Cán bộ Đội Cảnh sát 113, Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật
tự xã hội (Công an tỉnh) nghe điện thoại đến, đưa vào danh sách
cuộc gọi trêu đùa.
Bức xúc nạn quấy rối số cấp cứu 115
"Không thể tưởng tượng nổi sao có những người đang tâm liên tục gọi quấy rối số khẩn cấp 115, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng con người như vậy! Khoa Hồi sức cấp cứu có 31 người, có người nghỉ thai sản, người đi học, người nghỉ đổi trực, trong khi có 30 - 40 bệnh nhân điều trị/ngày. Công việc bận rộn, nhất là khi có ca cấp cứu, nhưng cán bộ lại phải phân tâm vào việc trả lời các cuộc gọi quấy rối. Đặc biệt, vào buổi tối, đêm, mỗi ca trực từ 17h hôm trước đến 7h hôm sau chỉ có 2 bác sỹ, 4 điều dưỡng. Song có hàng trăm cuộc gọi đến với nội dung cũng không tưởng, từ trêu đùa, chửi bới, nhầm số, đến dụ con ăn, báo tin giả, trẻ con gọi chơi...” - Bác sỹ Tạ Huy Kiên, Khoa Hồi sức cấp cứu bức xúc.
Minh chứng điều này, chỉ trong 15 phút ngồi cạnh điện thoại đầu số 115, phóng viên đã chứng kiến 6 cuộc gọi đến, từ giọng trẻ con trêu đùa đến thanh niên chửi bới, nháy máy... Trong khi các bác sỹ, điều dưỡng đang phải tập trung xử trí 2 ca cấp cứu đột quỵ, giải thích cho người nhà.
Theo các bác sỹ, hậu quả của việc quấy rối không chỉ gây ức chế cho người nghe máy mà ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng con người. Trong tháng 7/2019 có trường hợp bệnh nhân Bùi Thanh T., 25 tuổi bị đa chấn thương do va chạm giao thông. Một số người phản ánh đã gọi số 115 chờ xe cấp cứu nhưng máy bận liên tục. Truy lại giờ gọi, cán bộ khoa xác định trong lúc đó liên tục có cuộc gọi đến quấy rối.
Khoa tiếp nhận đầu số 115 từ tháng 4/2019, từ đó đến nay, các cán bộ rất bức xúc và đã báo cáo tình hình lên Ban Giám đốc Bệnh viện. Các bác sỹ đề nghị: Xem xét có bộ phận chuyên trách tiếp nhận đầu số 115 và quản lý vận chuyển bệnh nhân; nhà mạng phối hợp truy tìm các số quấy rối để xử lý; nhân dân có ý thức hơn, bởi hậu quả là nghiêm trọng khi có người cấp cứu thật mà không gọi được.
Gọi đến số 114 để... tâm sự, chửi bới hoặc không nói gì
Nạn quấy rối còn xảy ra với đầu số báo cháy, cứu nạn 114 do Cảnh sát phòng cháy chữa cháy tiếp nhận, quản lý. Một buổi tối đầu tháng 8/2019, phóng viên trải nghiệm tại phòng trực điện của Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an tỉnh). Cũng chỉ trong 1h, chúng tôi đếm được tới 30 cuộc nháy máy đến số 114. Khi trung sĩ Nguyễn Đăng Phú alô trả lời số 0365853xxx thì bên kia không nói gì.
Đại úy Trần Trung Thịnh cũng bức xúc: Hôm nay mát trời, chứ có hôm tính cả nháy máy đến hàng nghìn cuộc gọi. Có số có lẽ bật chế độ tự gọi lại nên nháy đến hàng trăm cuộc trong 1h. Cuộc gọi quấy rối có cả ngày nhưng nhiều hơn vào buổi trưa, tối, đêm. Đa số giọng trẻ tuổi, cả nam lẫn nữ. Vừa qua có trường hợp báo cháy ở phường Chăm Mát (TP Hòa Bình) lúc gần 23h, nhưng xác minh thì không có vụ việc.Khi bị quấy rối, tốc độ xử lý thông tin trong trường hợp khẩn cấp bị chậm. Mặt khác, vì có nhiều tin giả nên cán bộ trực phải xác minh cuộc gọi đến. Khi có cháy thật, lửa bùng phát rất nhanh và nhiều người nóng lòng lại thắc mắc sao cán bộ hỏi nhiều thế?!.
Trước đây, có một nữ giáo viên trẻ ở huyện Đà Bắc liên tục gọi đến số 114 suốt cả năm, có lúc không nói gì, lúc chửi, lúc tâm sự... Trước tình hình đó, Phòng quyết tâm truy tìm người gọi và đến làm việc với cơ quan công tác, yêu cầu viết kiểm điểm, cam kết không tái phạm.
Mặc dù vô cùng bức xúc nhưng Phòng quán triệt cán bộ, chiến sỹ (CB, CS) giữ thái độ nghiêm túc khi làm việc, trả lời bình tĩnh, không cáu gắt. Đồng thời giải thích:"Đây là số máy trực báo cháy, cứu nạn khẩn cấp. Nếu không có việc cần thiết đề nghị không làm phiền”.Đây cũng là một cách tuyên truyền để giảm tái phạm.
Chặn các đầu số quấy rối
Đầu số 113 do Cảnh sát 113 tiếp nhận các phản ánh về ANTT cũng trong tình trạng bị quấy rối, cũng có cuộc gọi đến báo tin giả, buồn gọi chơi, con hư gọi dọa... Phó trưởng phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an tỉnh) Nguyễn Đức Thắng cho biết: Trước thực trạng đó, từ tháng 2/2019, lực lượng được trang bị phần mềm quản lý cuộc gọi có thể chặn các cuộc gọi xấu.
"Reng... reng... alô”. Đáp lại tiếng của đại úy Nguyễn Văn Tuyển là tiếng tút.. tút... phát ra liên hồi từ số 0349327xxx. Đồng chí đã bấm đưa số máy này vào danh sách cuộc gọi trêu đùa để theo dõi. Nếu tiếp tục trêu đùa thêm 2 lần nữa sẽ có thể bị chặn gọi đến số 113.
Từ khi áp dụng phần mềm, tình trạng quấy rối số 113 giảm. Số tin báo giả, tin sai trước chiếm hơn 50% cuộc gọi, nay giảm còn khoảng 5%. Đến hết tháng 7/2019, đơn vị đã đưa vào danh sách cuộc gọi quấy rối 5.519 số. Những số bị chặn nếu có việc khẩn cấp thật cũng không thể gọi đến số 113 nữa do những hành vi tự gây ra. Việc chặn này có thể 1 tháng, 10 năm... tùy mức độ quấy rối. Thông thường 1 số từ 3 cuộc gọi quấy rối trở lên sẽ đưa vào danh sách xấu.
Theo Thượng tá Nguyễn Đức Thắng, để ngăn chặn nạn quấy rối các đầu số khẩn cấp, các số 115, 114 nên được trang bị phần mềm chặn cuộc gọi xấu như số 113. Người nghe máy cần giữ thái độ nghiêm túc, giải thích để người dân thấy gọi đến các đầu số không phải là trò đùa. Nhà mạng, Sở TT&TT phối hợp xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm.
Các đầu số khẩn cấp là phương tiện truyền tin, công cụ hỗ trợ cộng đồng trong trường hợp khẩn cấp liên quan đến sức khỏe, tính mạng con người, ANTT, an toàn xã hội. Gọi đến quấy rối không chỉ vi phạm pháp luật mà còn tương đồng với việc chống lại lợi ích cộng đồng, cần được ngăn chặn, nghiêm trị.
- Điều 66, Nghị
định số 174/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt hành chính trong
lĩnh vực bưu chính, viễn thông vô tuyến điện: Hành vi sử dụng thông tin số
nhằm quấy rối tổ chức, cá nhân bị phạt từ 10-20 triệu đồng. |