Chương trình giảm nghèo được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo và đạt được những kết quả quan trọng. Đơn cử như tại xã Mông Hóa (Kỳ Sơn) đã huy động tốt các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, thực hiện hiệu quả chương trình giảm nghèo bền vững. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Phó Bí thư TT Đảng ủy xã cho biết: Công tác giảm nghèo đạt được kết quả cao. Cơ sở vật chất, hệ thống trường học, trạm xá, nhà văn hóa, giao thông thủy lợi được đầu tư ngày càng phục vụ tốt hơn đời sống của người dân. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn đã giải quyết việc làm và tạo thu nhập cho nhiều lao động. Hầu như hộ nào cũng có người làm công nhân, thu nhập bình quân của người lao động đạt từ 4,5-9 triệu đồng/tháng. Xã cũng đã chú trọng hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sản xuất, trồng rừng kinh tế, phát triển chăn nuôi, mở mang các ngành nghề phụ đem lại hiệu quả khá cao. Chất lượng cuộc sống người dân không ngừng được nâng lên. Năm 2017, xã đạt chuẩn nông thôn mới. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 45,5 triệu đồng, hộ nghèo giảm còn 2,05%.
Thông qua các sàn giao dịch việc làm, nhiều lao động đã tìm được việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững. Ảnh: Phiên giao dịch việc làm TP Hòa Bình năm 2019.
Không chỉ có các xã ở vùng thuận lợi, nhiều xã vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh cũng tạo được kết quả khả quan trong giảm nghèo bền vững từ các chương trình, dự án đầu tư phát triển KT-XH. Giai đoạn 2016-2018, tỉnh đã huy động nguồn lực thực hiện các chính sách giảm nghèo 1.874,37 tỷ đồng, trong đó, nguồn ngân sách Nhà nước 1.817,25 tỷ đồng; nguồn nhân dân đóng góp thông qua Quỹ Ngày vì người nghèo và huy động từ các nguồn lực xã hội khác 57,121 tỷ đồng. Từ nguồn lực này đã thực hiện các chính sách hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi, khám, chữa bệnh cho người nghèo, hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập, hỗ trợ phát triển sản xuất, đầu tư hạ tầng, hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động... đã từng bước cải thiện đời sống nhân dân.
Riêng nguồn vốn thực hiện chương trình GNBV giai đoạn 2016 - 2018 là 627, 2 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư phát triển là 475,8 tỷ đồng, vốn sự nghiệp 151,3 tỷ đồng, nguồn vốn dân đóng góp 25,1 tỷ đồng. Từ nguồn lực này đã đầu tư Chương trình 30a (huyện Kim Bôi và Đà Bắc); đầu tư cho các dự án 135 tại trên địa bàn.
Nhìn chung, các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo, đào tạo nghề và giải quyết việc làm đã được triển khai kịp thời, có hiệu quả, đúng đối tượng thụ hưởng, góp phần quan trọng trong việc phát triển sản xuất, ổn định và nâng cao đời sống nhân dân; mức sống, thu nhập của các hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện rõ rệt. Hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu được quan tâm đầu tư đồng bộ; tiến bộ khoa học từng bước được áp dụng, chuyển đổi cơ cấu giống vật nuôi, cây trồng cho chất lượng tốt và sản lượng cao. Chất lượng giáo dục, đào tạo dần được nâng cao, công tác dạy nghề và tạo việc làm đạt kết quả khả quan.
Việc thực hiện các chương trình, dự án của Chương trình MTQG GNBV trên địa bàn tỉnh đã đạt kết quả tích cực. Cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 18%, tương đương 38.293 hộ nghèo; hàng năm, giảm bình quân 3,19%, đạt chỉ tiêu đề ra. Năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn là 14,9% (31.947 hộ nghèo/214.442 hộ dân), giảm 3,1% so với năm 2017 và giảm 9,48% so với đầu năm 2016, tương ứng giảm bình quân mỗi năm 3,16%, đạt mục tiêu đề ra. Đối với 2 huyện nghèo, tỷ lệ hộ nghèo chung dự kiến giảm còn 26,32%, tương ứng bình quân mỗi năm giảm 4,82%, đạt mục tiêu đề ra. Với việc thực hiện chính sách giảm nghèo hiệu quả, đến hết năm 2017, huyện Kim Bôi theo đánh giá đã thoát khỏi tình trạng ĐBKK. Thu nhập của các hộ tham gia dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo tăng 20%/năm trở lên, bình quân mỗi năm có ít nhất 15% hộ tham gia thoát nghèo, thoát cận nghèo, đạt mục tiêu đề ra. 100% số cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp được tập huấn nâng cao năng lực. 100% người nghèo, người dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng có điều kiện KT-XH khó khăn, người sinh sống tại vùng KT-XH ĐBKK được cấp thẻ BHYT miễn phí. 100% hộ cận nghèo được hỗ trợ tham gia mua BHYT. 100% hộ nghèo được hỗ trợ tiền điện theo quy định. 100% đối tượng thuộc diện được hưởng chính sách miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập được thực hiện đầy đủ. Cơ sở hạ tầng vùng ĐBKK tiếp tục được cải thiện, 100% các xã thuộc Chương trình 135 đều có trường tiểu học và THCS, điện sinh hoạt, đường ô tô đến trung tâm xã, 100% xã có trạm y tế, đảm bảo thực hiện công tác vệ sinh phòng dịch, khám chữa bệnh thông thường.
Mặc dù vậy, một số mục tiêu chương trình còn chưa đạt kế hoạch đề ra như: 20-30% số xã, thôn, bản ĐBKK thoát khỏi tình trạng ĐBKK; số thôn, bản có đường xe cơ giới, tỷ lệ trạm y tế được chuẩn hóa, tỷ lệ công trình thủy lợi nhỏ, hạ tầng giáo dục, văn hóa; tỷ lệ hộ nghèo được hỗ trợ phương tiện nghe, nhìn... Hiện nay, UBND tỉnh đang chỉ đạo các ngành, địa phương rà soát, đánh giá kết quả chương trình GNBV, tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư thực hiện Đề án giảm nghèo tỉnh giai đoạn 2016-2020 với mục tiêu: giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2019 - 2020 bình quân 3%/năm, trong đó, các huyện nghèo giảm bình quân từ 4-5%/năm.
Linh Trang
(HBĐT) - Chiều 26/9, tại huyện Yên Thuỷ, Công ty CP Bảo hiểm Ngân hàng nông nghiệp – Chi nhánh Hà Nội (ABIC Hà Nội) phối hợp với Agribank Yên Thuỷ tổ chức Lễ chi trả quyền lợi bảo hiểm cho 9 khách hàng vay vốn tại Agribank Yên Thuỷ có tham gia bảo hiểm Bảo an tín dụng nhưng không may gặp rủi ro. Dự và chứng kiến lễ chi trả có đại diện lãnh đạo huyện Yên Thuỷ và Agribank Hoà Bình.