm duy nhất của xã Mỵ Hòa (Kim Bôi) thuộc vùng đặc biệt khó khăn. Cấp ủy và người dân hy vọng xóm sẽ được ưu tiên đầu tư nâng cấp hệ thống điện, đường, trường, trạm. Tuy nhiên, thực tế, sau nhiều lần khảo sát, nhiều dự án đến và đi, còn người dân nơi đây vẫn dang dở một tuyến đường để đi và khao khát một nguồn nước sạch để uống.
(HBĐT) - Huyện đoàn Kim Bôi vừa phối hợp với Huyện đoàn Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa tổ chức chương trình tọa đàm công tác xây dựng tổ chức Đoàn và xây dựng giá trị hình mẫu Thanh niên trong thời kỳ mới tại Huyện đoàn Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa.
Trong khi tuyến đường 10 làn (quận Nam Từ Liêm) có tên tự phát Ngô Minh Dương giữa lòng Thủ đô vẫn chưa lắng xuống, tại Hà Nội lại xuất hiện tên "đường Huyndai" ở con phố chưa đặt tên.
(HBĐT) - Ngày 30/7, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Cao Phong phối hợp với Ngân hàng CSXH huyện tổ chức tập huấn nghiệp vụ quản lý nguồn vốn ủy thác cho vay thông qua tổ chức Hội, đoàn thể cho 65 học viên đến từ 52 tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) và đại diện 13 xã, thị trấn trên địa bàn.
(HBĐT) - Xã Đồng Tâm (Lạc Thủy) hiện có 159 đối tượng là gia đình chính sách, người có công, trong đó có 27 thương binh, 15 bệnh binh, 38 nạn nhân chất độc da cam… Thực hiện phong trào "Đền ơn - đáp nghĩa”, những năm qua, bằng nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực cùng với những chính sách đãi ngộ của Đảng và Nhà nước, xã luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện để các gia đình có cuộc sống ổn định.
(HBĐT) - Hội LHPN xã Lạc Lương (Yên Thủy) vừa phối hợp với Đội cảnh sát giao thông huyện, Trạm Y tế xã tổ chức Hội nghị tuyên truyền phổ biến kiến thức về phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em.