Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 (TP Hòa Bình) điều trị nghiện ma túy bằng methadone cho người nghiện.
Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy được triển khai theo 2 hướng cai nghiện tự nguyện tại cộng đồng, cai nghiện tại cơ sở cai nghiện bắt buộc và công tác quản lý sau cai. Theo lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH, công tác cai nghiện ma túy tại cộng đồng được UBND tỉnh triển khai thực hiện theo Nghị định số 94/2010/NĐ-CP. Trong đó, tăng cường công tác chỉ đạo UBND các xã thành lập tổ công tác cai nghiện ma túy, tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ, quản lý giáo dục người nghiện. Phân công thành viên tuyên truyền, vận động người nghiện ma túy đăng ký cai nghiện tự nguyện; quản lý, giúp đỡ người nghiện phục hồi sức khỏe, hòa nhập cộng đồng; tạo điều kiện cho người nghiện sau cai được học nghề, tìm việc làm. Cùng với đó, tổ công tác cai nghiện phối hợp thực hiện tuyên truyền, vận động khai báo tình trạng nghiện, tư vấn tham gia chương trình cai nghiện. Sau khi tổ chức thực hiện cai nghiện cắt cơn tại cơ sở cai nghiện công lập, địa phương tiếp tục giáo dục, giúp đỡ thực hiện theo quy trình cai nghiện, các tổ cai nghiện phối hợp trưởng xóm huy động tổ chức đoàn thể, cộng đồng dân cư tham gia quản lý, giúp đỡ người sau cai nghiện bằng cách giúp người nghiện tham gia lao động sản xuất, hoạt động văn hóa, thể thao tại cộng đồng. Tính đến nay, toàn tỉnh đã thành lập 11 tổ công tác cai nghiện ma túy tại 11 xã của 4 huyện: Tân Lạc, Lạc Sơn, Cao Phong, Yên Thủy. Đã tiến hành quản lý, cai nghiện tại cộng đồng 43 trường hợp.
Tính từ năm 2016 đến nay, các cơ sở cai nghiện tập trung trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận 835 lượt học viên cai nghiện bắt buộc, tiếp nhận 714 trường hợp cai nghiện tự nguyện. Để quản lý đối tượng nghiện sau cai, tỉnh đã chỉ đạo quán triệt và thực hiện nghiêm việc phát huy vai trò của cấp ủy Đảng, chính quyền trong công tác tiếp nhận người nghiện sau cai, phối hợp quản lý, giúp đỡ người nghiện tái hòa nhập cộng đồng, phòng tránh tái nghiện. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, công tác quản lý người nghiện sau cai vẫn còn nhiều bất cập, hiệu quả chưa cao, chưa có kinh phí để hỗ trợ cán bộ tham gia giúp đỡ người nghiện sau cai. Đặc biệt, người nghiện có tư tưởng, tâm lý không ổn định, quyết tâm chưa cao nên dễ bị lôi kéo, rủ rê, dẫn đến tái nghiện. Việc hỗ trợ các hoạt động dạy nghề, học nghề, vay vốn, tìm việc làm cho đối tượng sau cai còn nhiều khó khăn.
Thực tế hiện nay, tỷ lệ người điều trị nghiện tự nguyện tại các cơ sở cai nghiện ma túy, gia đình và cộng đồng đạt 80%, thấp hơn so với chỉ tiêu đề án đổi mới công tác cai nghiện; tỷ lệ cán bộ y tế công tác tại các cơ sở điều trị nghiện có đầy đủ chứng chỉ theo quy định về điều trị nghiện mới chỉ đạt 70%. Đây cũng là một trong những thách thức, khó khăn trong công tác điều trị cai nghiện cắt cơn. Bên cạnh đó, các điểm tư vấn, chăm sóc hỗ trợ điều trị nghiện tại cộng đồng còn ít, hoạt động chưa thực sự hiệu quả, cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa được đầu tư đúng mức, trong khi đó, cán bộ cấp xã chủ yếu là kiêm nhiệm, tập trung chủ yếu ở hoạt động tuyên truyền, vận động tham gia điều trị. Chính vì vậy, công tác điều trị cai nghiện tự nguyện tại cộng đồng chưa đạt được kết quả như mục tiêu của đề án.
Đinh Hòa
(HBĐT) - Cử tri kiến nghị: Đề nghị tiếp tục thực hiện việc hỗ trợ BHYT cho các hộ dân tộc thiểu số (DTTS) đối với các xã sau sáp nhập từ vùng 2 xuống vùng 1.