Tuy nhiên, truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình đang có sự thay đổi. Bên cạnh những chiều hướng tích cực đáng mừng, có những thay đổi đang là vấn đề nhức nhối trong xã hội. Cuộc sống của xã hội hiện đại với sự phát triển mạnh mẽ của các thành phần kinh tế đã tác động đến đời sống gia đình. Ở một góc độ nào đó đã phá vỡ nền nếp, gia phong, đạo đức của gia đình truyền thống Việt Nam. Guồng quay của xã hội đang cuốn con người vào vòng xoáy của những lo toan, do đó, mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình trở nên lỏng lẻo hơn. Tình trạng bạo hành gia đình cũng gia tăng với những mức độ nguy hiểm hơn. Tỷ lệ ly hôn, ly thân, sống chung như vợ chồng không đăng ký kết hôn, quan hệ tình dục trước hôn nhân và việc nạo phá thai trong giới trẻ gia tăng, để lại những hậu quả nặng nề về nhiều mặt đối với gia đình và xã hội. Các giá trị văn hóa gia đình truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam đang có biểu hiện xuống cấp, mai một. Nhiều tệ nạn xã hội như: Ma túy, cờ bạc, rượu chè, mại dâm, HIV/AIDS đã và đang xâm nhập vào các gia đình. Mâu thuẫn xung đột giữa các thế hệ về phép ứng xử, lối sống và vấn đề chăm sóc người cao tuổi đang đặt ra những thách thức mới.
Theo thống kê của Sở VH-TT&DL, năm 2019, toàn tỉnh có 158 hộ có bạo lực gia đình và xảy ra 257 vụ bạo lực gia đình. Trong đó có 46,3% số vụ là bạo lực về tinh thần; 26,7% số vụ là bạo lực về thân thể; 24,9% bạo lực về kinh tế; 0,19% bạo lực về tình dục. Nạn nhân bị bạo lực gia đình chủ yếu là nữ 169/257 người, chiếm 65,7%; hình thức góp ý, phê bình tại cộng đồng dân cư 130 người; áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc theo quyết định của Tòa án nhân dân cấp huyện 97 người; xử phạt vi phạm hành chính (cảnh cáo) 15 người; xử lý hình sự (phạt tù) 3 người, số người còn lại đã được các tổ hòa giải ở cơ sở giải quyết. Toàn tỉnh hiện có 13 mô hình phòng, chống bạo lực gia đình và 92 mô hình hoạt động độc lập; 1.092 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình; 583 địa chỉ tin cậy ở cộng đồng; 1.305 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững.
Đồng chí Lưu Huy Linh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết: Xác định việc xây dựng gia đình thời kỳ CNH, HĐH đất nước là một nhiệm vụ quan trọng của địa phương, góp phần nâng cao nhận thức của người dân đối với công tác gia đình, UBND tỉnh đã quán triệt 100% các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, các huyện, thành phố tập trung triển khai nội dung của Chỉ thị số 49-CT/TW ngày 21/2/2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về xây dựng gia đình trong thời kỳ CNH, HĐH và Thông báo Kết luận số 26-TB/TW được gắn liền với việc thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” bằng những việc làm, hành động cụ thể.
Các địa phương đã tổ chức phát động và vận động các gia đình đăng ký xây dựng gia đình văn hóa, nhân rộng các mô hình gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, mô hình gia đình làm kinh tế giỏi, mô hình gia đình hiếu học, gia đình nhiều thế hệ chung sống mẫu mực... Hàng năm, hưởng ứng Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3; ngày Gia đình Việt Nam 28/6 gắn với Tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình; Ngày thế giới xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái 25/11; Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới... luôn được quan tâm chú trọng bằng các hoạt động thiết thực từ cấp tỉnh đến cơ sở như: Hội diễn, tuyên truyền cổ động trực quan, sân khấu hóa..., góp phần nâng cao kiến thức xây dựng gia đình hạnh phúc, tạo không khí vui tươi, gắn bó, đoàn kết trong mỗi gia đình và toàn xã hội. Phong trào xây dựng "Gia đình văn hóa” gắn với mô hình gia đình ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền, hiếu học, gia đình làm kinh tế giỏi đã trở thành động lực tạo nếp sống tốt đẹp trong mỗi gia đình, cộng đồng dân cư được các cấp, ngành triển khai nhân rộng. Nhận thức về vai trò, vị trí, chức năng của gia đình ngày càng được nâng lên. Các gia đình tích cực thực hiện tốt kế hoạch hóa gia đình, chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các hương ước, quy ước, quy chế dân chủ ở cơ sở. Đồng thời giữ gìn và phát huy văn hoá gia đình, truyền thống tốt đẹp của dòng họ, dân tộc, góp phần xây dựng quê hương tỉnh Hòa Bình ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Năm 2020, Ngày Gia đình Việt Nam (28/6) với chủ đề là "Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình” và Tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình, là một sự kiện văn hóa lớn nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam. Đây cũng là ngày mà mọi người trong gia đình quan tâm đến nhau, xã hội quan tâm đến trẻ nhỏ và những người không có bố mẹ. Các cặp vợ chồng hiểu được giá trị mái ấm và cùng nhau vượt qua sóng gió để có một gia đình hạnh phúc.
Hồng Ngọc