(HBĐT) - Cách trung tâm huyện gần 30 km, đường quanh co, hiểm trở và có độ cao 1.000 m so với mặt biển, Ngổ Luông được ví như "cổng trời” 4 mùa mây phủ. Được biết đến là một trong những xã khó khăn nhất huyện Tân Lạc, thế nhưng trong cảm nhận của người dân nơi đây, Ngổ Luông vẫn là nơi đáng sống. 


Cán bộ y tế xã Ngổ Luông (Tân Lạc) chăm sóc sức khỏe y tế ban đầu cho nhân dân góp phần phòng, chống dịch bệnh.         

Vùng đất có nhiều đặc sản
Khi chúng tôi ngược dốc lên với Ngổ Luông trời đổ mưa rào. Nhưng thật lạ, vượt qua dốc Đáy - con dốc ngoằn ngoèo, uốn lượn thuộc địa phận xã Quyết Chiến thì tiết trời tạnh ráo, chỉ còn phảng phất những vạt sương mờ. Chừng 10h, trời hửng nắng, không gian trở nên thoáng rộng, lòng người thêm ấm áp, xốn xang. Rót chén trà mời khách, Chủ tịch UBND xã Bùi Văn Phong tươi cười: Thời tiết ở đây là vậy, một ngày có tới 4 mùa xuân, hạ, thu, đông. Có lẽ đây là một món quà của thiên nhiên ban tặng cho vùng đất khó khăn này.

Thật vậy, không khí trong lành, mát mẻ là điều kiện tốt để người dân trong xã phát triển trồng trọt, chăn nuôi. Nhưng với diện tích ruộng cấy cả năm vẻn vẹn 45 ha tôi không khỏi thắc mắc: Vậy người dân ở đây sống bằng gì khi có tới 94% lao động thuộc lĩnh vực nông lâm nghiệp? Chủ tịch Phong điềm tĩnh: Trồng ngô, chăn nuôi gia súc, gia cầm và trồng chè thương phẩm. Đến đây, người bạn đồng hành của tôi - một kỹ sư nông nghiệp của huyện Tân Lạc giới thiệu: Bởi sự khác biệt về khí hậu, thổ nhưỡng nên Ngổ Luông có khá nhiều đặc sản, đó là ngô, lợn, gà, chè Shan tuyết mang "thương hiệu" Ngổ Luông.

Rót thêm lượt trà, Chủ tịch Phong giới thiệu: Nước chè Ngổ Luông màu không đẹp (tức là không xanh mà đỏ như nước lá cây ở rừng của bà con) nhưng bù lại trà có vị đậm đà khó cưỡng. Thế nên, chè sản xuất đến đâu bán hết đến đó. Thấy được nguồn lợi kinh tế, nay bà con đã mở rộng được khoảng 30 ha, đáp ứng nguồn cung ra thị trường. Lợn, gà Ngổ Luông cũng vậy, nói như ngôn ngữ của giới trẻ bây giờ "bao sạch, bao ngon”. Tiếng "thơm” đồn xa, mấy năm nay cứ dịp Tết, tư thương tự tìm về, bà con không phải lo tìm đường tiêu thụ.

Khát vọng vươn lên

Lần đầu tiên được đến với Ngổ Luông, chúng tôi dành trọn thời gian để tìm hiểu về đời sống, nếp nghĩ, cách làm của người dân và được biết thêm một vài "đặc sản” nữa, đó là tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên. Chẳng vậy mà từ năm 1985, khi đời sống của người dân còn hết sức khó khăn, đường từ huyện về xã mới chỉ là lối mòn cho người đi bộ nhưng Ngổ Luông đã được cả tỉnh biết đến với phong trào học tập và danh hiệu Nhà nước trao tặng: "Đơn vị anh hùng giáo dục xã Ngổ Luông - Hà Sơn Bình”. Chưa có đường bê tông đến trung tâm xã, hệ thống thủy lợi còn thiếu, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa… chưa đồng bộ, tỷ lệ hộ nghèo (năm 2019) còn chiếm tới 35,83%, nhưng từ nhiều năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã đã quyết chí, đồng lòng xây dựng nông thôn mới. Bằng những nỗ lực bền bỉ, đến nay, xã Ngổ Luông xây dựng đạt 10/19 tiêu chí.

Khi ước mơ được lan tỏa

Đến thời điểm hiện tại, ước mơ lớn nhất và đồng nhất của người dân Ngổ Luông vẫn là con đường êm thuận tới xã và các xóm. Bởi đoạn đường từ xã Quyết Chiến đến xã Ngổ Luông thuộc tuyến đường liên huyện vùng cao Tân Lạc - Lạc Sơn là một trong những tuyến đường xấu nhất tỉnh, trong đó, đoạn qua xã Ngổ Luông dài 13 km. Ngổ Luông là vựa ngô lớn nhất của huyện Tân Lạc với diện tích khoảng 400 ha. Sản lượng lớn, chất lượng tốt, nhưng nhiều khi ngô chất đống chẳng bán được vì đường sá đi lại khó khăn. Mùa mưa, Ngổ Luông như bị cô lập, phương tiện di chuyển duy nhất là xe máy, nhưng nhiều khi phải cuốn xích mới trườn qua được những điểm trơn, lầy. Ngay cả mùa khô, đường gồ ghề, khúc khuỷu, xe ô tô gầm cao cũng vật vã đánh lái, dò dẫm cả tiếng đồng hồ mới đến được trung tâm xã.

Trong chuyến kiểm tra, nắm tình hình triển khai, thực hiện dự án cải tạo nâng cấp đường liên huyện vùng cao Tân Lạc- Lạc Sơn và trường PT DTNT THCS&THPT Ngọc Sơn (Lạc Sơn) tháng 11/2019, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Tỉnh đã nắm bắt những tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân. Cùng với việc chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ dự án, dự án cải tạo nâng cấp đường liên huyện vùng cao Tân Lạc - Lạc Sơn, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã vận động doanh nghiệp hỗ trợ xi măng phục vụ người dân xã Ngổ Luông xây dựng nông thôn mới. Hưởng ứng lời kêu gọi của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, 3 doanh nghiệp sản xuất xi măng trên địa bàn tỉnh, gồm: Công ty CP tập đoàn Xây dựng và du lịch Bình Minh, Công ty CP Xi măng X18 và Công ty TNHH Xi măng Vĩnh Sơn đã cam kết hỗ trợ xã Ngổ Luông 500 tấn xi măng. Đầu tháng 3 này, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã đích thân dẫn đường cho doanh nghiệp lên trao xi măng cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Ngổ Luông.

Tắc đường, bước xuống đi bộ, doanh nhân Phùng Văn Hệ, Chủ tịch HĐQT Công ty CP tập đoàn Xây dựng và du lịch Bình Minh thốt lên: Đường sá thế này thì bao giờ dân mới hết nghèo! Nói rồi, ông quyết cái "rụp”: Tập đoàn Bình Minh sẽ hỗ trợ 500 tấn xi măng, đồng thời, ông cũng "vận động” 2 doanh nghiệp bạn là Công ty CP Xi măng X18 và Công ty TNHH Xi măng Vĩnh Sơn nâng mức hỗ trợ. Đi đến trụ trở UBND xã Ngổ Luông, phương án đã được "chốt”, mức hỗ trợ xi măng là 1.000 tấn, thay vì 500 tấn như đã định.  

Không thể tả hết niềm vui của các đồng chí lãnh đạo Đảng, chính quyền, các đoàn thể của xã Ngổ Luông. Bí thư Đảng ủy xã Bùi Văn Thiết tỏ bày: Với điều kiện là xã đặc biệt khó khăn, những năm qua, xã đã được Đảng, Nhà nước quan tâm hỗ trợ các chương trình, dự án để phát triển hạ tầng điện, đường, trường, trạm và sinh kế. Nay được các doanh nghiệp hỗ trợ 1.000 tấn xi măng, thực sự là một món quà vô cùng ý nghĩa. Đảng bộ, chính quyền xã xin hứa với đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, các vị đại biểu sẽ phấn đấu sớm hoàn thành tiêu chí số 2 nông thôn mới - tiêu chí giao thông, để thỏa nguyện ước mơ của người dân xã Ngổ Luông về một con đường đẹp.

Thúy Hằng

Các tin khác


Tuyên truyền, vận động nhân dân tạm dừng các hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa, hoạt động đông người

(HBĐT) -Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, nhằm tránh nguy cơ lây lan trong cộng đồng do các hoạt động tập trung đông người, giúp giảm thiểu tối đa các nguy cơ lây lan dịch bệnh bùng phát triển địa bàn tỉnh, ngày 19/3, UBND tỉnh đã có Công văn số 383/UBND-KGVX về việc tuyên truyền, vận động nhân dân tạm dừng các hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa và các hoạt động đông người trong lĩnh vực văn hóa để phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Sạp hàng "cắt cổ" ở cổng viện

(HBĐT) -Thời gian qua, dư luận bức xúc trước tình trạng nhà thuốc lợi dụng tình hình dịch bệnh, bán khẩu trang với giá "cắt cổ". Tuy nhiên, không phải khẩu trang, cũng không cần lý do dịch bệnh, ngay tại cổng Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh có một sạp hàng tạp hóa nhỏ luôn tìm cách "chặt chém” bệnh nhân và người nhà của họ mỗi khi cần mua những mặt hàng thiết yếu. Tình trạng này diễn ra đã lâu nhưng sạp hàng này vẫn ngang nhiên tồn tại ngay vị trí đẹp nhất cổng viện.

Bài toán nước ngọt cho đồng bằng sông Cửu Long

Bài 2: Không để người dân thiếu nước Nguyên nhân thiếu nước sản xuất và sinh hoạt ở vùng đồng bằng sông Cửu Long là do biến đổi khí hậu và nguồn nước dòng Mê Công chảy về hạ nguồn kém, điều này đã được dự báo từ trước, đòi hỏi có những giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm khắc phục tình trạng này.

Trên 2.100 khách Việt về từ vùng dịch dự kiến nhập cảnh sân bay Nội Bài ngày 22/3

Tin từ Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, dự kiến trong ngày 22/3, sẽ có 15 chuyến bay đến từ các nước và vùng lãnh thổ gồm Đức, Nga, Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE), Singapore, Nhật Bản, Ấn Độ, Hong Kong, Đài Loan (Trung Quốc)… đáp xuống sân bay quốc tế Nội Bài.

Sân bay Nội Bài hôm nay vẫn đón hơn 1.700 hành khách

Dù các hãng hàng không trong nước đã cắt giảm nhiều đường bay nhưng dự kiến hôm nay, tổng số hành khách quốc tế nhập cảnh Nội Bài (Hà Nội) vào khoảng 1.700 người.

4 yêu cầu của Bộ Y tế với người đã nhập cảnh

Bộ Y tế kêu gọi tất cả người nhập cảnh từ ngày 1/3 đến nay phải thực hiện 4 yêu cầu: khai báo y tế, tự cách ly, hạn chế tiếp xúc và liên hệ cơ quan y tế gần nhất.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục