Trường Cao đẳng Kinh tế- Kỹ thuật Hòa Bình đón học sinh nhập học năm 2020.
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Quách Thị Kiều chia sẻ: Thực hiện chức năng, nhiệm vụ tham mưu, giúp UBND tỉnh quản lý Nhà nước về lĩnh vực lao động, việc làm, dạy nghề, tiền lương, tiền công, an toàn lao động…, trong những năm qua, ngành LĐ-TBXH tỉnh đã nỗ lực làm "tròn vai” để đáp ứng cung, cầu lao động. Trên cơ sở kế hoạch đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giai đoạn 2016 - 2020, hàng năm, tỉnh kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành về đào tạo nghề cho lao động. Đồng thời, ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù của địa phương dành cho lĩnh vực dạy nghề, học nghề. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, ngành LĐ-TB&XH tổ chức điều tra, khảo sát, phê duyệt danh mục đ.ào tạo nghề nghiệp, phê duyệt định mức chi phí đào tạo nghề nghiệp, theo đó, xây dựng kế hoạch đào tạo nghề sát thực, cụ thể, đáp ứng nhu cầu thực tiễn.
Những năm qua, công tác đào tạo nghề cho lao động trên địa bàn tỉnh sớm xác định mục tiêu là giúp người lao động (NLĐ) có tay nghề để phục vụ nhân lực cho tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, cung ứng nguồn lao động có tay nghề cho các khu công nghiệp trong, ngoài tỉnh. Hiện, trên địa bàn tỉnh có 39 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 5 trường cao đẳng, 3 trường trung cấp, 11 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và một số đơn vị khác tham gia đào tạo. Công tác đào tạo nghề được mở rộng theo hướng ngày càng đa dạng hóa ngành nghề, đáp ứng nhu cầu học nghề của NLĐ, nhu cầu sử dụng lao động của cơ sở SX-KD, cũng như phục vụ tốt quy hoạch phát triển KT-XH của địa phương.
Với sự kết nối qua kênh của ngành LĐ-TB&XH, trong 5 năm qua đã giới thiệu, phối hợp với trên 180 lượt doanh nghiệp đến tuyển chọn lao động trên địa bàn tỉnh. Từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nên hoạt động dạy nghề, giải quyết việc làm có phần trầm lắng. Thay vì việc tổ chức các sàn giao dịch việc làm, ngành LĐ-TB&XH tập trung giải quyết tốt các chính sách cho lao động chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Hướng dẫn trả lương ngừng việc, tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất đối với doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. Xác nhận 2.321 lao động phải tạm thời ngừng việc, 288 lao động phải chấm dứt hợp đồng lao động do ảnh hưởng dịch Covid-19. Trong 9 tháng qua, Sở LĐ-TB&XH đã thẩm định, giới thiệu 7 doanh nghiệp đến các huyện, thành phố tuyển chọn lao động đi làm việc trong và ngoài nước. Cấp 1 giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Gắn đào tạo, dạy nghề với giải quyết việc làm, tỷ lệ lao động có việc làm tăng lên rõ rệt. Trong đó, lao động lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp giảm 8,74%; lĩnh vực CN-XD tăng 6,04%; lĩnh vực dịch vụ tăng 2,7%; tỷ lệ thất nghiệp của lao động khu vực thành thị giảm còn 2,6% (năm 2020), giảm 0,9% so với năm 2015.
Từ những hiệu ứng tích cực đó, tỉnh đưa ra định hướng cho giai đoạn 2020-2025, đó là: Đẩy mạnh giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giáo dục nghề nghiệp gắn với nhu cầu của thị trường lao động, xu hướng sử dụng lao động của doanh nghiệp. Tích cực triển khai công tác hướng nghiệp, phân luồng, liên thông trong giáo dục, đào tạo, gắn với đào tạo nghề cho học sinh phổ thông, phát triển kỹ năng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên (HSSV) thuộc hệ giáo dục nghề nghiệp. Tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp trong tỉnh tự đào tạo nghề cho NLĐ, phối hợp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp liên kết đào tạo, giới thiệu việc làm cho HSSV. Thực hiện có hiệu quả đề án dạy nghề cho lao động nông thôn. Tập trung phát triển KT-XH để tạo việc làm… Đảm bảo hàng năm tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp khoảng 15 nghìn lao động; tạo việc làm mới cho 16 nghìn lao động, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh theo đúng lộ trình đã đặt ra.
Thúy Hằng