Một số gia đình dựng nhà tại khu vực ven đường để ở tạm sau cơn bão lịch sử xảy ra từ tháng 10/2017. Ảnh chụp tại gia đình bà Bùi Thị Quy ở xóm Sào Vót, xã Lạc Sỹ (Yên Thủy).
Đợt mưa lũ lịch sử diễn ra vào tháng 10/2017 gây thiệt hại nặng nề về kinh tế, nhiều công trình hạ tầng thiết yếu bị hư hỏng nặng. Theo thống kê, toàn xã có 34 hộ nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao. Tuy nhiên, đến nay, số lượng nhà nằm trong khu vực nguy hiểm đã nâng lên trên 40 hộ dân, sinh sống rải rác tại các xóm: Nghia, Dân Lập, Thống Nhất, Thượng, Sào Vót. Do thiếu đất ở, hầu hết các hộ dân đều lựa chọn khu vực chân núi, ven sườn đồi hoặc dọc theo khu vực suối Sào để dựng nhà để ở. Tuy nhiên, đây là những khu vực xung yếu có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt trượt khi mưa lớn kéo dài tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của nhân dân.
Khảo sát thực tế tại khu vực suối Sào, khu vực tiềm ẩn nguy cơ xảy ra lũ quét, tình trạng ngập úng khi nước lũ dâng cao. Ngoài ra, phía bên kia suối có hàng chục hộ dân sinh sống thường xuyên bị cô lập mỗi khi mưa lớn do lũ từ thượng nguồn đổ về. Do đó, mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ngưng trệ, đời sống người dân bị đảo lộn. Trăn trở với chúng tôi, chị Bùi Thị Ngọc ở xóm Thượng cho biết: "Do không có đất ở, gia đình tôi phải dựng tạm nhà ven dòng suối Sào để thuận tiện đi lại, phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, mưa lũ năm 2017 khiến nước suối dâng cao đến tận sàn nhà, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng các thành viên trong gia đình. Gia đình tôi mong muốn Nhà nước quan tâm, bố trí khu vực đất ở an toàn để đảm bảo an toàn tính mạng cho cả gia đình".
Bà Bùi Thị Quy ở xóm Sào Vót cho biết: "2 năm qua, gia đình tôi vẫn ở trong chiếc lán tạm dựng ở ven đường để sinh sống. Mùa nắng thì nóng bức ngột ngạt, mùa mưa thì dột. Mong muốn Nhà nước quan tâm, hỗ trợ giúp đỡ người dân di chuyển về nơi ở mới để nhanh chóng ổn định cuộc sống”.
Để chủ động công tác ứng phó với thiên tai, đảm bảo an toàn cho các hộ dân sinh sống trong vùng nguy hiểm khi mưa lũ xảy ra, Ban chỉ huy PCTT&TKCN xã thường xuyên phân công cán bộ rà soát các khu vực xung yếu trên địa bàn. Chủ động theo dõi tình hình dự báo thời tiết để có phương án tuyên truyền người dân di chuyển đến nơi an toàn. Thực hiện hiệu quả phương châm "4 tại chỗ” khi có thiên tai xảy ra. Thành lập các điểm chốt chặn tại các điểm sạt lở, nghiêm cấm người dân lưu thông qua khu vực này. Túc trực 24/24 giờ để kịp thời xử lý các sự cố bất ngờ.
Đồng chí Bùi Văn Chung, Phó Chủ tịch UBND xã Lạc Sỹ cho biết: "Vừa qua, xã đã phân công cán bộ khảo sát thực tế tại các thôn, xóm để thống kê, rà soát lại các khu vực tiềm ẩn nguy cơ sạt lở cao. Qua đó đã lập hồ sơ 15 hộ dân nằm trong khu vực đặc biệt nguy hiểm cần di dời đến nơi ở mới. Xã mong muốn Nhà nước quan tâm, đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ đất ở và kinh phí giúp đỡ các hộ được di dời đến nơi ở an toàn. Qua đó, đảm bảo tính mạng và tài sản khi xảy ra thiên tai. Góp phần ổn định cuộc sống nhân dân, thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương.
Đức Anh
(HBĐT) - Năm 2019, công tác giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nghề tiếp tục được các ngành chức năng, huyện, thành phố đẩy mạnh.