Trong lá thư gửi Phó Lang Đinh Công Phủ, đại ý Người viết: bà con may áo tặng tôi bằng lá cờ thờ thần làng mình, với ngụ ý "người mặc tấm áo này được coi như một vị thần”, tôi tặng áo cho cụ Phủ và "cụ mặc ấm cũng như tôi mặc ấm” (lời của Bác trong lá thư đề ngày 15/1/1948). Vốn là "Phó vương” quyền lực nghiêng rừng nghiêng núi xứ Mường, cũng từng lầm lạc từ hồi ánh sáng cách mạng chưa lên tới núi cao, song, có lẽ vì sớm cảm được tấm tình của Bác và Chính phủ Cụ Hồ, mà Phó Lang Đinh Công Phủ đã sớm quay mũi súng, giao nộp toàn bộ "binh quyền”, cùng con cháu và gia binh xông pha giải phóng non sông.
Đồng chí Nguyễn Thị Thi khẳng định: Trong chế độ lang đạo, bà con tin vào nhà lang tuyệt đối, lang bảo gì nghe đó. Việc nghe này không chỉ là chấp hành mệnh lệnh của giai cấp thống trị, mà đó còn là vấn đề tiềm thức từ ngàn đời của bà con trước lang - ông "vua” một cõi: lang muốn gì được nấy, lang cho sống được sống, lang bắt chết phải chết. Đặt trong bối cảnh đó mới thấy hết ý nghĩa việc làm của Bác. Khi lang cun Đinh Công Phủ theo Cụ Hồ đánh đuổi giặc Pháp, thì bà con đồng bào Mường đồng loạt đi theo. Đặc biệt, con trai cụ là ông Đinh Công Đốc đã từ bỏ mọi bổng lộc, tham gia kháng chiến, lập nhiều chiến công gắn với sự ra đời, phát triển của khu căn cứ cách mạng Mường Diềm.
Để hiểu thêm về tấm lòng con cháu nhà lang một lòng theo cách mạng, chúng tôi tìm gặp con gái út của ông Đinh Công Đốc - cô giáo Đinh Lâm Oanh, hiện trú tại phường Thịnh Lang (TP Hòa Bình). "Trong cuốn sổ đã sờn cũ của cha tôi - ông Đinh Công Đốc, ở ngay trang đầu là tấm ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh được cắt từ tờ công báo, đi kèm lời đề tựa viết tay nắn nót: "Hồ Chí Minh sống mãi”; ở trang thứ hai là tấm ảnh đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trẻ và dòng chữ: "Võ Đại tướng muôn năm”.”. Câu chuyện về vị dũng tướng xứ Mường một lòng theo cách mạng được cô giáo Đinh Lâm Oanh bắt đầu như thế!
Là con trai cả của ông Phủ, từ nhỏ, Đinh Công Đốc được cha cho học hành tử tế ở Hà Nội. Năm 18 tuổi, cậu Đốc bàn với cha cho mình đi học nghề, rồi xin giấy phép của Pháp mở mỏ khai khoáng tại Mộc Châu và Phù Yên (Sơn La), nhưng thật ra cậu chỉ coi nghề mỏ là thứ ngụy trang cho hành động đi khắp cõi trung binh lực đánh thực dân Pháp. Âm thầm nấu chí, 2 năm sau, từ bỏ mọi đặc quyền nhung lụa của con nhà lang, ông Đốc lập được đội vũ trang có 300 tay súng dọc chiến khu sông Đà. Lệnh Tổng khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945 phát ra, ông dẫn đoàn hùng binh về giải phóng quê hương, tiếp đó tiến lên giải phóng Mai Châu, Mộc Châu… Sau cách mạng, ông Đinh Công Đốc đã từng là Đội trưởng chiến khu Mường Diềm, ủy viên quân sự trong Ủy ban cách mạng lâm thời tỉnh, là Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 97, Trung đoàn 148, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Độc lập 930, Phó Giám đốc trường Quân chính Tây Bắc, quyền Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính huyện Mai Đà.
4 năm sau ngày mất, vào năm 1998, Chủ tịch nước đã truy tặng Huân chương Kháng chiến hạng nhất cho ông Đinh Công Đốc, ghi nhận những đóng góp quý báu cho kháng chiến chống Pháp xâm lược, cũng là ghi nhận tấm lòng của một gia đình quan lang một lòng theo cách mạng.
Minh Vũ