Vừa thực hiện kiểm tra nồng độ cồn trong hơi thở khi tham gia giao thông, anh Lê Mạnh Hà ở quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết: "Nghị định 100/2019/NÐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt và Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đã góp phần kéo giảm số vụ tai nạn giao thông do sử dụng rượu, bia. Là người tham gia giao thông, tôi hoàn toàn ủng hộ, chấp hành nghiêm túc các quy định này. Tuy nhiên, tôi rất lo lắng bởi không biết thiết bị kiểm tra nồng độ cồn có lây nhiễm các bệnh nguy hiểm, nhất là Covid-19 không?...". Cùng suy nghĩ như anh Lê Mạnh Hà, anh Trần Hoài Nam, ở TP Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng), chia sẻ: "Nếu một máy kiểm tra nồng độ cồn được dùng cho nhiều người thì nguy cơ lây nhiễm bệnh là rất cao...".
Về vấn đề này, trong văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, Thứ trưởng Y tế Ðỗ Xuân Tuyên cho rằng: "Việc kiểm tra nồng độ cồn trong khí thở đối với người tham gia giao thông có nguy cơ lây nhiễm các bệnh lây truyền qua đường hô hấp tương tự như đối với các hoạt động, công việc giao tiếp thông thường khác của người dân. Ðến nay, trên thế giới và tại Việt Nam chưa có bằng chứng cho thấy sự khác biệt về nguy cơ lây nhiễm của các loại hình giao tiếp nêu trên. Việc tuân thủ các biện pháp phòng ngừa dùng riêng ống thổi cho từng người, sát khuẩn thiết bị đo, lực lượng làm nhiệm vụ tuân thủ đúng quỵ trình thao tác và người dân tuân thủ hướng dẫn của Cảnh sát giao thông (CSGT) sẽ giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm. Tại những thời điểm có dịch bệnh như hiện nay thì hoạt động kiểm tra nồng độ cồn trong khí thở phải được thực hiện nghiêm ngặt đúng quy trình, yêu cầu. Lực lượng CSGT khi thực hiện nhiệm vụ cần áp dụng các biện pháp bảo hộ cá nhân và tuân thủ theo các theo hướng dẫn, khuyến cáo của ngành y tế về phòng, chống dịch bệnh...".
Cùng thời điểm này, Bộ Y tế cũng có văn bản gửi Ủy ban ATGT quốc gia về việc góp ý dự thảo hướng dẫn tham gia giao thông an toàn trong điều kiện có dịch bệnh Covid-19. Về vấn đề này, Thứ trưởng Y tế Ðỗ Xuân Tuyên cũng nêu rõ, do dịch bệnh diễn biến phức tạp, lây lan trong cộng đồng; nguy cơ lây nhiễm tăng cao cho nên mỗi người tham gia giao thông phải sử dụng một ống thổi riêng chưa qua sử dụng (đã được tiệt trùng). Các cán bộ kiểm tra và người tham gia giao thông phải thực hiện nghiêm túc các hướng dẫn, khuyến cáo của Bộ Y tế về phòng, chống dịch bệnh... Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng kiến nghị Bộ Công an chủ trì, phối hợp Bộ Y tế để rà soát, cập nhật hoàn thiện hướng dẫn quy trình, thao tác khi kiểm tra nồng độ cồn trong khí thở, bảo đảm yêu cầu kiểm soát nhiễm khuẩn để phòng chống, dịch bệnh.
Thiếu tướng Lê Xuân Ðức, Phó Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, để chủ động phòng, chống Covid-19, vừa qua, lãnh đạo Cục CSGT đã có văn bản chỉ đạo lực lượng CSGT các tỉnh, thành phố. Cụ thể, các cán bộ, chiến sĩ CSGT khi làm nhiệm vụ, trực tiếp tiếp xúc với người dân phải có các biện pháp bảo hộ cá nhân và tuân thủ theo hướng dẫn, khuyến cáo của ngành y tế về phòng, chống dịch bệnh. Khi kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ, nhất là về nồng độ cồn, các cán bộ CSGT phải đeo khẩu trang, găng tay; sử dụng ống thổi một lần cho từng người; bảo đảm vệ sinh, sát khuẩn thiết bị đo nồng độ cồn trước và sau khi sử dụng. Các dụng cụ khẩu trang, găng tay và ống thổi sau khi sử dụng xong sẽ được thu gom, tiêu hủy theo quy định của Bộ Y tế. Những việc làm này nhằm bảo đảm an toàn, tránh lây bệnh cho người dân tham gia giao thông và bản thân cán bộ, chiến sĩ khi thực hiện nhiệm vụ.
Liên quan đến việc các cán bộ Trạm CSGT Mỹ Xuyên (Phòng CSGT Công an tỉnh Sóc Trăng) sử dụng bong bóng để người tham gia giao thông thổi gián tiếp sau đó chuyển sang máy đo nồng độ cồn, Thiếu tướng Lê Xuân Ðức cho rằng: "Việc sử dụng máy đo nồng độ cồn phải được tuân thủ quy trình nhất định và theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Trong lực lượng CSGT cũng có quy trình xử lý những trường hợp vi phạm nồng độ cồn. CSGT tỉnh Sóc Trăng thí nghiệm về các trường hợp đó phải được các cơ quan chức năng và cơ quan có thẩm quyền thẩm định về mặt pháp lý; theo khuyến cáo của nhà sản xuất; tuân thủ quy trình xử lý nồng độ cồn. Nếu các điều kiện được đáp ứng đầy đủ thì đây là một sáng kiến. Trong quá trình thí nghiệm thành công và đáp ứng được các yêu cầu về mặt pháp lý; về mặt nghiệp vụ và tuân thủ theo khuyến cáo của nhà sản xuất thì sẽ được công nhận và đưa vào sử dụng chung. Trước mắt, đây chỉ là thí nghiệm của một địa phương…".
Từ ngày 15-12-2019 đến ngày 13-2-2020, lực lượng CSGT trên địa bàn tỉnh đã lập biên bản xử lý 132 trường hợp vi phạm nồng độ cồn; xử phạt 149 triệu đồng; tạm giữ 132 phương tiện và tước 101 giấy phép lái xe. Để tránh lây nhiễm Covid-19, các cán bộ, chiến sĩ CSGT khi thực hiện nhiệm vụ đều tuân thủ theo hướng dẫn, khuyến cáo của Bộ Y tế và sự chỉ đạo của Cục CSGT. Hiện nay, việc dùng ống thổi nồng độ cồn một lần không ảnh hưởng đến quy trình xử lý các trường hợp vi phạm giao thông…
Thượng tá TRẦN HÙNG |
CSGT nên bố trí để bảo đảm thiết bị kiểm tra nồng độ cồn được cầm và sử dụng bởi riêng một CSGT trong mỗi ca làm việc để tránh lây chéo. Tiến hành sát khuẩn thiết bị trước, trong và sau ca làm việc bằng dung dịch có cồn. Chỉ sử dụng riêng một ống thổi mới, chưa qua sử dụng cho mỗi người được kiểm tra. Các ống thổi đã được sử dụng cần được thu gom và xử lý phù hợp.
TS PẮC KI-ĐÔNG |
Theo nghiên cứu khoa học, từng loại bệnh truyền nhiễm có mức độ lây khác nhau. Bệnh sởi có mức độ lây cao nhất, sau đó đến thủy đậu, cúm,... Mức độ lây lan của Covid-19 gấp từ 1,5 đến 2,4 lần; tuy nhiên, khi thiết kế loại ống thổi nồng độ cồn nhà sản xuất đã tính toán để bảo đảm không lây nhiễm và chỉ dùng một lần.
PGS, TS ĐỖ DUY CƯỜNG
|
TheoNhanDan