Đây là thông tin Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) đưa ra chiều 17-9, tại cuộc trao đổi với báo chí về vấn đề liên quan đến những đề xuất lớn của tổ chức Công đoàn trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) như thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi của người lao động (NLĐ). Số liệu khảo sát này cũng cho thấy, Việt Nam thuộc các nhóm nước có thời gian nghỉ phép và thời gian nghỉ lễ, tết trung bình thấp so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
Theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi là vấn đề lớn trong Bộ luật Lao động của tất cả các nước trên thế giới và đây luôn là vấn đề được người lao động quan tâm nhất trong các vấn đề họ quan tâm. Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi ở từng thời kỳ và ở các quốc gia khác nhau thì quy định khác nhau trên cơ sở thực hiện hoặc tham khảo tiêu chuẩn lao động quốc tế.
Tuy khác nhau, nhưng có điểm chung là xã hội càng phát triển và càng về sau, thì các quy định càng tiến bộ hơn so với trước. Giảm thời giờ làm việc, tăng thời giờ nghỉ ngơi là vấn đề đang được các cấp công đoàn Việt Nam đặc biệt quan tâm trong quá trình sửa đổi Bộ luật Lao động.
Ônng Lê Đình Quảng, Phó Trưởng Ban Quan hệ Lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, cơ sở chính trị - pháp lý của đề xuất giảm thời giờ làm việc cho người lao động nằm ở quy định trong các Công ước: Trong nỗ lực giảm giờ làm cho mọi loại hình công việc, Đại hội đồng Tổ chức Lao động quốc tế (1935) đã thông qua Công ước số 47 về tuần làm việc 40 giờ. Theo đó, Điều 1 của Công ước 47 xác định, "cần thiết tiếp tục các nỗ lực giảm giờ làm cho mọi loại hình công việc đến mức có thể"; và "Nguyên tắc tuần làm việc 40 giờ được áp dụng mà tiêu chuẩn sống không bị giảm bớt do việc thực hiện này". Mục tiêu này để giới hạn thời giờ cũng được phản ánh trong Khuyến nghị về Giảm Thời giờ làm việc Số 116.
Về cơ sở thực tiễn, Tổng LĐLĐ Việt Nam khẳng định, xu hướng giảm giờ làm là xu hướng tiến bộ của loài người trên cơ sở phát triển của lực lượng sản xuất, bảo đảm tăng năng suất lao động, phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp nhưng duy trì được sức khỏe, khả năng tái tạo sức lao động cũng như có thời gian chăm sóc gia đình và tham gia các hoạt động xã hội của người lao động.
Thời gian làm việc dài có thể tạo ra những hậu quả nghiêm trọng với cả người lao động lẫn doanh nghiệp, đến từ việc xáo trộn nhịp sinh học, cuộc sống gia đình và xã hội, tạo ra ảnh hưởng tiêu cực đến tâm trạng, sức khỏe và hiệu suất trong công việc.
Trong thời gian qua, vấn đề thời giờ làm việc kéo dài là một trong những nguyên nhân dẫn đến xung đột, tranh chấp lao động, ngừng việc và đình công. Nhóm yêu sách về thực hiện các quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi chiếm tỷ lệ cao thứ hai sau tiền lương trong yêu sách của các cuộc ngừng việc, đình công, đặc biệt là yêu sách giảm tăng ca của công nhân.
Nhiều cuộc khảo sát, điều tra đời sống công nhân lao động của Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng LDLĐ Việt Nam) và của các tổ chức khác cho thấy rõ ảnh hưởng xấu của thời giờ làm việc kéo dài đến cuộc sống của người lao động, từ mất cơ hội tìm bạn đời, thể hiện tình cảm, quan tâm chăm sóc giữa vợ - chồng đến thực hiện trách nhiệm chăm sóc con cái, tác động đặc biệt lớn đến nhóm lao động có con nhỏ. Tiền lương làm thêm giờ đối với phần lớn người lao động không đủ bù đắp các chi phí xã hội như thuê người đón con, trông con ngoài giờ hoặc tái sản xuất sức lao động.
Giảm giờ làm sẽ bảo đảm hài hòa với các yếu tố sức khỏe, xã hội, góp phần tăng thu nhập, việc làm cho người lao động, có thể tăng số lượng lao động tham gia vào thị trường lao động, tạo điều kiện để người lao động có thêm thời gian tái tạo sức lao động, học tập nâng cao trình độ, kỹ năng, hướng tới việc làm bền vững.
Do đó, Tổng LĐLD Việt Nam đề nghị xem xét giảm thời giờ làm việc bình thường của người lao động từ "48 giờ trong một tuần” xuống "44 giờ trong một tuần” vào thời điểm hiện nay là cần thiết và có cơ sở.
Bên cạnh đó, Công đoàn Việt Nam cũng đề xuất tăng thêm một số ngày nghỉ trong năm. Với số ngày nghỉ lễ, Tết trong năm rất thấp, lao động trong nhiều ngành kinh tế, chủ yếu là lao động di cư nên việc tăng thêm mỗi năm ít nhất ba ngày nghỉ là cần thiết. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đề xuất hai phương án cụ thể.
Phương án 1: Nghỉ Quốc khánh bốn ngày, từ 2-5-9 hằng năm (phương án này ngoài mang lại lợi ích chung cho tất cả mọi người, còn giúp các gia đình trẻ có thời gian, điều kiện chuẩn bị cho con bước vào năm học mới, bố mẹ đưa con đến trường trong ngày khai giảng năm học). Phương án 2: Nghỉ một ngày vào Ngày Gia đình Việt Nam 28-6 và hai ngày thêm vào ngày nghỉ Tết Dương lịch.